Học tập đạo đức HCM

Tình hình nuôi heo Cỏ ở miền Trung

Thứ tư - 06/06/2018 03:22
Heo Cỏ là mộ giống heo nội quý, đã có từ lâu đời ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. heo Cỏ hiện được nuôi nhiều trong các hộ nông dân các huyện vùng cao và một số trang trại tại các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam. Báo cáo dưới đây là kết quả điều tra từ 220 hộ về tình hình chăn nuôi heo Cỏ tại 3 huyện A Lưới, Hương Trà và Nam Đông, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đặc điểm

Heo Cỏ có tầm vóc nhỏ, nhỏ hơn so với giống heo nội phổ biến như Móng Cái. Heo Cỏ có màu lông đen, dài và dầy. Đến tuổi trưởng thành, heo đực có lông bờm cao kéo dài từ trán đến giữa lưng, lông mọc thành cụm: cứ 3 lông hình thành một cụm lông, trong khi đó các giống heo khác chỉ 1 - 2 lông làm thành 1 cụm. Da màu đen bạc. Thể trạng của heo trưởng thành trung bình vào khoảng 30 - 35 kg. Heo nái mỗi năm đẻ 1,2 - 1,3 lứa, mỗi lứa đẻ 7 - 10 con. Hiện nay, giống heo Cỏ được sử dụng để phục vụ mục đích nghiên cứu và bảo tồn gen đồng thời cũng là nguồn cung cấp thịt đặc sản cho người dân ở địa phương.

Số lượng và cơ cấu đàn

Người dân ở vùng núi Thừa Thiên - Huế nuôi nhiều nhóm giống khác nhau như heo Cỏ, heo lai giữa Móng Cái và Yorkshire hay Landrace. Thế nhưng, tỷ lệ heo Cỏ vẫn chiếm cao nhất, chiếm khoảng 54,87% của tổng đàn. Đặc biệt, ở huyện A Lưới heo Cỏ chiếm đến 58,69%, cao hơn ở Hương Trà (55,9%) và Nam Đông (49,19%).

Số lượng heo trung bình là 6,3 con/hộ, trong đó số lượng heo Cỏ trung bình là 3,46 con/hộ. Tỷ lệ heo Cỏ trong tổng đàn là tương đối cao so với heo khác. Hiện tại, một số hộ vùng đồng bằng có mở trang trại nuôi heo Cỏ với quy mô 30 - 50 con với mục đích là cung cấp thịt heo đặc sản cho cộng đồng.

 

Phương thức nuôi và chuồng nuôi

Phương thức nuôi giống: Đại đa số hộ chăn nuôi heo Cỏ đều chăn nuôi theo phương thức tận dụng. Chăn nuôi của hộ điều tra chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật lạc hậu, hầu hết đều tận dụng các thức ăn sẵn có nên năng suất chăn nuôi thấp. Kết quả các hộ được điều tra và được phỏng vấn hầu hết là sử dụng phương thức nuôi bán chăn thả và thả tự do.

Heo Cỏ khi nuôi nhốt ít vận động tỷ lệ mỡ rất cao, vì thế phần lớn hộ chăn nuôi heo Cỏ sử dụng phương thức nuôi bán chăn thả, một số ít sử dụng phương thức thả tự nhiên.

Chuồng nuôi: Kết quả điều tra chuồng trại cho thấy 73,18% số hộ có điều kiện chuồng trại được lợp bằng tôn, fibro xi măng hoặc lợp bằng mái ngói, nền được làm bằng xi măng đảm bảo được độ cao, thoáng; 93% chuồng có diện tích phù hợp. Chuồng được xây dựng theo kiểu chuồng hở, khi mùa đông đến người chăn nuôi dùng bạt hoặc tôn che chắn. Tùy theo quy mô nuôi, mà diện tích chuồng nuôi của các hộ khác nhau nhưng nhìn chung đảm bảo đủ nuôi với số lượng heo hiện có và có thể tăng đàn.

 

Thức ăn

Các nguồn thức ăn chủ yếu cho heo Cỏ tại Thừa Thiên - Huế là cám gạo, sắn nghiền, khoai nghiền, hỗn hợp nghiền giữa sắn và khoai, ngô, hèm rượu và các loại thức ăn thô xanh như rau lang, chuối, môn thục, cỏ voi, rau rừng và một số cây cỏ tự nhiên. Qua điều tra cho thấy thức ăn sử dụng trong chăn nuôi heo Cỏ của người dân chủ yếu là thức ăn tận dụng nông phụ phẩm trong trồng trọt để chăn nuôi, người dân không sử dụng thức ăn đậm đặc hay thức ăn hỗn hợp công nghiệp cho heo Cỏ. Cũng chính vì thế mà tốc độ sinh trưởng của heo Cỏ chậm và cũng vì ít mỡ ăn thịt sẽ ngon và thơm hơn, giá bán cao gấp 3 - 5 lần so với heo lai nuôi công nghiệp. Lượng thức ăn hàng ngày ước tính lượng thức ăn chỉ đảm bảo 50 - 60% nhu cầu.

 

Vệ sinh phòng bệnh

Với phương thức chăn nuôi tận dụng hoặc thả rông (thả tự do) nên việc vệ sinh, phòng dịch cho heo chưa được chú trọng. Người chăn nuôi vẫn chỉ nuôi theo truyền thống, thức ăn mang tính chất tận dụng những nông phụ phẩm mà người dân trồng được và khai thác từ tự nhiên. Công tác vệ sinh chuồng trại ít được quan tâm, người chăn nuôi vẫn phụ thuộc vào các đợt tiêm phòng hoặc phun tiêu độc khử trùng do cán bộ thú y cung cấp được Nhà nước hỗ trợ, chỉ có ít số hộ sau khi xuất bán heo thịt quét vôi để trống chuồng. Một số ít hộ khi heo bị bệnh có mời cán bộ thú y đến điều trị và sau khi heo bị bệnh chết có dùng thuốc sát trùng chuồng trại do thú y xã cung cấp. Tuy nhiên, với khẩu phần ăn hạn chế, thức ăn tận dụng phụ phẩm, được nuôi trong điều kiện kham khổ, kém vệ sinh nhưng heo Cỏ có sức kháng rất tốt nên heo rất ít khi nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Một số bệnh chủ yếu ở heo Cỏ là tiêu chảy, giun sán và viêm phổi. Các bệnh này thường gặp ở heo con sau cai sữa.

Tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho heo là rất thấp, chỉ khoảng 10,5%. Các loại vaccine được tiêm phòng bao gồm tụ huyết trùng, dịch tả heo và lở mồm long móng. Những hộ tiêm vaccine cho heo chủ yếu là cho heo lai, heo nái là chính. Lý do chính mà heo Cỏ hầu như không được tiêm phòng là do phương thức nuôi bán chăn thả và thả tự do nên rất khó khống chế khi tiêm. Mặt khác, người dân cũng chủ quan heo Cỏ có khả năng thích nghi tốt, ít khi mắc bệnh, nên không quan tâm đến việc tiêm phòng và phòng bệnh cho heo.

 

Khả năng sinh sản

- Tuổi động dục lần đầu của heo Cỏ là 10,63 tháng và đẻ lứa đầu là 14,5 tháng. Kết quả này tương đương một số giống heo địa phương khác. Theo Trương Tấn Khanh và ctv (2009), tuổi động dục lần đầu của heo Sóc là 6 - 9 tháng và tuổi đẻ lứa đầu là 10 -15 tháng. Trần Thanh Vân (2005) cho biết tuổi động dục lần đầu của giống heo mẹ là 8,13 tháng.

- Khả năng sinh sản thấp: Tuổi đẻ lứa đầu muộn (14,5 tháng); đẻ 1,46 lứa/năm, mỗi lứa có số con cai sữa 4,7 con và khối lượng lợn con do 1 nái sản xuất ra trong năm chỉ đạt 32,58 kg.

- Khối lượng 4 tháng tuổi chỉ đạt 6 - 7 kg/con; lúc 6 và 12 tháng tuổi, tương ứng là 20 và 35 kg/con.

 

Thị trường tại Thừa Thiên - Huế

Tùy theo thời điểm và chất lượng của heo mà giá giống có sự chênh lệch đáng kể. Giá giống thường cao vào đầu mùa xuân và thấp nhất vào các tháng cuối năm. Có thể giải thích cho vấn đề này là vào mùa xuân thời tiết ấm nên heo dễ nuôi, ít bệnh tật hơn so với các mùa khác; heo Cỏ thường nuôi 10 - 12 tháng để bán thịt ăn Tết vì giá heo lúc đó cũng cao hơn các thời điểm khác trong năm.

Giá heo giống ở các xã điều tra với khối lượng 5 - 7 kg/con có giá 500.000 - 800.000 đồng/con. Giá heo thịt cũng rất biến động và tùy theo khối lượng của heo. Heo thịt có giá cao nhất là loại có khối lượng 15 - 20 kg và heo càng to thì giá càng thấp. Giá heo cao nhất khoảng 160.000 đồng/1 kg heo hơi và thấp nhất là 80.000 - 90.000 đồng/kg.

Về thị trường tiêu thụ: Phần lớn, heo được bán tại chỗ cho người dân địa phương hoặc lân cận. Những gia đình có nhiều heo thì có người từ nơi khác (thị trấn A Lưới, thị xã Hương Trà, thị trấn Khe Tre hay TP Huế) đến mua. Tuy nhiên, số lượng heo bán ra khỏi huyện, xã là rất ít.

heo co
Heo Cỏ là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao     Ảnh: CTV
 

Khả năng phát triển

Heo Cỏ dễ nuôi, sức chịu đựng kham khổ tốt, thức ăn tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp, giá thành sản phẩm luôn bán được cao nên dễ phát triển đàn. Ngày nay, người chăn nuôi phần lớn đã có chuồng trại phù hợp với chăn nuôi heo Cỏ. Bên cạnh đó, người dân đã có kinh nghiệm lâu đời về việc nuôi heo địa phương nếu được tập huấn thêm kỹ thuật thì họ sẽ mở rộng chăn nuôi.

Tuy nhiên, sản xuất con giống vẫn tự phát do người chăn nuôi vẫn để quá trình giao phối cận thân, quy trình nuôi dưỡng chưa phổ biến đến người nông dân dẫn đến năng suất chăn nuôi thấp và công tác tiếp cận thị trường còn yếu. Việc tiêu thụ thịt heo Cỏ khi phát triển với với quy mô lớn cũng là thách thức đối với người dân địa phương. Không phải ai cũng có thể mua được heo Cỏ với giá cao trong khi giá các loại thịt khác vẫn ở mức thấp.

>> Những năm gần đây, mặc dù giá thịt heo công nghiệp giảm do khủng hoảng thừa, nhưng giá bán heo thịt Cỏ vẫn cao gấp 3 - 5 lần so với heo nuôi theo phương thức công nghiệp do chất lượng thịt thơm ngon hơn.

 

Nguồn: nguoichanuoi.vn

 Tags: heo cỏ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập425
  • Hôm nay36,158
  • Tháng hiện tại741,271
  • Tổng lượt truy cập90,804,664
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây