Nhiều năm qua, nông dân Cư Jút đã đưa vào trồng nhiều giống cỏ cho năng suất, chất lượng cao như: VA06, cỏ voi, cỏ sả… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là người tiên phong trong phong trào trồng cỏ nuôi gia súc, anh Trịnh Thanh Phong ở thôn 12, xã Nam Dong cho biết, trước đây, gia đình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thức ăn cho bò, nhất là vào mùa khô, vì vậy, đàn bò sinh trưởng, phát triển kém. Nhưng từ khi anh trồng giống cỏ do Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện giới thiệu, lại áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn nên mỗi tháng, anh thu hoạch được hơn 1,5 tấn cỏ tươi, vừa có thức ăn cho đàn bò, vừa cung cấp cho các hộ khác. Tính ra mỗi tháng anh tiết kiệm được trên dưới 1,5 triệu đồng tiền thức ăn cho bò, chưa kể giống cỏ này nhiều dinh dưỡng nên đàn bò lớn rất nhanh.
Giống như anh Phong, chị Phan Thị Thương ở thôn 4, xã Tâm Thắng cũng mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cỏ voi, cỏ sả để phục vụ chăn nuôi. Với đàn heo lai hơn 25 con, mỗi ngày trung bình chị phải cắt không dưới 20kg cỏ làm thức ăn cho chúng. Trước đây, chị phải cho ăn nhiều cám và cắt cỏ ngoài bờ ruộng nhưng nay chỉ cần cắt cỏ tại vườn nhà là đủ cung cấp cho đàn heo ăn cả ngày. Không chỉ vậy, từ ngày có vườn cỏ, đàn bò nhà chị cũng no nê hơn, chị không phải tốn công sức đi tìm đồng cỏ chăn thả như trước. Chị Thương cho biết, đây là những giống cỏ chịu hạn tốt, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng sinh trưởng và phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, giàu dinh dưỡng, đàn gia súc rất thích ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Theo bà Hoàng Mai Thu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư Cư Jút, nhằm cải tạo và nâng cao chất lượng đàn gia súc, định hướng cho nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, Trạm đã phối hợp với Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên và Trường Đại học Tây Nguyên cung cấp các giống cỏ VA06, cỏ voi, cỏ sả… cho nông dân trên địa bàn. Những giống cỏ này có nhiều ưu điểm như: sinh trưởng quanh năm, đẻ nhiều nhánh, rễ chùm, ít sâu bệnh, sau khi trồng 45 ngày là cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 120 tấn/ha/năm. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn xanh kết hợp với đầu tư thêm thức ăn tinh và các loại thức ăn khác giúp đàn gia súc được cải thiện điều kiện dinh dưỡng, ăn no, khỏe mạnh nên chóng lớn, từ đó tăng thu nhập.
Mô hình trồng cỏ góp phần giúp người chăn nuôi chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc, từng bước chuyển dần từ phương thức chăn thả quảng canh sang chăn nuôi thâm canh, từ đó phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Về môi trường, phát triển diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi góp phần nâng cao độ phì của đất thông qua chế độ canh tác hợp lý, giữ nước, giảm mức độ xói mòn đất…
Từ hiệu quả của mô hình, bà Thu cho biết, thời gian tới, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Cư Jút sẽ vận động các địa phương khác mở rộng diện tích trồng cỏ, tăng quy mô đàn gia súc, bởi đây là hướng xóa đói giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác của nông dân.
Tùng Nhi (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã