Học tập đạo đức HCM

Hiệu quả từ liên kết chăn nuôi ở Hà Tĩnh

Thứ sáu - 08/04/2016 09:02
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP chăn nuôi Bình Hà đầu tư trên đất Hà Tĩnh với quy mô 250.000 con tại hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, như một luồng gió mới lan tỏa, tiếp sức cho nông dân chăn nuôi bò có thêm thu nhập.

Đổi thay ở vùng đồi núi

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có chuyến thăm lại khu chăn nuôi tập trung bò Bình Hà đóng ở một thung lũng vùng bán sơn địa thuộc xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Lâm, Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh). Trước mắt chúng tôi là những đồng cỏ, mía, ngô trải dài một mầu xanh mượt mà tít tắp trên các sườn đồi. Anh bạn cùng đi chỉ tay và kể, trước đây cả vùng đồi núi này hầu hết là đất lâm nghiệp hoang hóa, cây leo, bụi rậm chằng chịt, lưa thưa mấy cụm thông, bạch đàn.

Chúng tôi dừng bên một ngọn đồi bạt ngàn cỏ, mấy bác nông dân đang thu hoạch cỏ cho biết: Nhờ dự án nuôi bò Bình Hà về đầu tư cho nên đời sống nông dân nơi đây trở nên khấm khá hơn nhờ trồng cỏ bán cho công ty. Qua tìm hiểu được biết, trước khi dự án chăn nuôi bò về đầu tư, hầu hết nông dân không đồng tình cho lắm, bởi cho rằng, dân sẽ bị mất đất, không còn tư liệu để sản xuất, chưa kể nuôi bò sẽ gây ô nhiễm môi trường. Đến nay dự án mới vào đầu tư hơn tám tháng nhưng từ đường đi, đất đai đến đồi núi đều được quy hoạch phân khu rõ ràng, nông dân được hòa nhập vào khí thế lao động sản xuất bằng liên kết kinh doanh nhận suất đầu tư trọn gói từ nuôi bò đến trồng cỏ, ngô, mía cung cấp lương thực cho hàng chục nghìn con bò của công ty.

Trước đây, khi chưa có dự án, vùng đất này mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ. Nếu tính thu nhập trồng sắn, trồng keo… chỉ được xấp xỉ 30 triệu đồng/ha/năm, nhưng nay trồng cỏ và ngô sinh khối làm thức ăn cho bò của công ty, mỗi năm ba vụ, năng suất đạt từ 45 đến 50 tấn/ha, xuất bán tại ruộng 800 nghìn đồng/tấn. Nếu “thiên thời, địa lợi” mỗi năm trồng được ba vụ, thì mỗi ha, nông dân được hưởng hơn 100 triệu đồng/năm.

Tổng Giám đốc Công ty CP chăn nuôi Bình Hà Đinh Văn Dũng cho biết: “Dự án của chúng tôi về đầu tư trên đất Hà Tĩnh được các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và nhân dân trong vùng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất như đất đai; các thủ tục hành chính cho dự án được ưu tiên giải quyết. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 7-2015, nhưng đến nay, dự án đã có cả một cơ ngơi, cơ sở hạ tầng, chuồng trại, hệ thống giao thông thông suốt. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, công việc xây dựng và phát triển sản xuất, được triển khai song hành suốt ngày, đêm. Có thể nói, đây là dự án ưu tiên đầu tư mà chúng tôi quan tâm nhất, từ nguồn vốn, nhân lực, vật lực. Thị trường đầu vào, đầu ra đều được quy chuẩn khép kín một cách chuẩn xác. Chúng tôi đang xây dựng nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP, để không những phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Buổi đầu đưa bò về còn phải thu mua cỏ, nhưng đến nay nông dân đã liên kết với dự án trồng được 800 ha diện tích cỏ, ngô sinh khối, mía với hàng chục mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Nông dân trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đăng ký liên doanh, liên kết trồng 5.000ha đồng cỏ với phương châm dự án đầu tư trọn gói cho nông dân về giống, phân bón, kỹ thuật và thu mua tại ruộng, thanh quyết toán kịp thời, đầy đủ, giúp nông dân mau chóng làm giàu trên quê hương mình. Theo kế hoạch, cuối năm nay, chúng tôi sẽ triển khai nuôi liên kết với các hộ dân, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng.

Hứa hẹn một dự án hiệu quả

Dẫn chúng tôi vòng quanh khu quy hoạch rộng lớn, thạc sĩ Nguyễn Trọng Đại, phụ trách thi công xây dựng Dự án Bình Hà cho biết: Tổng diện tích cả khu quy hoạch rộng 477 ha, chủ yếu là đất đồi núi. Sau khi tiếp nhận đến nay chỉ mới hơn tám tháng nhưng công ty đã đầu tư xây dựng mở hàng trăm km đường trọng tải lớn, san lấp mặt bằng 40 ha, xây dựng được 40 chuồng nuôi, 1 khu hành chính, bốn phân xưởng sản xuất phân hữu cơ từ phân bò với nhiều cơ sở hạ tầng khác.

Kỹ sư Hồ Thanh Tấn, quản lý khu chăn nuôi dẫn chúng tôi tham quan một số chuồng nuôi. Anh kể, mỗi chuồng này có diện tích 3.120 m2, có thể nuôi 500 con bò. Theo quy trình xử lý môi trường trong chuồng nuôi, bò chỉ tập trung ở nửa chuồng, luân phiên cứ mỗi bên ba ngày, ngày nào cũng được phun men xử lý môi trường làm khô phân và nước tiểu. Sau đó toàn bộ số phân trong chuồng được chuyển đến phân xưởng sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho nông dân trồng cỏ. Cũng theo kỹ sư Tấn, tổng đàn bò của cả hai cơ sở ở huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên do công ty nhập từ Ô-xtrây-li-a về hơn 30 nghìn con và đã xuất bán ra thị trường phía bắc hơn 3.000 con, được khách hàng đón nhận và đánh giá là sản phẩm chất lượng cao. Đây là tín hiệu vui, hứa hẹn sẽ phát triển thị trường trong nước và nước ngoài, đúng với yêu cầu đề ra.

Theo Anh Bình/nhandan.com.vn/


 Tags: chăn nuôi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập913
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại753,961
  • Tổng lượt truy cập93,131,625
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây