Ngày 15/12/2020, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Tĩnh. Sau hơn 2 tháng hoành hành, đến 2/3/2021, toàn tỉnh đã có 997/420.000 con gia súc tại 8 huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Can Lộc mắc bệnh. Trong đó, hơn 50 con trâu, bò bị chết, phải tiến hành tiêu hủy; 312 con đã khỏi triệu chứng lâm sàng.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, tập quán chăn nuôi gia súc của người dân địa phương chủ yếu thả rông; việc đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học còn hạn chế nên bệnh VDNC lây lan nhanh, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, dịch bệnh này có tỷ lệ gia súc chết khá cao (từ 5 - 7% so với tổng số gia súc mắc bệnh) khiến người chăn nuôi hết sức lo lắng.
Thời gian này thời tiết ấm dần lên, các loại côn trùng và động vật trung gian truyền bệnh hoạt động mạnh nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan, tái phát các ổ dịch cũ là rất cao.
Đàn trâu, bò gần 20.000 con của huyện Cẩm Xuyên mặc dù khởi phát bệnh chậm hơn so với các huyện Thạch Hà, Lộc Hà… song đến thời điểm này đã có 296 con bị bệnh, trải rộng trên địa bàn 17/23 xã; trong đó, 14 con bị chết, phải tiêu hủy.
Ông Lê Văn Danh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho hay, tâm lý của người chăn nuôi hiện đang rất lo lắng, bởi dịch bệnh này không chỉ gây vô sinh cho trâu, bò mà nhiều con phát bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng bỏ ăn, nóng sốt; chỉ nổi nhẹ dưới da nên người dân khó phát hiện để tổ chức cách ly, ngăn chặn dịch lây lan.
Còn tại cơ sở, theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) Nguyễn Văn Dương, vì đây là dịch bệnh lần đầu xuất hiện nên quá trình chỉ đạo còn hạn chế, lúng túng. Hơn nữa, Cẩm Mỹ là địa phương có tổng đàn trâu, bò đứng tốp đầu của huyện (hơn 3.700 con), mật độ chăn nuôi dày; lượng thức ăn dự trữ tại xã cạn kiệt do trận lũ lịch sử hồi tháng 10/2020 nên việc yêu cầu bà con thực hiện nghiêm nuôi nhốt gia súc, nhất là ở các vùng có dịch càng khó khăn hơn.
Giữa tháng 1/2021, Hà Tĩnh là một trong 8 tỉnh, thành phố được Bộ NN-PTNT, Cục Thú y lựa chọn tiêm phòng thí điểm vacxin VDNC. Sau khi tiếp nhận 5.000 liều, Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh đã phân bổ cho huyện Lộc Hà 1.000 liều vacxin Lumpyvac; Thạch Hà 2.000 liều vacxin LumpyShield và Trang trại bò sữa Vinamilk huyện Hương Sơn 2.000 liều vacxin Lumpyvac.
Thời điểm tổ chức tiêm phòng, 5 xã của 2 huyện Lộc Hà, Thạch Hà là điểm nóng bệnh VDNC. Tuy nhiên đến thời điểm này, dịch ở các địa phương trên cơ bản được khống chế, không phát sinh thêm trâu, bò mắc bệnh.
Trên cơ sở hiệu quả bước đầu của vacxin, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện huyện rà soát tổng đàn, tuyên truyền người dân tiêm phòng diện rộng vacxin VDNC cho 100% đàn trâu, bò.
Đến ngày 2/3, tỉnh Hà Tĩnh cần gấp 46.000 liều vacxin VDNC để tiêm phòng bao vây các ổ dịch. Hiện Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh đã tiếp nhận 35.000 liều, phân bổ cho các huyện đã đăng ký. Cùng ngày, huyện Thạch Hà bắt đầu tiêm vacxin VDNC diện rộng; các huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thị xã Hồng Lĩnh, Thị xã Kỳ Anh tổ chức tập huấn.
Riêng điểm nóng huyện Cẩm Xuyên, để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, huyện sẽ hỗ trợ tiền công tiêm cho người chăn nuôi, phấn đấu tiêm xong gần 10.000 liều vacxin trong khoảng 15 – 20 ngày.
Thanh Nga/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã