Từ một hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẽ chỉ vài ba con bò chăn thả, năm 2016, với số vốn liếng tích cóp của vợ chồng bao năm cùng với sự hỗ trợ từ chính sách phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp, gia đình ông Phan Thạch Sanh ở Thôn Thượng Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, quy hoạch đồng cỏ hơn 7 sào và mua 10 con bò giống về nuôi nhốt. Khi thực hiện mô hình, ông Phan Thạch Sanh không chỉ được hỗ trợ về vốn mà còn được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi gia súc cộng với kinh nghiệm trong nhiều năm chăn nuôi nên đàn bò đã phát triển rất tốt. Với sự cần cù, chịu khó lấy ngắn nuôi dài, đến nay đàn bò của gia đình ông thường xuyên duy trì mỗi lứa từ 15-20 con bò giống lai ngoại, chủ yếu là bò 3B của Bỉ và Brahman của Ấn Độ cho giá trị kinh tế cao. Như trong năm nay, ông đã xuất bán được 50 con, còn lại 06 con bò dự kiến sẽ xuất bán trong dịp tết Nguyên Đán sắp tới. Theo tính toán của ông Sanh, mỗi năm ông nuôi được từ 45-60 con bò thịt, nếu trừ mọi chi phí thì sẽ có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng.
Những ngày này, thời tiết đang rét đậm, rét hại nên vợ chồng ông Phan Thạch Sanh đang tập trung chống rét cho đàn bò của gia đình mình bằng cách che chắn lại chuồng trại, cho bò ăn uống đầy đủ, ngoài ra còn bổ sung thêm thức ăn tinh, nước ấm, đặc biệt là sử dụng thêm thức ăn ủ chua để tăng sức đề kháng và đảm bảo đàn bò phát triển tốt.
Vợ chồng ông Sanh đang chăm sóc đàn bò của gia đình
Cùng với tranh thủ nguồn hỗ trợ của huyện (mô hình bò trên 5 con được hỗ trợ 2 triệu đồng/con), xã Cẩm Sơn đã mạnh dạn ban hành chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/mô hình trên 5 con. Vì vậy, chăn nuôi bò trên địa bàn phát triển khá nhanh. Nhiều hộ dân từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, một vài con, nay đã phát triển đàn bò lên cả hơn chục con, có những hộ có quy mô trên 30 con.
Cũng là gia đình thuần nông, ngoài làm ruộng thì gia đình bà Chu Thị Thảo ở thôn Thọ Sơn, xã Cẩm Sơn (Huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trước kia cũng chỉ nuôi 1 con bò để lấy sức cày kéo.Tuy nhiên, sau nhiều lần suy nghĩ tính toán chuyện làm ăn, nhận thấy trong xã nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi bò nhốt khá thành công. Gia đình bà thảo lại có diện tích vườn đồi khá rộng nên đầu năm 2017, gia đình bà Thảo đã quyết tâm vay mượn thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi bò. 3 năm nay, gia đình bà Thảo khi nào cũng duy trì được đàn bò từ 10 -15 con mỗi lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi trăm.
Năm nay, do dịch Tả lợn Châu Phi nên dự kiến giá bán thịt bò sẽ cao hơn, vì vậy, cũng như các hộ chăn nuôi khác, thời gian này, gia đình bà Thảo đang tăng cường vỗ béo cho lứa bò 10 con này chờ xuất chuồng vào dịp tết Nguyên Đán sắp tới, dự kiến doanh thu 450 triệu đồng.
Không chỉ phát triển nhanh về tổng đàn, người dân ở đây đang hướng đến chăn nuôi bò theo hướng liên kết, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là nâng cao kiến thức, kỹ thuật và chất lượng đàn bò ngay từ khâu lựa chọn giống…
Năm 2019, khi chăn nuôi bò phát triển khá mạnh với tổng đàn lên đến hàng ngàn con; để phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, xã Cẩm Sơn bắt đầu chỉ đạo triển khai chăn nuôi liên kết với việc tổ chức xây dựng các tổ hợp tác (THT). Đến nay 2 THT chăn nuôi bò ở thôn Lĩnh Sơn và thôn Thọ Sơn với hàng chục hộ thành viên đang đi vào hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò tập hợp và hỗ trợ lẫn nhau phát triển sản xuất.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt vỗ béo tại xã Cẩm Sơn trong những năm gần đây đã cho thấy mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích đất đồi trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng giống cỏ voi và cỏ VA06 để làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, người dân hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, giàu dinh dưỡng. Theo tính toán mỗi tháng một con bò nuôi nhốt có thể thu lãi hơn ba triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với việc trồng lúa, trồng ngô. Mô hình nuôi bò thịt bằng hình thức nhốt chuồng đã được chính quyền và người dân địa phương đánh giá cao, giúp nông dân phát triển kinh tế và từng bước vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Đình Huy – Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm Sơn, cho biết: Đến thời điểm này toàn xã đã có hàng trăm mô hình chăn nhưng chăn nuôi bò là chiếm phần lớn, chủ yếu là theo mô hình nhốt chuồng, với tổng đàn hơn 2.400 con. Trong đó, có trên 60% hộ chăn nuôi có quy mô từ 10 - 30 con, còn lại là các hộ nuôi có quy mô từ 5-7 con.
“Trước thực tiễn phát triển đàn bò trong những năm qua, xã Cẩm Sơn đang tiếp tục chỉ đạo các THT và các hộ dân tập trung phát triển chăn nuôi 2 loại giống bò chính với trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt cao và ngon là giống 3B và giống Brahman; hạn chế nuôi bò cỏ và bò lai sin phẩm cấp thấp. Hiện nay, cùng với việc phát triển tổng đàn, xã đang có chủ trương phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn và đưa chăn nuôi ra đồng, nhằm nâng cao quy mô, chất lượng đàn trâu bò, nâng cao thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững” – ông Huy cho biết thêm./.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã