Kể từ tháng 2/2020, tỉnh Sóc Trăng công bố hết dịch tả heo Châu Phi (DTHCP). Từ tháng 3 đến nay heo hơi liên tục lên giá.
Cho đến sau những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dù sức mua thịt heo giảm, nhưng do thiếu nguồn cung nên tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như Hậu Giang, An Giang… giá heo hơi vẫn trên 85.000-88.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Sóc Trăng thịt heo vẫn hút hàng, nhờ duy trì nguồn lực từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn và các hộ chăn nuôi bắt đầu vượt qua sau dịch, đáp ứng mức tiêu thụ heo hơi nội tỉnh trên 500 con/tuần. Đồng thời nguồn heo hơi từ các trang trại Sóc Trăng còn thừa đã cung cấp ra ngoài tỉnh từ 4.000- 6.000 con/tháng.
Theo Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh Sóc Trăng, về thiệt hại bởi DTHCP vừa qua, tổng đàn heo của tỉnh hiện còn trên 106.000 con, suy giảm 56% so trước thời điểm xảy ra dịch bệnh.
Tuy vậy, từ khi công bố hết dịch, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay Sóc Trăng không phát sinh ổ dịch mới. Nguồn cung dần dần khôi phục, trong đó chủ yếu từ các trại chăn nuôi qui mô lớn chiếm hơn 40%.
Một số chủ trang trại cho biết giá xuất heo hơi trước đây là 71.000-71.000 đồng/kg, nhưng thực tế heo mua bán tại các lò mổ 73.000- 75.000 đồng/kg, thậm chí trên 80.000 đồng. So với giá thành khoảng 45.000- 50.000 đồng/kg, thì hiện nay người nuôi heo đúng là "một lời một".
Với các hộ chăn nuôi heo qui mô nhỏ thì việc nuôi heo không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn đem lại việc làm trong những tháng nông nhàn.
Đợt DTHCP vừa qua họ bị thiệt hại nặng nề nhất. Không ít hộ mất trắng đàn heo. Khi dịch bệnh heo lắng dịu, qua đi và thị trường heo hơi tốt lên, nhiều hộ chăn nuôi đã sửa sang, vệ sinh chuồng trại, tìm cách tái đàn trở lại.
Thế nhưng hộ chăn nuôi nhỏ muốn tái đàn không dễ tìm mua con giống sạch bệnh. Ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho rằng việc tái đàn chăn nuôi heo gặp đủ cái khó, từ đầu năm đến nay tổng đàn đăng ký nuôi mới chỉ hơn 6.000 con và tập trung nhiều ở các trang trại lớn.
Trong khi nhu cầu của các hộ chăn nuôi nhỏ tăng cao. Do vậy, tái đàn heo ở Sóc Trăng hiện khá chậm chạp và thận trọng. Trong đó một số hộ nuôi heo nhỏ lẻ có nhu cầu tái đàn nhưng vẫn còn dè dặt vì lo gặp rủi ro dịch bệnh trong quá trình nuôi.
Theo cán bộ thú y địa phương, nguyên nhân tái đàn heo chậm, chăn nuôi heo chưa thể sớm phục hồi là do nguồn heo giống khan hiếm. Hiện nay giá heo giống ở mức cao, dao động từ 220.000- 250.000 đồng/kg. Hơn nữa những hộ chăn nuôi qui mô nhỏ nếu muốn tái đàn heo phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp chuồng nuôi đảm bảo an toàn sinh học.
Với chi phí đầu tư ban đầu cao, lại ám ảnh dư âm sau đợt DTHCP vừa qua cho nên người chăn nuôi heo chưa hết bàng hoàng, nhất là khi chưa có vắc xin phòng bệnh DTHCP.
Vì vậy, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp cùng lúc khó khăn kép: thiếu vốn đầu tư tái đàn và rủi ro dịch bệnh chưa lường được.
Để đáp ứng nhu cầu tái đàn, đảm bảo chăn nuôi heo an toàn sinh học, vừa qua Chi cục Chăn nuôi - Thú y Sóc Trăng khuyến cáo các hộ nuôi có nhu cầu tái đàn đăng ký với chính quyền địa phương, gồm các thông tin cơ bản như họ tên, địa chỉ, điện thoại, lai lịch con giống, số lượng, lứa tuổi, trọng lượng bình quân, ngày dự kiến thả nuôi...
Thậm chí tỉnh còn quy định, người chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có sự đồng ý của chính quyền địa phương và của cơ quan Tài nguyên- Môi trường đối với các trường hợp phải đăng ký với cơ quan Tài nguyên- Môi trường theo quy định.
Các hộ chăn nuôi nhỏ cần xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học, để trống chuồng và vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi. Chuồng nuôi phải có hầm hoặc túi ủ biogas đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Trong khu vực chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào. Chuồng nuôi phải dễ thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, phòng bệnh. Có lưới bao xung quanh và biện pháp khác ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh, như chuột, chim, ruồi, muỗi…
Tại lối ra vào chuồng nuôi bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi. Lưu ý nên có ô chuồng nuôi cách ly, có khu vực thu gom và xử lý chất thải, không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các chuồng.
Đối với con giống, heo nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Với heo giống nhập từ ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch và kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTHCP. Trước khi nhập đàn, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần. Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, không bị ẩm, mốc và còn hạn sử dụng, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Tái đàn heo, người chăn nuôi cần áp dụng phương thức quản lý "cùng vào- cùng ra", có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại heo theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển và nên áp dụng phương thức nuôi khô, không sử dụng nước tắm cho heo.
Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày. Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên. Tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như dịch tả heo cổ điển, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh, E.Coli,…
Thực hiện cùng nhập cùng xuất heo và để trống chuồng ít nhất 2 tuần, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng và hạn chế người và phương tiện ra vào trại.
HỮU ĐỨC- LÊ HOÀNG VŨ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã