Chiều 18/1, lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Duy Tân, TP Đà Nẵng và cán bộ khoa học của 2 Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh); Pù Mát (Nghệ An) vừa phát hiện, công bố loài chuồn chuồn kim mới mang tên Coeliccia natgeo (đặt theo tên của tổ chức National Geographic Society, Mỹ - đơn vị tài trợ cho nhóm tác giả đi điều tra, nghiên cứu côn trùng ở những khu vực này).
Trước đó, tháng 7/2018, trong một chuyến khảo sát ngắn ở một số khu vực thuộc huyện Hương Sơn, Vườn quốc gia Vũ Quang, TS. Phan Quốc Toản (Đại học Duy Tân) đã thu thập được một số mẫu vật mà ông tin chắc là một loài mới cho khoa học. Tuy nhiên do số lượng mẫu vật thu được rất ít và dữ liệu chưa rõ ràng nên chưa thể tiến hành công bố.
Đến tháng 5/2019, TS. Toản và đoàn nghiên cứu bất ngờ thu thập được một vài cá thể đực của loài này ở Vườn quốc gia Pù Mát và sau đó một năm, trong nhiều chuyến khảo sát tại một số khu vực của Vườn quốc gia Vũ Quang, TS. Toản và cộng sự cũng đã ghi nhận được loài này.
Sau khi có đầy đủ dữ liệu và mẫu vật, nhóm tác giả đã tiến hành công bố loài Coeliccia natgeo Phan, Ngo, Toan & Tuan, 2020 với mẫu chuẩn (holotype) từ Khe Nhớp thuộc Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh.
Loài Coeliccia natgeo là thành viên thứ 8 của một nhóm chuồn chuồn kim đặc hữu Coeliccia hayashii, toàn bộ đều chỉ mới phát hiện ở Việt Nam.
Theo quan sát, loài chuồn chuồn kim Coeliccia natgeo có tập tính sinh thái học rất khác so với các loài chuồn chuồn kim trong giống Coeliccia là chúng thường sinh sống ở những đoạn khô, cách xa bờ các khe suối nhỏ, rậm rạp và khá hiếm gặp, chỉ rải rác xuất hiện 1-2 cá thể ở mỗi điểm nghiên cứu.
Một điều đặc biệt nữa là phát hiện này đã mở rộng vùng phân bố của nhóm chuồn chuồn kim đặc hữu Coeliccia hayashii ra tận bắc miền Trung Việt Nam. Tất cả các loài trong nhóm này mới chỉ phát hiện chủ yếu quanh khu vực Tây Nguyên, và loài phân bố xa nhất là ở Vườn quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên Huế.
Như vậy, từ kết quả của những chuyến đi này, nhóm nghiên cứu côn trùng học do TS. Phan Quốc Toản dẫn đầu đã công bố được 2 loài chuồn chuồn kim mới cho khoa học, gồm: Loài Drepanosticta emtrai Dow, Kompier & Phan, 2018 từ VQG Vũ Quang (năm 2018) và loài Prodasineura lancastrei Phan & Ngo, 2020 từ VQG Pù Mát (tháng 2/2020).
Những phát hiện này chứng tỏ tiềm năng về đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm ẩn đang chờ đợi được khám phá.
Thanh Nga - Cảnh Toàn/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã