Người có ý tưởng và biến vùng đất đồi khô cằn ở phía tây TP. Đồng Hới (Quảng Bình) thành khu thâm canh rau sạch hữu cơ là một doanh nhân chuyên về ngành gas. Ông Lê Văn Sư, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Xanh Đông Dương (Cty Đông Dương) đúc kết: “Cần có nền nông nghiệp sạch để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng ban Dự án Cty Đông Dương cho biết, mô hình hữu cơ được triển khai trồng từ năm 2017 với quy mô 5,5ha, chủ yếu à trồng rau. Trong trang trại xây dựng 5 nhà kính (mỗi nhà có diện tích trên 2.200m2), được phân ra nhiều khu có khoảng cách để canh tác nhiều loại rau quả khác nhau. Tất cả đều sử dụng phân hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Hàng năm, sản phẩm rau quả sạch của Công ty Đông Dương cung ứng cho thị trường khoảng 1.000 tấn. Công ty mở rộng cửa hàng rau sạch Đông Dương (tại trung tâm TP. Đồng Hới), cung cấp các loại nông sản sạch được sản xuất theo chuẩn VietGAP đến tay người tiêu dùng.
Vụ hè thu năm ngoái, Công ty Đông Dương cùng Trung Tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên vùng đất xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh).
Ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng ban Dự án Cty Đông Dương chia sẻ: “Đây là mô hình lúa hữu cơ đầu tiên thực hiện trên vùng đất Hàm Ninh. Chúng tôi chọn giống lúa DT 18 đưa vào sản xuất. Hy vọng từ mô hình này, người nông dân cùng Công ty mở rộng sản xuất và có hiệu quả cao trong nền nông nghiệp sạch”.
Từ mô hình vụ hè thu năm trước, vụ đông xuân năm nay, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, Công ty Đông Dương mở rộng diện tích lúa hữu cơ lên 15ha. Trong đó tại xã Hàm Ninh là 10ha có diện tích lúa - tôm và 5ha lúa tại xã An Ninh (huyện Quảng Ninh).
Tại xã Hàm Ninh, ông Nguyễn Văn Giới, người trực tiếp tham gia mô hình cho hay, diện tích gia đình thực hiện mô hình gần 2ha. Trong quá trình canh tác, ông sử dụng hết 50kg phân hữu cơ/sào. Loại phân sử dụng là Biooptima 1 và Biooptima 2 do Công ty CP Đầu tư Tiến Đông sản xuất. “Quá trình sản xuất, chúng tôi chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học chứ không sử dụng thuốc trừ sâu”, ông Giới khẳng định chắc nịch.
Ngày thu hoạch lúa, nhiều nông dân trong vùng đã đến xem để học hỏi. Ai cũng tấm tắc khen cây lúa cứng cáp, bông lúa dài và chắc hạt dù vùng ruộng thực hiện mô hình thuộc vào đất bạc màu. Năng suất lúa mô hình đạt khoảng 60 tạ/ha. Trong khi đó, năng suất trung bình lúa sản xuất theo sử dụng phân bón vô cơ của địa phương chỉ đạt 55 tạ/ha.
Cũng trên diện tích 2ha, ông Giới kết hợp thả tôm, cua để tăng hiệu quả sản xuất. Ông Giới bảo, ngoài con giống tôm thả còn có giống tôm đất tự nhiên. Do chỉ sử dụng phân hữu cơ nên tạo được môi trường tốt cho loại tôm đất phát triển mạnh. Xung quanh diện tích lúa là hệ thống mương có độ sâu nước khoảng một mét.
Khi lúa trên ruộng vào kỳ con gái ông Giới cho thả rập (một dụng cụ dùng để bắt tôm đất). Cứ cuối giờ chiều, rập được thả xuống mương. Qua một đêm, tôm đất đi ăn chui vào rập và mắc lại trong đó. Đến sáng, rập được kéo lên và tôm được mang bán cho thương lái.
Buổi sáng trên cánh đồng gió mát rượi, chúng tôi ra ruộng để xem ông Nguyên Văn Giới thu rập. Khi rập được kéo lên khỏi mặt nước đã nghe tiếng tôm đất búng nhảy lách chách đến hấp dẫn. Những con tôm bắng ngón tay út người lớn màu xanh sẫm cứ bật cong thân lại mà nhảy. Loại tôm này thịt thơm, ngọt và ngon nên giá khá đắt, trung bình 250.000 đồng/kg.
Ông Giới phấn khởi bảo: “Cứ mỗi đêm, nhà tôi thu được từ 3-4kg tôm này. Cất rập lên là có người đến tận ruộng mua. Giá bán buôn cho họ là 250.000 đồng/kg. Tôi nhẩm tính, từ nay đến khi thu hoạch lúa còn gần hai tháng. Chỉ mỗi thu hoạch từ tôm tự nhiên cũng đã được trên 30 triệu đồng."
Lẫn trong mớ tôm đất được rập kéo lên là những con cua bằng nửa bàn tay người lớn cứ chổng ngược hai cái càng lên chờ cắn vào tay người. Ông Giới cho hay, đây là lứa cua mà ông mua giống về thả cách đây chừng hơn tháng.
Theo ông Giới tính toán, 500 cua giống ông thả có tỷ lệ sống khoảng 70%. Như vậy, cua thu hoạch còn khoảng 350 con. Khi thu hoạch trọng lượng khoảng 3 con/kg là có khoảng trên tạ cua thương phẩm. Giá bán cua nuôi tự nhiên khoảng 350 ngàn đồng/kg, tổng thu được trên 35 triệu đồng.
Ông Giới nói như tổng kết: “Cái lợi của mô hình là ngoài gạo sạch, nông dân còn thu thủy sản trên đồng ruộng. Giá bán lúa hay tôm, cua đều cao là do sản phẩm hữu cơ. Có được bao nhiêu là người dân dành nhau mua bấy nhiêu. Nói thật là không có để mà bán đó thôi”.
Trên cánh đồng thôn Hoành Vinh (xã An Ninh), diện tích lúa làm mô hình hữu cơ được chọn là vùng ruộng nghèo dinh dưỡng. Vũng đất này được tính toán đưa vào đào ao thả cá. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình cho hay, khi triển khai mô hình, chúng tôi chọn vùng đất kém để sử dụng phân hữu cơ. Chỉ cần qua 3 vụ lúa là độ dinh dưỡng trong đất tăng lên rất nhiều và vụ tiếp theo năng suất cây trồng sẽ cao và ổn định.
Do chấn đất ruộng kém nên năng suất lúa DT18 thực hiện mô hình chỉ có năng suất gần 50 tạ/ha. Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh (đơn vị thực hiện mô hình) nhìn nhận rằng, với năng suất như vậy trên diện tích đất kém là mừng rồi. Bà con nông dân thấy mô hình được như vậy rất phấn chấn. “Vụ năm tới, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ này để động viên bà con tăng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ tăng nhanh”, ông Dực nói.
"Đây mới là mô hình sản xuất lúa theo chuỗi do đơn vị thực hiện trên quy mô nhỏ. Nhưng là tiền đề để chúng tôi mở rộng sản xuất trên quy mô lớn hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình hỗ trợ cho người nông dân ngày càng có thu nhập cao và ổn định ngay trên chính mảnh ruộng của mình." Ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng ban Dự án Công ty Đông Dương kỳ vọng.
Trên hai vùng thực hiện canh tác lúa hữu cơ, toàn bộ sản lượng được Công ty Đông Dương thu mua hết. Giá thu mua lúa phơi một nắng là 9.000 đồng/kg. Nhiều nông dân phấn khởi cho hay, đó là giá bán cao nhất và với giá bán này, nông dân có lãi từ 30-45 triệu đồng/ha. Sau khi thu mua lúa của nông dân, Công ty Đông Dương đưa về kho bảo quản và xay xát thành gạo đóng bao đạt chuẩn. Trong hai năm nay, thương hiệu “Gạo hữu cơ Đông Dương” đã được đưa đến tay người tiêu dùng tại địa phương.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã