Ông Lê Đức Giáp bên cây cam cảnh, mặt hàng bán chạy vào dịp Tết. - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng |
Người mê cam
Khi chúng tôi đến, ông đang chuẩn bị sang huyện Chương Mỹ phổ biến kỹ thuật trồng cam, chanh đào cho hơn chục gia đình nông dân. “Bà con đang đợi tôi”.
Đến trang trại của anh Nguyễn Văn Long ở xã Trần Phú, Chương Mỹ, không kịp nghỉ ngơi, ông Giáp ra ngay vườn chanh. “Hôm nay, trời không mưa, thuận lợi cho việc cắt ngọn để cây nảy mầm. Với cây chanh đào cần chú ý phòng trừ bệnh rệp đỏ và bệnh vẽ bùa. Sang năm, anh có thể dùng kỹ thuật ép cho cây ra hoa, đậu quả”.
Ông Giáp mê giống cây này từ năm 1996, trong một lần đi sang huyện Văn Giang, Hưng Yên mua hàng, tận mắt nhìn những vườn cam trĩu quả, chín đỏ cả cây. Lão nông năng động này lân la ở nhiều vườn cam để học hỏi cách làm. Rồi ông mua cây giống mang về trồng.
Về nhà, ông bỏ trồng lúa, phá ruộng lạc, dồn toàn bộ số ruộng đất với diện tích hơn 1.000 mét vuông để trồng cam. Việc làm táo bạo này của ông đã mở đường cho một một hướng làm giàu mới, giúp cả làng, cả xã chuyển mình đi lên.
“Thấy tôi làm vậy, cả nhà phát hoảng, sợ hỏng không có gạo mà ăn. Hồi đó mê quá nên tôi làm liều. Lúc ấy, tôi cũng chưa dám chắc chất đất ở quê hợp với cây cam”, ông Giáp nói.
Không ngờ, vụ cam đầu tiên của ông thành công ngoài mong đợi. Cam chín rực khắp ruộng, vườn nhà. Tết năm đó, ông thu lãi 75 triệu đồng từ cây cam, cao gấp 10 lần so với cây lúa.
Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục vay tiền, đấu thầu thêm ruộng đất, mở rộng diện tích trồng cam. Sắp tới, ông còn thuê hơn 1 ha đất đồi ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình để xây trang trại trồng cam với quy mô lớn.
Không bằng lòng với gì mình làm được, ông Giáp còn có một bước đi độc đáo để giúp nghề trồng cam của mình thăng tiến. Đó làm cam cảnh mang lại giá trinh kinh tế cao.
Đặc biết, trên một cây cam, ông có thể ghép được 5 loại quả khác nhau. Mặt hàng mới và độc này của ông bán rất chạy vào ngày giáp Tết. Riêng năm ngoái, ông bỏ túi hơn 300 triệu đồng nhờ cây cam cảnh. Ông đang thử nghiệm ghép 9 loại quả trên cùng một cây cam.
Nhìn lại cả năm 2011, ông bán gần 7 tấn cam, hơn 1.000 cây cam cảnh và khoảng 2 vạn cây giống. Trừ mọi chi phí, ông thu lãi hơn 500 triệu đồng. Năm nay, toàn bộ vườn cam nhà ông đã được thương lái đặt hàng, ước tính tổng thu nhập hơn 800 triệu đồng.
Giúp nhiều nhà nông làm giàu
Ông Giáp đang hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân ở xã Trần Phú trồng chanh đào. - Ảnh: VGP/Nguyễn Thắng |
Điển hình như gia đình anh Đinh Văn Thắng ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ. “Vườn cam nhà tôi đã được thương lái về đặt hàng mấy ngày trước để bán vào dịp Tết. Ước tính giá trị hơn 700 triệu đồng”, anh Thắng cho hay.
Gần 10 năm trước, vợ chồng anh làm công nhân, thu nhập chẳng đáng là bao. Từ người quen, anh biết đến vườn cam nổi tiếng của ông Giáp. Lần đầu đến thăm vườn, anh đã nhìn thấy cơ hội “đổi đời” từ mô hình trồng cam đầy tiềm năng này.
Anh quyết định đưa vợ con về quê thuê đất trồng cam, làm nông dân. “Bây giờ, vợ chồng tôi cũng thu được vài trăm triệu đồng mỗi năm. Khi còn làm công nhân, lấy đâu ra số tiền đó. Tất cả cũng nhờ ông Giáp”, anh Thắng nói.
Riêng ở xã Cao Viên, nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn thuê ruộng để đất phát triển cây cam. Theo ông Giáp, tính sơ, cả xã cũng có khoảng 20 gia đình có diện tích trồng cam hơn 1 ha, thu về cả bạc tỷ mỗi năm.
Tiếng lành đồn xa, bà con nông dân ở nhiều tỉnh phía Bắc đã “đặt hàng” nhờ ông chuyển giao kỹ thuật trồng cam. Tính đến nay, ông đã giúp hơn 70 nông dân ở các tỉnh xây dựng thành công vườn cam.
“Sắp tới, tôi phải sang huyện Ba Vì, rồi lên tỉnh Hòa Bình vài ngày. Nhiều nông dân ở đó đã mời tôi về tận nhà tư vấn mô hình, chỉ bảo cách trồng cam cho họ”, ông Giáp cho biết.
Năm 2011, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Một năm sau, ông lại được tôn vinh là một trong những Công dân Thủ đô ưu tú. Đó là sự nghi nhận xứng đáng cho những cố gắng không không biết mệt mỏi của ông giúp nhiều nông dân làm giàu.
Nguyễn Thắng
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã