Nuôi hươu không còn xa lạ hiện nay (ảnh Internet)
Có lẽ khi nhìn cơ ngơi đất sản xuất và một căn nhà khang trang với nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền trong ngôi nhà của ông Lê Minh Đầm ở khu phố Từ Liêm 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, ít ai nghĩ rằng để có kinh tế như ngày hôm nay, gia đình ông Đầm đã trải qua những tháng ngày khó khăn và cơ cực. Vào xây dựng kinh tế mới tại Lâm Hà năm 1981, với diện tích đất canh tác khoảng 2ha, kinh tế cũng như cuộc sống của gia đình ông Đầm ở giai đoạn sơ khai với biết bao khó khăn chồng chất. Lực lượng lao động ít, tiền vốn để phát triển sản xuất không là bao.
Song song đó, việc ứng dụng KHKT còn quá nhiều hạn chế, thông tin được cập nhật không thường xuyên và đầy đủ đã ảnh hưởng lớn đến việc mưu sinh trên quê hương thứ hai này. Ông Đầm cho biết khó khăn lớn nhất mà gia đình gặp phải đó là có được diện tích đất canh tác rồi nhưng làm sao để khai hoang, phục hoá là cả một quá trình nan giải bởi diện tích đất này hầu hết đều nằm trong khu vực sình lầy và bãi đá. Sau một thời gian cải tạo đất, thuê mướn nhân công khai phá, từ bản tính cần cù chịu khó của người nông dân, cuộc sống và kinh tế gia đình ông Đầm bắt đầu mở ra một tương lai mới đó là mô hình VAC khép kín có hiệu quả và giá trị kinh tế cao.
Chia sẻ về cách làm kinh tế của mình, ông Đầm nói : “Trong cách làm kinh tế thì tôi thấy trên đài TW đã tuyên truyền về mô hình kinh tế VAC, nó có lợi rất nhiều cho gia đình chúng tôi nên chúng tôi đã chọn nó. Và cái thực tế trong khu đất của gia đình thì rất thích hợp với mô hình này và chúng tôi đã phát triển thành công”
Ở mô hình VAC khép kín của gia đình mình, ông Lê Minh Đầm cho biết ông tận dụng mọi điều kiện để phát triển sản xuất. Trong 2 ha đất sản xuất, ông dành 1,2 ha đất đào ao thả các loại cá nước ngọt; 300 m2 đất để nuôi gà vịt. Bên cạnh khu chuồng nuôi hươu và gia cầm là dãy chuồng nuôi heo nái và heo thịt. Thu nhập hàng năm từ các khoảng lên đến 900 triệu đồng, sau khi trừ đi công cán cho người lao động, chi phí đầu tư ông Đầm còn dư gần 450 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông kể câu chuyện về hành trình nuôi hươu của gia đình mình cũng thật tình cờ.
Cách đây hơn 16 năm, trong một lần xem tin tức trên tivi, thấy mô hình nuôi hươu và động vật quý hiếm có giá trị kinh tế cao, gia đình ông đã quyết định đầu tư mua giống về nuôi. Lúc đầu có ít vốn ông chỉ nuôi một vài con, sau tích luỹ dần ông đưa đàn hươu lên gần 30 con. Hươu được ông chăm sóc tốt, chỉ sau 2 năm đã sinh trưởng phát triển và bắt đầu cho nhung. Ông Đầm cho biết: mỗi con hươu trưởng thành có trọng lượng từ 100 đến 120 kg, gia đình ông nuôi chủ yếu lấy nhung để bán, mỗi lạng nhung bán ra ngoài thị trường có giá từ 900 đến 1 triệu đồng/100g, mỗi con hươu trưởng thành hàng năm cũng cho khoảng 6 – 9 lạng nhung, có những con còn có thể cho 2 lần nhung/1 năm.
Mô hình này mỗi năm đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng cho gia đình. Tới mùa thu hoạch ngô hay các cây màu khác, ông tận thu những sản phẩm phụ của cây, phơi khô làm thức ăn dự trữ cho hươu. Khi chăm hươu, ông còn dày công nghiên cứu, thiết kế hoàn chỉnh hệ thống chuồng trại, đảm bảo thuận lợi cho việc dọn vệ sinh, phối giống và cắt nhung hươu. Ông đã cải thiện được hai điều kiện cơ bản về chuồng trại tiện lợi và cách cắt nhung hươu.
Theo ông Đầm, sự cải tiến này tuy không sánh được với công nghệ máy móc hiện đại nhưng là sự đổi mới so với các trang trại sử dụng kỹ thuật thủ công khác mà ông từng tham quan. Nói về hiệu quả của việc nuôi hươu và giá trị kinh tế của nó, ông Đầm phân tích: Trong lĩnh vực làm ăn có rất nhiều mô hình làm kinh tế song tôi thấy rằng con hươu là một con động vật hoang dã, đã được các hộ gia đình đem về thuần hoá, nên hiệu quả kinh tế rất là lớn… con hươu khi nuôi chúng ta có thể cho ăn bằng các phế phẩm trong nông nghiệp là phần lớn nên lãi suất cao, bệnh tật ít từ chỗ đó chúng tôi đánh giá cao mô hình này và cũng khuyến khích, tuyên truyền cho bà con nhân dân trong vùng chăm sóc, nuôi hươu để đem lại lợi nhuận cho gia đình…
Về kinh nghiệm nuôi hươu, Ông Đầm còn cho biết thêm: “Hươu là loài ăn tạp, dễ nuôi. Thức ăn là các loại rau, củ, quả, thân cây chuối, cỏ… Tuy nhiên trong quá trình nuôi cũng cần đề phòng một số bệnh cho hươu như trướng bụng, đầy hơi nếu ăn phải thức ăn ôi thiu. Đến một tuổi hươu cái bắt đầu sinh sản, một năm sinh sản một lần; thời điểm trưởng thành hươu đực bắt đầu cho nhung, hươu ra nhung từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch. Trong thời gian này, để năng suất nhung cao, cần phải cho hươu ăn nhiều hơn, nhất là các loại thức ăn như đậu tương, cà rốt, ngô, các loại vitamin A, C, D”. Nhung ra nhiều hay ít phần lớn tuỳ thuộc vào chế độ cho ăn.
Nói thêm về quy trình chăm sóc và hướng dẫn cho bà con trong vùng cùng phát triển mô hình nuôi hươu, ông Đầm phân tích: Khi tôi bán giống thì tôi cũng đã tư vấn từ cách làm chuồng trại đến việc chăn nuôi. Nuôi như thế nào để đạt hiệu quả thì tôi cũng đã hướng dẫn hết cho bà con nông dân, từ cách chăm sóc, phối giống và theo dõi thời gian quá trình mà nó mang thai, sinh đẻ… và nhất là trong khi thu hoạch. Tôi cũng đến trực tiếp và hướng dẫn để các hộ làm chủ việc cắt nhung… tôi nghĩ rằng mỗi lần cắt nhung là một lần thu sản phẩm do vậy mình phải làm thế nào để vừa có sản phẩm vừa giữ lại sức khoẻ cho con hươu đảm bảo lâu dài, đó là điều quan trọng.
Được biết, nhung hươu là sản phẩm quý, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người, đặc biệt đối với những người mới ốm dậy, người già đau yếu… dùng nhung hươu rất mau chóng hồi phục sức khoẻ, sử dụng nhung hươu đúng chỉ dẫn, sức khoẻ được bồi bổ, khí huyết lưu thông, tăng cường sinh lực. Nhờ mô hình nuôi hươu lấy nhung mà giờ đây đã giúp cho kinh tế gia đình ông Lê Minh Đầm thêm vững vàng, đây cũng là một trong những địa chỉ làm kinh tế tin cậy để người nông dân địa phương tham quan và học tập nhân rộng mô hình, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ thoát đói nghèo, làm giàu chính đáng.
Theo nongdanlamgiau.com