Năm nay là năm thứ 10, chị Trần Thị Thu Trang - kỹ sư Phòng Kỹ thuật gắn bó với công việc nghiên cứu, nuôi cấy, nhân giống cây trồng, vi sinh vật tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Hà Tĩnh. Trong suốt thời gian công tác của mình, chị Trang đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu về giống, chủng vi sinh vật hữu ích và thành công trong việc nhân giống các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Trần Thị Thu Trang đã có 10 năm gắn bó với công việc ở phòng thí nghiệm.
Dẫn tôi vào phòng nuôi cấy mô - nơi có rất nhiều giá đựng ống nghiệm với những mầm cây bé xíu, chị Trang cho biết, đây là số cây được nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.
“Phương pháp này là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến với nhiều ưu điểm vượt trội, khắc phục được tình trạng thoái hóa của các giống cây trồng, giúp sản xuất nhanh, đồng loạt; lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc; hạn chế nhược điểm của các phương pháp nhân vô tính khác như chiết, ghép hay giâm cành” - chị Trang cho biết.
Cây được nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô khắc phục được những hạn chế của phương pháp truyền thống.
Nhìn cách chị Trang nâng niu từng ống nghiệm trên tay, tỉ mẩn ngắm nghía từng mầm cây rồi cẩn thận ghi chép lại thông tin cần thiết, đủ để tôi hiểu rằng, công việc này không dành cho người vội vàng, thiếu kiên nhẫn. Ngoài việc di chuyển nhẹ nhàng, cẩn thận để không làm vỡ các ống nghiệm thủy tinh, thì điều quan trọng nhất khi người kỹ sư làm việc trong phòng nuôi cấy chính là sự tập trung, tỉ mỉ quan sát, theo dõi sự sinh trưởng của mầm cây từng ngày, từng giờ.
Vì là giai đoạn nuôi cấy nên người kỹ sư phải đặc biệt lưu ý và theo dõi thường xuyên yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng... sao cho đảm bảo một môi trường lý tưởng để cây sinh trưởng. Để cho ra đời được một giống cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt đôi khi phải mất cả tháng trời.
Chị Thắm là người trực tiếp “huấn luyện” cây con sau giai đoạn nuôi cấy.
Sau khi nuôi cấy thành công, cây con được đưa xuống khu vực trồng thử nghiệm trong nhà lưới. Ở đây, chúng sẽ tiếp tục trải qua một quá trình “thử thách” mới khi chuyển từ môi trường trong ống nghiệm ra môi trường sống tự nhiên trước khi trở thành cây giống hoàn chỉnh có thể xuất bán ra thị trường.
Chị Trần Thị Thắm (bộ phận kỹ thuật làm vườn) - một trong những người có nhiều năm trực tiếp chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây ở giai đoạn này cho biết: “So với các giống cây bình thường, cây nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ sạch bệnh, khỏe mạnh hơn nên chủ yếu chỉ cần đảm bảo đủ lượng nước. Đây được coi là giai đoạn “huấn luyện” cây con, tập cho cây thích nghi dần với sự khắc nghiệt của môi trường tự nhiên”.
Các kỹ sư luôn phải đảm bảo môi trường, dinh dưỡng cho cây phát triển khỏe mạnh.
Bên cạnh việc nhân giống đồng loạt các loại cây thông dụng cho hiệu quả kinh tế cao như cam, bưởi, keo tràm..., các kỹ sư của trung tâm cũng thành công trong việc bảo tồn nhiều giống cây quý hiếm như các loại hoa, dược liệu...
Công việc nghe qua tưởng chừng đơn điệu nhưng các kỹ sư đều phải dồn hết trí tuệ, thời gian, tâm huyết. “Chăm cây như chăm con” là câu mà những con người nơi đây vẫn dùng để nói về công việc của mình.
“Chăm cây như chăm con” là cách mà những người ở đây nói về công việc của mình.
“Ngày ngày gắn liền với máy móc, ống nghiệm, hóa chất... khiến cho công việc của chúng tôi trong mắt mọi người có phần khô khan. Nhưng với niềm yêu nghề, chúng tôi cũng tìm kiếm được nhiều niềm vui mà không phải ai cũng có được” - chị Trang chia sẻ.
Những kỹ sư của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Hà Tĩnh đã góp phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương. Đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu không ngừng tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Những người kỹ sư tìm được niềm vui riêng trong công việc của ươm mầm sự sống cho cây.
Niềm vui của chị Trang và đồng nghiệp chính là tận tay ươm mầm sống, tận mắt chứng kiến những mầm sống ấy sinh sôi; là những ngày tháng cần mẫn chăm chút, chờ đợi trong niềm háo hức, hy vọng. Mỗi mầm xanh đâm chồi nảy lộc, mỗi giống cây được nhân thành công, sinh trưởng khỏe mạnh trong môi trường tự nhiên chính là một món quà tinh thần đối với họ.
Kiều Minh/https://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã