Để giải quyết vấn đề trên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu từ các nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp vừa là phương pháp tận dụng thân thiện với môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người dân (Ritika Kamthan and Ishita Tiwari, 2017).
Tại địa bàn huyện Bình Tân – tỉnh Vĩnh Long với diện tích sản xuất cây khoai lang hằng năm là 14.000 ha, theo đó sau 1 năm thu hoạch củ thì khối lượng dây khoai lang còn trên đồng là rất lớn (khoảng trên 100.000 tấn/vụ). Khối lượng này nếu không được xử lý phù hợp sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đối tượng phụ phẩm này được đánh giá rất giàu dinh dưỡng và đã được nghiên cứu ủ chua để làm thức ăn chăn nuôi nhưng lượng sử dụng vì mục đích này cũng không nhiều nên nguồn phụ phẩm thân dây khoai lang còn lại vẫn rất lớn và rất có tiềm năng sử dụng để trồng nấm rơm nếu đựợc xử lý phù hợp.
Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long tiến hành nghiên cứu việc sản xuất nấm rơm (Volvariella volvacea) từ nguồn phụ phẩm thân dây khoai lang tại huyện Bình Tân nhằm nghiên cứu, khảo nghiệm bước đầu về phương pháp cơ bản xử lý phụ phẩm thân dây khoai lang thành cơ chất phù hợp để sản xuất nấm rơm. Từ đó tìm ra tỷ lệ phối trộn cơ chất phù hợp nhất để đề xuất bước đầu quy trình sản xuất nấm rơm từ dây khoai lang cho năng suất, chất lượng tốt nhất, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nghiên cứu được thực hiện tại xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020 theo 02 nội dung nghiên cứu:
(1) Nghiên cứu khảo nghiệm bước đầu đưa ra phương pháp xử lý phụ phẩm thân dây khoai lang thành cơ chất phù hợp để sản xuất nấm rơm với phương pháp thực hiện như sau: thu thập thân dây khoai lang ngoài đồng và tiến hành xử lý với nước vôi (3,5%) trước khi đem phơi khô để đạt ẩm độ 10-13%. Thí nghiệm được bố trí thành 3 khối nghiệm thức tương ứng với 3 mốc thời gian lấy chỉ tiêu (10 ngày - 15 ngày - 20 ngày) với 3 lần lặp lại/nghiệm thức (khối lượng 100kg/khối) và ghi nhận các chỉ tiêu: nhiệt độ môi trường, ẩm độ, độ PH, tỉ lệ C/N (cacbon tổng số/tỉ lệ nitơ tổng số)… của nguyên liệu thân dây khoai lang trong quá trình xử lý.
(2) Thử nghiệm các tỷ lệ phối trộn thích hợp giữa thân dây khoai lang và rơm để tạo nên loại cơ chất hiệu quả để sản xuất nấm rơm với phương pháp và cách bố trí thực hiện như sau: sử dụng nguyên liệu thân dây khoai lang đã được xử lý (đạt độ ẩm 13-15%) và rơm rạ phới trộn với các tỉ lệ khác nhau được bố trí thành 5 nghiệm thức lần lượt như sau:
Nghiệm thức 1: Sử dụng 100% nguyên liệu thân dây khoai lang (đối chứng);
Nghiệm thức 2: Sử dụng hỗn hợp 75% nguyên liệu thân dây khoai lang + 25% rơm (tỉ lệ phối trộn 3:1);
Nghiệm thức 3: Sử dụng hỗn hợp 50% nguyên liệu thân dây khoai lang + 50% rơm (tỉ lệ phối trộn 1:1);
Nghiệm thức 4: Sử dụng hỗn hợp 25% nguyên liệu thân dây khoai lang + 75% rơm (tỉ lệ phối trộn 1:3);
Nghiệm thức 5: Sử dụng 100% nguyên liệu rơm (đối chứng).
Tất cả các nghiệm thức trên được đem đi ủ từ 15 ngày trở lên đến thời điểm đánh giá cảm quan đạt độ chín tốt nhất thì tiến hành đo tỉ lệ C:N, độ PH và ẩm độ cơ chất; Tiến hành ra dòng, cấy meo nấm, theo dõi sự phát triển của nấm đến khi thu hoạch. Các chỉ tiêu cần thu thập: thời gian ủ, năng suất nấm trung bình, tổng sản lượng năng suất nấm/nghiệm thức và so sánh hiệu quả kinh tế của việc sử dụng thân dây khoai lang và rơm để trồng nấm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Trong thời gian mùa khô (phù hợp nhất là vụ Xuân Hè) với điều kiện nắng nóng liên tục (nhiệt độ môi trường cao, dao động từ 34-360C, có khi lên đến 380C), thân dây khoai được xử lý phơi khô từ 10-15 ngày đạt độ ẩm cân bằng 13-15% thì phù hợp để làm cơ chất trồng nấm. Tỉ lệ C/N (cacbon tổng số/nitơ tổng số) gần đúng được ghi nhận của thân dây khoai lang là 40/1 – đây là ngưỡng phù hợp để ủ cơ chất.
- Thân dây khoai lang có thể sử dụng độc lập để trồng nấm vì cho năng suất không khác biệt với trồng từ rơm và cao hơn các nghiệm thức phối trộn còn lại.
- Trong cùng một điều kiện môi trường, sử dụng hoàn toàn 100% thân dây khoai lang trồng nấm sẽ rút ngắn thời gian ủ cơ chất (ít hơn 10 ngày) và thu hoạch tập trung (ít hơn 12 ngày) so với trồng nấm sử dụng 100% bằng rơm.
- Tỉ lệ hao hụt sau khi qua xử lý của thân dây khoai lang khá cao do lượng nước trong thân dây chiếm từ 85-90% nên trong sản xuất muốn đống ủ đạt chất lượng và đạt năng suất thì cần thu thập khối lượng nguyên liệu tươi lớn. Do đó, sử dụng phụ phẩm thân dây khoai lang để trồng nấm phù hợp với những hộ dân trồng luân canh khoai lang và có diện tích có thể chất nấm tại nơi canh tác khoai lang (không tốn chi phí vận chuyển, dễ thu thập nguồn nguyên liệu) sẽ mang lại hiệu quả cao.
Qua những kết quả nghiên cứu ghi nhận, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã xây dựng tài liệu khuyến cáo bước đầu về quy trình sản xuất nấm rơm từ dây khoai lang và chủ trì tổ chức hội thảo khoa học nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng thân dây khoai lang để trồng nấm rất được sự quan tâm từ lãnh đạo địa phương, các cơ quan chuyên môn tại huyện Bình Tân (Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Trồng trọt và BVTV) và nông dân các xã canh tác trồng khoai lang quan tâm. Các đại biểu nhận định việc sử dụng thân dây khoai lang trồng nấm vừa giảm thiểu đáng kể việc ô nhiễm môi trường đất, nước và bảo vệ sức khỏe con người vừa tận dụng được nguồn phân hữu cơ sau khi chất nấm để phục vụ các mục đích sản xuất khác góp phần tăng thu nhập cho người nông dân trồng khoai.
Mô hình sản xuất nấm rơm từ thân dây khoai lang nếu được triển khai rộng rãi trên địa bàn huyện Bình Tân – vương quốc khoai lang của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ góp phần đa dạng thêm nguồn nguyên liệu trồng nấm, mở ra hướng đi mới, cách làm mới cho người nông dân nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm thân dây khoai lang dồi dào và ổn định để phát triển nghề trồng nấm rơm đặc biệt là tại huyện Bình Tân.
Từ thực tế triển khai và kết quả thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đề tài kiến nghị:
- Cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn nhằm đánh giá giá trị dinh dưỡng của nấm từ thân dây khoai lang (phân tích hàm lượng dinh dưỡng) và tính an toàn của sản phẩm nấm từ thân dây khoai lang trong điều kiện canh tác khoai lang thực tế tại huyện Bình Tân để người tiêu dùng an tâm sử dụng nếu đưa ra sản xuất thương phẩm;
- Chính quyền, đoàn thể địa phương các xã có diện tích canh tác khoai lang và các cơ quan chuyên môn nên tuyên truyền vận động người dân luân canh canh tác khoai lang, sử dụng nguồn nguyên liệu thân dây đề trồng nấm rơm tại chỗ vừa tạo điều kiện cắt đứt nguồn sâu bệnh vừa phát triển được nghề trồng nấm.
Đặc biệt, dựa trên những kết quả ban đầu của đề tài “Nghiên cứu sản xuất nấm rơm (Volvariella volvacea) từ nguồn phụ phẩm thân dây khoai lang tại huyện Bình Tân”, đề nghị Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Bình Tân nên có sự đầu tư nguồn lực nghiên cứu KHCN về thân dây khoai lang để phát huy việc tận dụng nguồn phụ phẩm này để phục vụ cho nhiều mục đích sản xuất và trở thành nguồn nguyên liệu thế mạnh của địa phương.
Mỹ Lộc/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã