Theo Cục BVTV (Bộ NN-PTNT), trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công tác chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 tại các tỉnh phía Bắc mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy theo khung thời vụ.
Với các tỉnh phía Bắc, hiện đã gieo cấy hơn 700.000 ha lúa đông xuân (trong tổng diện tích dự kiến 740.000 ha). Các tỉnh Bắc Trung Bộ (BTB) có diện tích xấp xỉ 350.000 ha đã hoàn thành việc gieo cấy.
Về sinh trưởng của cây lúa, ở các tỉnh thuộc BTB, lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ở khu vực phía Bắc, hiện các trà lúa sớm đang trong quá trình đẻ nhánh, các trà vừa cấy xong đang trong giai đoạn bén rễ.
Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV cho biết: Theo nhận định của Trung tâm KTTV Quốc gia, tình hình thời tiết đầu vụ đông xuân năm nay khá phức tạp. Thời tiết tương đối ấm vào đầu vụ nhưng khi lúa trổ sẽ xuất hiện không khí lạnh. Với nền nhiệt từ 20-24 độ C, ẩm độ cao, nhiều nơi có mây mù và mưa nhỏ, bệnh đạo ôn trên lá sẽ có nguy cơ phát triển mạnh và sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện thời gian tới tại các tỉnh phía Bắc.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện BVTV (Viện KHNN Việt Nam) lưu ý: Trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía Bắc, bệnh đạo ôn là đối tượng gây hại vô cùng nguy hiểm, nguy cơ của bệnh trong vụ đông xuân 2020 - 2021 cũng rất cao. Vì vậy, bà con nông dân nên theo dõi sát tình hình sinh trưởng phát triển của cây lúa, diễn biến của thời tiết và sự xuất hiện của sâu bệnh, đặc biệt bệnh đạo ôn cổ bông.
Đối với bệnh đạo ôn trên cổ bông, chỉ có phòng chứ không chữa được. Bản thân nấm đạo ôn, chỉ cần 5-6 tiếng là đã mọc mầm và xâm nhập vào mô cây. Chỉ cần 1-3 ngày sẽ gây ra triệu chứng cấp tính và 5-6 ngày gây ra triệu chứng mãn tính. Nếu khi đã nhìn thấy triệu chứng bệnh mãn tính, việc phòng trừ không còn hiệu quả và thiệt hại về năng suất sẽ rất lớn.
Vì vậy đối với các tỉnh phía Bắc, nhất là các tỉnh Khu 4 (cũ), cần chủ động nắm bắt, theo dõi bệnh đạo ôn cổ bông để phun phòng là chính.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trong phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông, thời điểm phun phòng thích hợp nhất là khi lúa thấp thoáng trỗ từ 5 đến 10%. Nếu quan sát trên lá đòng vẫn còn xuất hiện các vết mới thì nên phun lại lần hai sau đó 5 đến 7 ngày.
Bên cạnh đó, để phòng trừ tốt bệnh đạo ôn, ngoài việc điều tra phát hiện sớm, phòng trừ sớm và diệt các ổ bệnh để tránh lây lan, nông dân nên bón phân cân đối để đảm bảo khi lúa ở giai đoạn lá đòng thì có màu xanh vàng là hợp lí. Ngoài ra, phải giữ nước ổn định để cây thuận lợi phát triển sinh trưởng.
Khi ruộng đã xuất hiện bệnh đạo ôn, tuyệt đối không được sử dụng đạm, các chất kích thích và phân bón lá để hạn chế sự lây lan của bệnh. Trong trường hợp phải phun phòng trừ thì nên sử dụng các loại thuốc đặc trị với bệnh đạo ôn.
Cũng theo ông Liêm, trong vụ đông xuân 2020-2021, ngoài bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng cũng là những đối tượng phổ biến gây hại rất lớn cho sản xuất.
Với bệnh sâu cuốn lá nhỏ, khuyến cáo các địa phương đặc biệt quan tâm đến đối tượng sâu cuốn lá nhỏ ở lứa hai và ba trên trà lúa xuân sớm, cũng như trà lúa trung và xuân chính vụ.
Đối với rầy nâu, nên đặc biệt chú ý vào giai đoạn cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2021 và giai đoạn cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2021. Đây là hai lứa rầy phải đặc biệt chú ý và phòng chống kịp thời để đảm bảo năng suất.
Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV lưu ý, bên cạnh bệnh đạo ôn, vụ đông xuân 2020 - 2021 các tỉnh phía Bắc cũng cần hết sức lưu ý tới bệnh lùn sọc đen. Đây là bệnh đã trở thành dịch lớn gây thiệt hại cho các tỉnh phía Bắc trong năm 2017-2018. Năm 2017, có tới 66.000 ha nhiễm bệnh lùn sọc đen, nhiều nơi mất đến 70-80%.
Chính vì vậy, các Trung tâm BVTV vùng (thuộc Cục BVTV) cũng như các chi cục BVTV ở các tỉnh hiện nay đang tiếp tục lấy mẫu rầy ở đầu vụ để phân tích kiểm tra lưu hành virus lùn sọc đen. Trong trường hợp rầy mang vius tỉ lệ cao thì phải xử lý rầy ngay từ lứa một.
Ngoài ra, Cục BVTV cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến bệnh bạc lá ở vụ đông xuân 2020 - 2021. Trước đây, bệnh bạc lá chỉ thường xuất hiện nặng trong vụ mùa, nhưng một số năm gần đây thậm chí vụ đông xuân khi thời tiết ấm vào cuối vụ, giai đoạn lá đang đẻ nhánh thì khả năng bệnh bạc lá xuất hiện cũng khá cao, đặc biệt một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Vì vậy, các địa phương cần chủ động trong việc nắm bắt sự phát sinh gây hại để tổ chức chỉ đạo phòng trừ.
Bên cạnh theo dõi sát tình hình sâu bệnh trên cây lúa, các cây trồng khác như ngô vụ đông xuân. Với tình hình thời tiết hiện tại, là điều kiện thuận lợi để bệnh sâu keo mùa thu và châu chấu tre lưng vàng phát triển mạnh.
Ngay từ đầu vụ đông xuân 2020 - 2021, các tỉnh phía Bắc và các tỉnh BTB đã có những đợt phun phòng trừ đầu tiên đối với bệnh sâu keo mùa thu trên ngô, vì giai đoạn đầu của cây ngô là giai đoạn quan trọng nhất để tiến hành phòng trừ.
Đối với châu chấu tre lưng vàng, hằng năm vào tháng 4 bắt đầu sinh nở. Các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình cũng như các tỉnh giáp biên giới Việt - Lào có mật độ cao.
Với các ổ châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện những năm trước, năm nay các trạm BVTV phối hợp với bà con nông dân đã nắm bắt sự phát sinh, phát triển. Khi xuất hiện châu chấu nở ở các tuổi một và hai triển khai phòng trừ ngay để giảm thiểu tác hại.
LÊ BỀN - TRUNG QUÂN/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã