Học tập đạo đức HCM

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ năm - 16/09/2021 20:27
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/9/2021.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1527/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Phó trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (Phó Trưởng Ban thường trực); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Trọng Bình; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài.

26 Ủy viên là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Khi có sự thay đổi tổ chức bộ máy hoặc thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định việc điều chỉnh thành viên Ban Chỉ đạo trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo) và văn bản cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có liên quan.  

Căn cứ yêu cầu công tác, Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định mời lãnh đạo của bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo và báo cáo những vấn đề cần thiết.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi cả nước. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu riêng để thực hiện các nhiệm vụ.  

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong công tác phòng, chống thiên tai; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành về phòng, chống thiên tai; thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 66/2001/NĐ-CP ngày 7/7/2021 của Chính phủ và nhiệm vụ khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.  

Về quy chế và tổ chức hoạt động, Ban Chỉ đạo hoạt động theo quy chế do Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành. Trưởng Ban, Phó Trưởng ban và các ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo; sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ để thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.  

Giúp việc Ban Chỉ đạo có Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo. Văn phòng thường trực có con dấu, được cấp kinh phí và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động. Văn phòng thường trực sử dụng bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Tổng cục Phòng, chống thiên tai và được huy động, bổ sung lực lượng, phương tiện từ cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện nhiệm vụ.  

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 1532/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Trưởng Ban.

Các Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Phó Trưởng Ban thường trực); Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

Các Ủy viên gồm: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam Nguyễn Đình Hiệp; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm; Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Phương Hoàng Kim (Thư ký).

Ban Chỉ đạo thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo gồm: Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định những cơ chế, chính sách và giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình tổ chức, giám sát, triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình; đề xuất điều chỉnh chính sách và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm triển khai có hiệu quả Chương trình; chỉ đạo các cơ quan chức năng đôn đốc kiểm tra việc triển khai thực hiện các đề án, dự án đã được phê duyệt. Ban Chỉ đạo được huy động các chuyên gia trong và ngoài nước trong một thời gian nhất định để nghiên cứu, biên tập các đề án, dự án, dự thảo văn bản pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề thuộc Chương trình. Cụ thể, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai, thực hiện Chương trình; thông qua khung kế hoạch tổng thể 5 năm và hàng năm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình; thông qua và thực hiện kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo và phân công thực hiện nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo để thực hiện Chương trình; thông qua và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; thông qua và ban hành Quy chế xây dựng, tuyển chọn và tổ chức quản lý, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình sử dụng kinh phí thuộc ngân sách từ Trung ương.

Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019.

Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban thường trực, Phó Trưởng Ban, các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Trưởng Ban Chỉ đạo ký các văn bản chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng Ban thường trực, Phó Trưởng Ban và các thành viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản chỉ đạo sử dụng con dấu của các bộ, ngành, cơ quan mình phụ trách.

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo trong việc tổ chức, triển khai các hoạt động thuộc Chương trình.

Điều chỉnh quy hoạch 2 KCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Tại văn bản 1174/TTg- CN ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh giảm diện tích KCN Phúc Khánh từ 200 ha xuống còn 159,03 ha, giảm diện tích KCN Sông Trà từ 200 ha xuống còn 150,48 ha.

Các KCN khác trên địa bàn tỉnh Thái Bình nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam được phê duyệt tại các văn bản số 1069/TTg-CN ngày 17/8/2018 và số 1816/TTg-KTN ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

UBND tỉnh Thái Bình chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của các thông tin, số liệu nêu tại Báo cáo điều chỉnh giảm diện tích KCN Phúc Khánh và KCN Sông Trà, tỉnh Thái Bình; đảm bảo hiện trạng khu vực quy hoạch KCN Phúc Khánh và KCN Sông Trà được đề nghị điều chỉnh giảm chưa triển khai đầu tư, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành; chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo diện tích đưa ra khỏi quy hoạch KCN được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và không thất thoát ngân sách nhà nước; tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, đất đai, nhà ở, đầu tư và pháp luật có liên quan trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch KCN.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp đối với phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê còn lại; giám sát và có giải pháp đẩy nhanh đầu tư xây dựng phần còn lại của KCN Sông Trà và các KCN khác trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đầu tư phát triển hạ tầng chậm triển khai thực hiện hoặc gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tính khả thi của quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; Bộ Tài chính giám sát việc thu tiền sử dụng đất trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định 1528/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Mục tiêu là điều chỉnh quy hoạch chung thành phố phù hợp định hướng phát triển của toàn vùng TPHCM, hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính-thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay, như dân số, nhà ở, hạ tầng, giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TPHCM với diện tích 2.095 km2 và khu vực biển Cần Giờ (diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án, đảm bảo thống nhất với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển và tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ).

Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và các tỉnh xung quanh thuộc vùng TPHCM (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), gồm các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang; với diện tích khoảng 30.404 km2.

Quy mô dân số dự kiến đến năm 2040, dân số toàn TPHCM khoảng 13 đến 14 triệu người; quy mô đất đai phát triển đô thị đến năm 2040, dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 100.000 đến 110.000 ha (việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch).

Yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung là rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2010; dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của khu vực, các cơ hội phát triển mới, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển, hài hòa với yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng và quốc gia, kinh tế biển, phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.

Điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của thành phố phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu; tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất đai, bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai và bảo vệ môi trường sinh thái.

Nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đến phạm vi thành phố; phối hợp các chủ trương của thành phố, các chương trình, đề án, dự án trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao.

Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể, có phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện; thể hiện được phạm vi về không gian-đất đai; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên…), cải thiện thực trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế-xã hội thành phố.

Phối hợp thống nhất về dữ liệu, dự báo, định hướng phát triển và những nội dung liên quan với quá trình lập Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành khác đang được lập đồng thời.

Một trong những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch là xác định tính chất, tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển đô thị, trong đó, xây dựng tầm nhìn mới theo ý tưởng: “TPHCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn; trở thành trung tâm kinh tế tri thức, kinh tế biển và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương; có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề xuất lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật; dự báo về tác động của điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế-xã hội, quy mô dân số, quy mô đất xây dựng đô thị và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho toàn thành phố, khu vực đô thị trung tâm, từng đô thị và khu chức năng theo từng giai đoạn phát triển của thành phố, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển và có tính khả thi.

Chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Long An

Tại văn bản 1171/TTg-NN ngày 15/9/2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 36 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến các khu kinh tế-quốc phòng

Ngày 15/9/2021, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1529/QĐ-TTg phê duyệt nội dung thực hiện Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng” đến hết năm 2030.

Quyết định quy định 2.500 chỉ tiêu tuyển dụng; thực hiện trong 5 đợt (thời gian thực hiện mỗi đợt là 24 tháng).

Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cụ thể, trong thời gian công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện được hưởng chế độ, chính sách như viên chức quốc phòng có cùng trình độ và đang công tác cùng địa bàn theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 29/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế-quốc phòng giai đoạn 2010-2020”./.

chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập429
  • Hôm nay50,870
  • Tháng hiện tại755,983
  • Tổng lượt truy cập90,819,376
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây