Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ những chính sách của Nghị quyết 120.
Vượt hạn mặn, nông nghiệp thắng lớn
5 năm tới, vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 17/11/2017, lần đầu tiên một nghị quyết của Chính phủ về vùng ĐBSCL được ban hành. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và hiện hữu, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo đà cho vùng đất 9 rồng đổi thay.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan - người có nhiều năm làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, nông nghiệp là ngành đã hấp thụ nhiều chính sách, giải pháp từ Nghị quyết 120 để từ đó thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện trên cơ sở xoay trục sản xuất linh hoạt trên tinh thần thuận thiên. Quá trình xoay trục không chỉ diễn ra với ngành nông nghiệp nói chung mà trong nội bộ từng lĩnh vực cũng có những đổi thay mang tính toàn diện.
Đơn cử như ngành hàng lúa gạo, theo ông Hoan, chỉ nhờ thay đổi lịch thời vụ, chủ động xuống giống sớm kết hợp với việc vận hành các công trình thủy lợi mà nhiều diện tích trồng lúa đã "né" hạn mặn thành công; sự đa dạng hóa trong cơ cấu giống lúa thơm, lúa chất lượng cao giúp ĐBSCL lần đầu tiên được sở hữu loại gạo ngon nhất nhì thế giới - ST25.
Dù hạn mặn ngày càng khắc nghiệt, xâm lấn sâu vào trong nội đồng nhưng diện tích lúa bị thiệt hại giảm đáng kể, trong khi năng suất, chất lượng lúa ngày một tăng (vụ đông xuân 2020 - 2021, năng suất lúa đạt xấp xỉ 7 tấn/ha).
Để phát triển bền vững ngành nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120, Bộ NNPTNT xác định ưu tiên cho công tác nghiên cứu, sản xuất giống cây nông, lâm nghiệp, giống 5 vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có 3 ngành hàng chính là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản.
Ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Phát triển nông nghiệp thuận thiên, tuần hoàn
Nghị quyết 120 được đánh giá đã mở ra chương mới cho vùng ĐBSCL, được người dân ĐBSCL đón nhận hồ hởi, bởi nghị quyết đã đưa ra tầm nhìn chiến lược cho phát triển đồng bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tới thời điểm này, nông nghiệp là một trong những ngành được thừa hưởng, làm được nhiều việc từ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về phát triển ĐBSCL trong Nghị quyết 120.
Từ nghị quyết này, ngành nông nghiệp đã chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng thuận thiên, thích ứng với hạn mặn, xu thế nước biển dâng do biến đổi khí hậu và cũng phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay.
Câu chuyện đầu tiên là Bộ NNPTNT đã góp phần định hình lại mô hình sản xuất theo từng vùng, ngọt, mặn lợ, đan xen giữa mùa vụ này với mùa vụ khác, chuyển dần diện tích thuần lúa sang những mô hình đa canh khác như lúa - tôm, lúa - cá hoặc mô hình nuôi tôm trrong rừng ngập mặn.
Những mô hình đó vừa mang tính chất thuận thiên, vừa đảm bảo nền nông nghiệp tuần hoàn, đỡ rủi ro mùa vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường có nhiều bất ổn. Việc áp dụng các mô hình luân canh, xen canh cũng giúp phục hồi hệ sinh thái, cải thiện độ dinh dưỡng của đất, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí cho nông dân, tạo ra nông sản sạch, có giá trị cao hơn. Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều sản phẩm tôm sạch, lúa sạch nhờ quá trình chuyển đổi ấy.
Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước. Điều đáng mừng là, hiện nay, diện tích sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 75%; phấn đấu đến năm 2030 đạt 100%.
Trong khi đó, nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Đối với cá tra, hiện nay, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 6.000ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3-4 tỷ con/năm. Toàn vùng có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ ương cá giống với diện tích khoảng 3.500ha, tập trung chủ yếu tại Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, số lượng giống sản xuất được gần 4 tỷ con, trong đó 3 tỷ con giống đạt chất lượng, đáp ứng 75% nhu cầu thả nuôi.
Với một vùng chịu nhiều tác động tiêu cực do nước biển dâng và biến đổi khí hậu như ĐBSCL, việc thực hiện các giải pháp công trình được coi là vô cùng quan trọng.
Theo đó, những năm qua, Bộ NNPTNT đã tiến hành quan trắc, dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước tại các tiểu vùng sinh thái; giám sát, dự báo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít, Quản Lộ Phụng Hiệp và Cái Lớn Cái Bé.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ NNPTNT đã phối hợp các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL 6.622 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách Trung ương, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển.
Xoay trục sản phẩm linh hoạt
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chiến lược phát triển ĐBSCL trong tình hình mới phải phát huy tối đa tinh thần "thuận thiên", thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu.
Theo đó, các trục sản phẩm cũng cần được điều chỉnh linh hoạt, nếu như trước đây, ĐBSCL ưu tiên cho lúa gạo, trái cây và thủy sản thì bây giờ thứ tự ưu tiên sẽ là: Thủy sản, trái cây và lúa gạo.
Đối với 3 đối tượng giống chính của vùng phấn đấu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực này; đến năm 2030 làm chủ nguồn giống trong nước có chất lượng, năng suất, hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Cường cho biết, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn lực, nhất là kinh phí cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển... phục vụ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống của nhân dân ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, sẽ chia làm 3 nhóm dự án để tính toán đầu tư. Nhóm 1, đầu tư các dự án kiểm soát mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhóm này có 2 đối tượng gồm đầu tư các công trình chuyển nước hợp lý giữa các vùng; đầu tư hoàn chỉnh, liên thông các hệ thống thủy lợi chủ động kiểm soát mặn, phục vụ chuyển đối nông nghiệp bền vững theo 3 vùng sản xuất.
Nhóm 2 đầu tư hệ thống trữ ngọt, cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước hộ gia đình cho người dân khu vực thường xảy ra xâm nhập mặn.
Nhóm 3 đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển. Nhu cầu đầu tư cho vùng khoảng 41.257 tỷ đồng, trong đó rà soát những nội dung ưu tiên thì đề xuất đầu tư trong nguồn vốn của Bộ khoảng 30.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.
Khánh Nguyên/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/4-nam-thuc-hien-nghi-quyet-120-ve-phat-trien-ben-vung-vung-dbscl-truc-san-xuat-moi-o-dat-9-rong-20210310175956965.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã