Vườn cam 1ha của gia đình ông Lê Quang Vượng thôn 8 (xã Đức Bồng huyện Vũ Quang) đã được trồng 6 năm, nhưng đây mới chỉ là năm thứ hai cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch hết quả từ cách đây nửa tháng, thời gian này, gia đình ông đang tập trung cắt tỉa cành, tạo tán và xới xáo xung quanh gốc để chuẩn bị bón phân cho cây đón lộc và hoa. Ngoài ra, ông còn quan tâm đến việc chiết cành để làm giống. Lâu nay, ông Vượng cũng như một số bà con trồng cam ở đây cứ quan niệm, việc chiết cành làm giống là chỉ tập trung chiết đối với những cành ở đỉnh ngọn, những cành vượt mọс ở trên thân chính hoặc ở рhía chân các cành lớn. Sau khi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ ra những điểm bất hợp lý và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cam, kỹ thuật chiết cành, ông và các hộ dân đã nhận thức được bản chất của vấn đề để có các biện pháp chăm sóc hiệu quả hơn.
Diện tích cam của xã Đức Bồng huyện Vũ Quang khoảng 432ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 275ha, sản lượng đạt trên 2.700 tấn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ trồng cam so với các cây trồng khác. Hiện nay, cây cam chanh ở Đức Bồng đã thu hoạch xong, một số diện tích thu hái không tập trung sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả, khả năng phân hóa mầm hoa cũng như hạn chế việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch như: Tỉa cành, tạo tán, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh….
Ông Nguyễn Hữu Hoán - Chủ tịch UBND xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang cho biết: Thời điểm này cây cam chuẩn bị bắt đầu ra hoa, đậu quả, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. UBND xã đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các hộ dân để hướng dẫn cho bà con kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ. Với thời tiết thất thường như hiện nay, cây cam thường dễ bị một số sâu bệnh gây hại như: Sâu đục thân, nhện, rệp. Do đó bà con cần thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Còn tại huyện Hương Khê, thời điểm này, những người trồng cây ăn quả đang tập trung chăm sóc vườn bưởi. Sau khi thu hoạch, bà con nông dân đã tiến hành cắt tỉa các cành bị sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả. Làm sạch cỏ quanh gốc để hạn chế việc cạnh tranh nước và mất dinh dưỡng, ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh. Đồng thời tăng cường vun xới đất, bón phân cho cây để vườn bưởi khỏe mạnh, phát triển tốt.
Gia đình ông Phạm Văn Bài, thôn Hương Bình (xã Lộc Yên, huyện Hương Khê) có vườn bưởi gần 100 gốc. Thời gian qua, với kiến thức học được ông đã chăm sóc vườn bưởi theo đúng quy trình, thực hiện đầy đủ các biện pháp bón phân, làm cỏ, xới gốc, tỉa cành, tạo tán.Ngoài ranhững năm gần đây, việc thụ phấn bổ sung đã giúp cây bưởi Phúc Trạch tăng khả năng đậu quả. Do vậy những ngày cuối đông, đầu xuân, ông lại sắp xếp công việc đồng áng để chăm sóc vườn bưởi, chủ động đón lộc và đón hoa.Với kinh nghiệm trồng bưởi lâu năm, ông Bài cho biết, việc làm cỏ, xới đất là rất quan trọng. Gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn để cho rễ cây bưởi phát triển tốt và ra hoa rộ.
Xã Lộc Yên, huyện Hương Khê có diện tích trồng bưởi tập trung là 125 ha. Hằng năm, xã đã vận động bà con cải tạo đất đồi, để trồng cây ăn quả; tạo điều kiện cho các hộ gia đình tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với trung bình mỗi năm từ 2 – 3 lớp, mỗi lớp từ 30 – 50 học viên; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây theo quy trình VietGAP, đưa những cây giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Hiện nay xã Lộc Yên đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao các giải pháp kỹ thuật cho tất cả nông hộ trồng bưởi để họ đầu tư, áp dụng vào sản xuất, nhằm tăng cường khả năng sinh trưởng, phát triển, ổn định năng suất, chất lượng quả cũng như phát triển sản xuất bưởi Phúc Trạch tạo thành vùng hàng hóa bền vững.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hương Khê cho biết:Huyện Hương Khê hiện có 2.719 ha bưởi Phúc trạch. 2.057 ha cam. Mùa vụ vừa qua, nguồn thu từ cây ăn quả mang lại cho người dân là trên 400 tỷ đồng. Sau khi thu hoạch xong, bà con đã tiền hành chăm sóc, bón phân, tỉa cành, nhất là số diện tích bị ngập úng trong đợt mưa lũ kéo dài, tập trung phần lớn ở các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Thủy, Hương Giang, Lộc Yên và Hương Đô. Hiện nay các địa phương đang tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, tìm giải pháp, hỗ trợ giúp bà con nông dân khôi phục, để cây bưởi phát triển ổn định .
Tập huấn tại Lộc Yên, Hương Khê
Nhờ tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tại vườn bưởi bằng cách “cầm tay chỉ việc” nên người dân nhanh chóng nắm bắt các phương pháp, cách xử lý phòng trừ sâu bệnh, từ đó áp dụng phòng trừ sâu bệnh cho vườn bưởi của gia đình một cách hiệu quả, thiết thực; góp phần giúp cây bưởi sớm phát triển trở lại, không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng quả bưởi trong vụ mùa sắp tới.
Đố với cây trồng nói chung, kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chất lượng trong những mùa vụ tiếp theo. Cây cam, cây bưởi cũng vậy. Để có được những quả cam, bưởi chất lượng, ngon ngọt và an toàn cho sức khỏe thì bà con phải áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc sau một chu kỳ sinh trưởng với nhiều tác động của ngoại cảnh cũng như sức chống chịu từ bên trong của cây.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã