Bộ phận “một cửa” liên thông tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng - Ảnh: ngoquyen.gov.vn |
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mục tiêu chung của cải cách hành chính là xây dựng cho được một nền hành chính trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Đây không chỉ là việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, mà còn là xu thế của thời đại và sự phát triển của đất nước.
Chính vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm cao trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Tác động của cải cách hành chính đến người dân, doanh nghiệp phải cụ thể, “cân đong đo đếm được” chứ không thể chung chung. Từ đó, Phó Thủ tướng đã xác định 5 vấn đề ưu tiên cần triển khai nhanh từ nay đến cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Thứ nhất là sớm tiến hành tổng kết, nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp quận, huyện trong cả nước. Đây là một cơ chế tốt, được đánh giá cao, tuy nhiên việc nhân rộng triển khai còn hạn chế. Cho đến nay mới có 203/699 đơn vị hành chính cấp quận, huyện triển khai cơ chế này. Thông qua Đề án hỗ trợ nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại mà Bộ Nội vụ đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ để trong thời gian tới sẽ có thể nâng từ 203 lên 500 đơn vị cấp huyện triển khai cơ chế này.
Thứ hai là nhanh chóng triển khai Đề án cải cách công vụ, công chức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung triển khai cơ cấu công chức theo vị trí việc làm và đổi mới đánh giá công chức trên cơ sở kết quả làm việc.
Thứ ba là công bố Bộ chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) trong tháng 11/2012 để triển khai trong cả hệ thống hành chính từ năm 2013. Việc công bố Bộ chỉ số này sẽ theo dõi được mức độ hài lòng, sự giám sát của người dân về đội ngũ công chức nhằm giảm thói cửa quyền, hách dịch của một bộ phận cán bộ, công chức.
Thứ tư là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó cần có kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp đang có nhiều bức xúc như xây dựng, giao thông, tài chính, thuế quan, y tế, ngân hàng...
Cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan hành chính để đạt được các mục tiêu cụ thể đã xác định trong Chương trình cải cách hành chính 10 năm. Cụ thể như: xây dựng Cổng thông tin điện tử của các quận, huyện; tăng tỷ lệ gửi văn bản bằng thư điện tử để giảm bớt chi phí cho Nhà nước, đồng thời nâng dần mức độ minh bạch các thủ tục hành chính vì một nền công vụ quốc gia trong sạch, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Cục kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục công cuộc cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, giảm thiểu chi phí hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Nội vụ làm tốt vai trò là Cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, chủ động trong việc theo dõi, đôn đốc cải cách hành chính của các Bộ, địa phương, đề xuất các biện pháp cải cách hành chính, các vấn đề cần làm ngay có kết quả cụ thể.
Lê Sơn
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã