Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Sóc Trăng và Cần Thơ đã triển khai đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, xây nhà kho chứa lúa kiên có, hiện đại cho các tổ chức nông dân (Hợp tác xã - HTX) nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo.
Anh Lâm Phương Tùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An, xã Phú Tân, huyện Kế Sách, Sóc Trăng, cho biết: Cuối tháng 8/2019, Ban quản lý Dự án VnSAT Sóc Trăng bàn giao nhà kho rộng, khang trang, với sức chứa 1.000 tấn, vừa hoàn tất xây dựng, trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Nhà kho tọa lạc trên nền đất cao rộng, hội tụ đủ điều kiện giao thông thủy, bộ thuận lợi, kho trữ lúa nằm kề bên kênh 20 và con đường và cầu bê tông dài hơn 1,3 km (hướng Tỉnh lộ 1 - đường từ ngã ba An Hiệp về huyện Kế Sách) chạy ngang qua cánh đồng mênh mông, đến nhà kho được đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng. Riêng đường điện hạ thế tỉnh hỗ trợ cho HTX.
Tương tự, cùng nằm dọc theo tỉnh lộ 1, nhà kho của HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm, huyện Kế Sách, được xây dựng theo thiết kế sức chứa 1.000 tấn, vừa bàn giao cho bà con 385 nông dân thành viên.
Một phần nhà kho đã tạm trữ phân bón, lúa giống và dành riêng một góc HTX tự góp vốn đầu tư 400 triệu đồng lắp đặt hệ thống máy sấy công suất 8 tấn/mẻ để chuẩn bị đón vụ lúa hè thu 2020 thu hoạch sắp tới.
Anh Ninh Văn Quảng, Giám đốc HTX Thọ Hòa Đông A, nói: Bà con thành viên trong HTX Thọ Hòa Đông A vui mừng đón nhận hỗ trợ của dự án, như tạo động lực giúp HTX không chỉ sản xuất lúa hiệu quả, từ việc thể giảm chi phí đầu tư, cho đến bán gạo chất lượng có tên tuổi của HTX sau này.
Vì vậy, ngay từ đầu bà con thành viên đồng thuận đóng góp 265 triệu đồng mua 3.000 m2 đất làm nền xây nhà kho, sân bãi.
Từ nay, với sản lượng lúa trên 3.500 tấn/vụ, HTX sẽ chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Tín hiệu đáng mừng là hiện đã có một số doanh nghiệp bắt tay liên kết với HTX để thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản.
Ông Lâm Phương Tùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An, xã Phú Tân, huyện Kế Sách, Sóc Trăng:
"Nhà kho mang nhiều ý nghĩa, với sự góp vốn là nền đất mặt bằng xây dựng của 295 thành viên trong HTX. Rồi đây cánh đồng lớn 523 ha sản xuất lúa 2 vụ, mỗi vụ sản lượng hơn 3.000 tấn lúa hàng hóa, có thể chủ động khâu sấy lúa, xay xát hay trữ lúa, gạo cho HTX từ vụ ĐX 2020-2021".
Ông Phạm Văn Tí, Chủ tịch UBND xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Sóc Trăng cho biết, toàn xã có 3.115 ha đất nông nghiệp, trước đây nông dân làm lúa 3 vụ/năm.
Hiện nay, đang quy hoạch lại làm 2 vụ lúa chính, luân canh 1 vụ rau màu. Qua đó, nhằm tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm rủi ro do tác động của thời tiết bắt lợi.
Thời gian qua, xã Phú Tâm đã kêu gọi doanh nghiệp để thực hiện cánh đồng lớn, có liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo. HTX Thọ Hòa Đông A trên địa bàn xã được lựa chọn tham gia dự án VnSAT, được đầu tư hạ tầng cơ sở đồng bộ, đã tạo điều kiện tốt cho việc chuyển đổi sản xuất hiệu quả ở địa phương.
Điều kiện sản xuất được cải thiện, như vậy vấn đề còn lại là nâng cao năng lực quản lý, điều hành Hội đồng quản trị, Ban giám đốc của HTX. Từ đó đa dạng hóa dịch vụ, tiến tới mục tiêu sản xuất hiệu quả, bền vững.
Trong khi đó, tiến độ thực hiện dự án VnSAT Cần Thơ hiện cũng đã đạt bước tiến đáng kể.
Điển hình HTX Đại Lợi, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ vừa nghiệm thu và bàn giao nhà kho 1.000 tấn, đưa vào phục vụ cho bà con thành viên trong HTX, bắt đầu từ vụ lúa đông xuân 2020-2021 sắp tới.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Cần Thơ cho biết: Đến tháng 5/2020, tiến độ thực hiện hỗ trợ đầu tư thiết bị, hạ tầng đợt 1 gồm 6 tiểu dự án đầu tư tại các HTX nông nghiệp.
Trong đó có 3 HTX Quyết Thắng, Đại Lợi, Đồng Vạn hoàn thành 100% khối lượng, 2 HTX đang thi công đạt từ 60% đến 80% khối lượng.
Sắp tới dự kiến có 4/6 tiểu dự án đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thi công trong khoảng 6 tháng cuối năm 2020.
Ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc VnSAT Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có 10 tổ chức nông dân (HTX) được lựa chọn đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất.
Đến nay, đã hoàn thành và bàn giao đi vào hoạt động cho 7 đơn vị, các đơn vị còn lại chuẩn bị hoàn thành và bàn giao. Hạ tầng đầu tư gồm các công trình như: Đường nội đồng, cầu, cống máng bơm tưới, nhà kho chứa lúa, máy sấy nông sản…
Theo ông Những, hiện nay Sóc Trăng là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thực hiện đầu tư hạ tầng thuộc dự án VnSAT. Trong số 10 HTX được đầu tư thì có 9 đơn vị được đầu tư kho chứa lúa, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trữ, bảo quản nông sản.
Có được kết quả này, chính là sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt của chính quyền và người dân được hưởng lợi từ dự án.
Chẳng hạn, để xây dựng nhà kho, lò sấy thì HTX góp vốn đối ứng bằng đất (mặt bằng xây dựng). Nhưng nhiều chỗ đất nền rất thấp, cần phải san lấp mặt bằng, HTX không đủ tiền thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí này.
Đến nay, tổng số tiền đã hỗ trợ cho các HTX san lấp mặt bằng là trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nơi chưa có đường điện 3 pha tới nơi để xuống trạm biến thế, tỉnh cũng đã ứng vốn cho điện lực để thực hiện trước, nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân được tốt hơn.
Tương tự với tỉnh Sóc Trăng, Dự án VnSAT triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ cũng có được sự đồng thuận cao từ chính quyền và người dân địa phương.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu - Phó Giám đốc Dự án VnSAT Cần Thơ nhận xét: “Điểm chung đồng thuận lớn nhất của dự án VnSAT Cần Thơ trong quá trình thực hiện là đáp ứng được nguyện vọng của nông dân, từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến đẩy nhanh cơ giới hóa trong khâu sản xuất, liên kết tiêu thụ.
Điều này phù hợp với định hướng phát triển HTX kiểu mới, tăng cường dịch vụ phục vụ nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo”.
Cần phát huy hết công năng của kho chứa
"Việc đầu tư điện, đường, cầu, cống, trạm bơm điện… phát huy hiệu quả rất rõ, người dân trong vùng dự án được hưởng lợi ngay. Tuy nhiên, đối với đầu tư nhà kho nếu chỉ để chứa lúa vào thời điểm đầu vụ, rồi lại bỏ không thì sẽ rất lãng phí.
Vì vậy, cần có biện pháp để phát huy hết công năng như ngoài chứa lúa, có thể chứa vật tư nông nghiệp, chứa rơm cuộn vào những mùa thu hoạch để tăng lợi nhuận cho bà con.
Trong quá trình tổ chức các lớp đào tạo cho nông dân, cán bộ của chương trình đã lồng ghép tuyên truyền về mục tiêu của dự án VnSAT, nhằm nâng cao ý thức người dân, tạo sự đồng thuận cao" - ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc BQL Dự án VnSAT Sóc Trăng.
Đ.T.CHÁNH - HỮU ĐỨC/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã