Theo tiêu chuẩn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê vối số 06/2002/QĐ-BNN do Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành thì sản phẩm cà phê thu hoạch có tỷ lệ quả chín (có màu đặc trưng của quả khi chín chiếm trên 2/3 diện tích quả) đạt từ 95% trở lên và tỷ lệ tạp chất không quá 0,5%. Vào đợt tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín đạt trên 80%, tỷ lệ tạp chất không quá 1% và không được chiếm quá 10% tổng sản lượng của toàn vụ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc thu hoạch cà phê chưa đảm bảo tiêu chuẩn về tỷ lệ chín diễn ra khá phổ biến, đặc biệt tập trung tại diện tích cà phê của các nông hộ. Tỷ lệ cà phê quả xanh chiếm tỷ lệ lớn (> 50%), thậm chí một số nơi tỷ lệ này còn cao hơn 70-80%, do chỉ thu hái một lần ở giữa vụ thu hoạch (khoảng giữa tháng 11).
Một số nguyên nhân cụ thể được người dân đưa ra giải thích cho việc thu hái sớm và tỷ lệ quả xanh nhiều là do tâm lý đám đông, thấy xung quanh mọi người dân hái nên cũng hái theo; Giá công nhật mùa vụ rất cao, nếu hái làm nhiều đợt và lựa chọn quả chín đảm bảo tỷ lệ quy định thì cần rất nhiều công lao động, tăng chi phí sản xuất trong khi giá cà phê nhân thấp; Một số địa phương xảy ra hiện tượng mất trộm cà phê (“nạn cà tặc”), dẫn đến tâm lý hoang mang, tâm lý “xanh nhà hơn già đồng”; Hiện tại, việc tiêu thụ sản phẩm cà phê không khó, do vậy người trồng cà phê không quan trọng hái chín hay hái xanh, sản phẩm làm ra đều có thể tiêu thụ được hết và trên thị trường chung chưa có phân biệt giá cà phê quả chín và giá cà phê quả xanh.
Thực trạng thu hái tỷ lệ cà phê quả xanh nhiều, cộng với phương pháp sơ chế, chế biến không đảm bảo dẫn đến tình trạng chất lượng cà phê giảm sút, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và uy tín của ngành hàng cà phê Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn của các đơn vị nhập khẩu cà phê, ở Tây Nguyên đã hình thành được nhiều cơ sở chế biến, doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu tuân thủ quy trình thu hái, liên kết sản xuất. Các cơ sở này đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, tuân thủ quy trình, áp dụng phương pháp thu hái, chế biến, rang xay đáp ứng theo tiêu chuẩn sản xuất cà phê ngon, cà phê đặc sản. Cơ sở sẵn sàng thu mua quả cà phê chín hoàn toàn, có chọn lựa theo giá cao cộng thưởng để chế biến tạo ra những sản phẩm chất lượng đặc trưng; tuy nhiên, số lượng các đơn vị này vẫn còn rất khiêm tốn, sản lượng làm ra chưa nhiều.
Theo kết quả nghiên cứu so sánh giữa việc quả hái chín và hái xanh hoàn toàn của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) thì việc hái quả xanh hoàn toàn ở các thời điểm đầu vụ (đầu tháng 11), giữa vụ (cuối tháng 11) và cuối vụ (giữa tháng 12) dẫn đến mất mát, hao hụt về khối lượng nhân thành phẩm so với thu quả chín hoàn toàn lần lượt là 22,74 %; 2,8 % và 0,004 %. Cũng theo WASI, dựa theo tiêu chuẩn TCVN 4193-2005 việc thu hái quả xanh làm tăng đáng kể tỷ lệ nhân bị lỗi (hạt đen, hạt nâu, hạt xanh non...) so với thu hái quả chín trong đó đặc biệt là hạt xanh non dễ dàng biến đổi thành hạt nâu, thậm chí thành hạt đen trong quá trình bảo quản.
Số lỗi trong 300 gr nhân (TCVN4193-2005)
Khi so sánh về các chỉ tiêu đường sucrose, chín sinh lý và hàm lượng chất béo trong nhân thu hoạch ở các thời điểm thu hoạch khác nhau cho thấy thu hoạch quả xanh đầu và giữa vụ cho tỷ lệ thấp hơn so với quả chín nhưng chỉ số này không khác nhau nhiều ở cuối vụ.
Chỉ tiêu sinh hóa của nhân các thời điểm thu hoạch:
Như vậy, ở thời điểm thu hoạch quả xanh đầu vụ và giữa vụ không chỉ làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cà phê nhân mà còn giảm đáng kể năng suất và sản lượng vườn cây.
Dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, thực tế sản xuất và yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, bài viết đề xuất một số giải pháp trong vấn đề thu hoạch chế biến cà phê vối ở các tỉnh Tây Nguyên như sau:
1. Sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị bền vững, thu hái quả chín tập trung đảm bảo theo tiêu chuẩn số 06/2002/QĐ-BNN;
2. Chính quyền địa phương, người dân từng vùng tuyên truyền, xây dựng lịch nông vụ để có chế độ chăm sóc, tưới nước, thu hoạch cà phê đồng loạt đúng tầm chín đảm bảo an ninh trật tự, tránh mất cắp, hạn chế hiện tượng hái xanh...;
3. Đưa các dòng/giống cà phê mới cho trái chín tập trung theo từng thời kỳ (chín sớm, chín trung bình, chín muộn) trồng thành các vùng tập trung, vừa cải thiện năng suất, độ đồng đều và chất lượng vườn cây;
4. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, trợ giá và ràng buộc giúp doanh nghiệp có chế độ thưởng phạt với việc thu mua sản phẩm cà phê chất lượng;
5. Cần có các nghiên cứu về công nghệ sinh học nhằm giúp quả chín nhanh, tập trung để nâng cao chất lượng và giảm chi phí thu hoạch./.
Bùi Quang Vinh - Đặng Bá Đàn/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã