Trước khi về Xuân Viên, tôi hình dung đây là một xã thuần nông, khó khăn như bao làng quê khác nằm trên rẻo đất miền Trung đầy nắng và gió này. Nhưng không! Xuân Viên hiện ra trước mắt tôi đến ngạc nhiên. Bởi về làng mà ngỡ như phố, vừa có những con đường thảm nhựa thênh thang trải dài tít tắp, vừa có những khu dân cư kiểu mẫu khang trang soi mình bên bờ Lam Giang. Xuân Viên hấp dẫn khách đường xa lần đầu đến như chúng tôi bởi những hàng rào cây xanh được cắt tỉa phẳng lỳ, đậm đà nét quê. Nhà cửa, vườn tược được chỉnh trang ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng.
Còn nhớ cách đây dễ chừng 3 năm thôi, cái tên Xuân Viên đã trở lên “nổi tiếng” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sự “nổi” này không theo chiều hướng tích cực mà là nỗi xấu hổ của bà con Xuân Viên khi chứng kiến cả dàn lãnh đạo xã từ Chủ tịch đến kế toán, địa chính bị bắt, ngồi tù vì lợi dụng chức quyền để trục lợi trong giao thuê và bán đất.
Những tưởng Xuân Viên sẽ không vực lên được sau cơn bão đau thương, nhưng với quyết tâm của tỉnh khi đưa dàn lãnh đạo đầy tâm huyết về với Xuân Viên và sự góp công, góp sức của cán bộ KBNN Hà Tĩnh với vai trò là đơn vị đỡ đầu. Chỉ sau 1 năm, như một phép thần kỳ, Xuân Viên hoàn toàn lột xác.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên, ông Phan Văn Thư kể lại giai đoạn mới tiếp nhận nhiệm vụ tại Xuân Viên, từ năm 2013, Xuân Viên đã đăng ký với tỉnh và huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nhưng do sai lầm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cán bộ vi phạm nên đã lỡ hẹn.
“Đây cũng là thời điểm căng thẳng nhất đối với xã, khi lòng tin của cán bộ và nhân dân có phần giảm sút, thiếu sự đồng thuận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bên cạnh đó là đời sống của một bộ phận nhân dân đang gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn hẹp. Với tình hình lúc ấy chỉ mong Xuân Viên ổn định là tốt rồi, chứ nói gì đến việc về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới” - Bí thư Phan Văn Thư kể.
“Không thể để Xuân Viên - vùng quê có truyền thống hiếu học, có bề dày văn hóa địa phương… lại bị dậm chân tại chỗ” - là quyết tâm của Ban lãnh đạo xã, cũng như sự vào cuộc nhiệt tình của KBNN Hà Tĩnh. Công việc hồi sinh Xuân Viên bắt đầu từ việc tổ chức các đoàn khảo sát, nắm tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bởi để xóa đói, giảm nghèo cho các xã cả một quá trình, không thể nóng vội. Làm sao phải giúp người dân cả “cần câu” và “con cá”. Các cán bộ Kho bạc đã vào cuộc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước” đến nhận thức “xây dựng nông thôn bằng nhiều nguồn lực, trong đó nhân dân là chủ yếu”, xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại...
Cùng với đó, cán bộ Kho bạc cũng luôn sát cánh cùng lãnh đạo xã tổ chức đối thoại, phân tích, làm rõ đúng sai, giải quyết dứt điểm các tồn tại, yếu kém nhằm ổn định công tác chính trị tư tưởng trên địa bàn, giúp người dân hiểu và làm theo các chính sách.
Với sự nỗ lực, tận tình của các cấp, các ngành, Xuân Viên là 1 trong 6 xã của huyện Nghi Xuân hoàn thành xây dựng nông thôn mới sớm trong năm 2014 (kế hoạch là năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay chỉ còn 4,09%. Cơ sở vật chất gồm trường học, trạm y tế, kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường. Hiện tại Xuân Viên đã không còn nhà tạm, nhà dột nát và 100% hộ dân được dùng hệ thống lưới điện Quốc gia.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Viên, Phan Văn Thư cho rằng, Xuân Viên về đích sớm, có công lớn của các cán bộ KBNN Hà Tĩnh. Các cán bộ KBNN Hà Tĩnh, KBNN huyện Nghi Xuân đã tư vấn, tập huấn cho các cán bộ xã về kiến thức quản lý kiểm soát thanh toán vốn ngân sách xã, kiểm soát thanh toán vốn chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tạo thuận lợi giải ngân nhanh các nguồn vốn để sớm đưa các công trình đi vào sử dụng.
Không những vậy, công tác quản lý ngân sách xã tại Xuân Viên cũng đã quy củ, mọi khoản chi đều đúng mục đích, đối tượng, không còn tình trạng tồn đọng, thất thoát, lãng phí tài sản và tiền của Nhà nước. Trình độ các cán bộ làm kế toán cấp xã cũng nâng lên, dần thu hẹp khoảng cách với huyện và tỉnh.
Những ngày lễ, Tết, các cán bộ Kho bạc đều xuống chung vui với chính quyền và bà con trong xã. Những phần quà chắt chiu từ sự đóng góp của cán bộ KBNN Hà Tĩnh đã kịp đến với hộ nghèo khi họ gặp khó khăn, thiếu thốn đã góp thêm niềm tin của bà con vào các chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước. Niềm tin đó cứ lan tỏa, cứ nhân lên trong toàn xã và có ý thức tốt hơn với quê hương - nơi mình đang sống và gắn bó.
Với cách làm, cách giúp đỡ cơ sở của KBNN Hà Tĩnh bằng cả tấm lòng đã tiếp thêm sức mạnh cho các xã nghèo nỗ lực vươn lên. Có lẽ điều này ghi dấu trong lòng mỗi người dân Xuân Viên, còn hơn cả những lời tốt đẹp trong các báo cáo tổng kết.
Trong 3 năm (từ 2012-2014), KBNN Hà Tĩnh đã huy động sự đóng góp của cán bộ công chức gần 100 triệu đồng để hỗ trợ cho xã Xuân Viên mua trang thiết bị phục vụ Nhà văn hoá xã như: Ti vi, máy chiếu, máy tính… Tổ chức tặng quà cho 30 gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào dịp lễ, Tết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;