Theo các chuyên gia, Việt Nam có khả năng huy động 70 - 80 tỷ USD thông qua hình thức đầu tư PPP trong vòng 10 năm tới, nếu tạo được hành lang pháp lý phù hợp hơn - Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Ngày 12/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng ADB, Cơ quan phát triển Pháp, Bộ Phát triển Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo hoàn thiện dự thảo sửa đổi Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.
Theo Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay mới có 2 dự án PPP được chấp thuận về chủ trương đầu tư, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với vốn đầu tư 23.223 tỷ đồng và 15 dự án đang triển khai nghiên cứu.
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, nêu lên nhiều bất cập trong việc thí điểm triển khai mô hình đầu tư PPP thời gian qua như: chất lượng chuẩn bị dự án còn kém, vướng mắc trong việc lựa chọn lĩnh vực thí điểm và tiêu chí lựa chọn dự án; bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án…
Quy định giới hạn phần vốn tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP không quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án, mà không tính tới đặc thù của từng dự án, khiến một số dự án PPP tiềm năng, nhưng yêu cầu phần tham gia của Nhà nước vượt quá 30%, đã không được chấp nhận.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho rằng cần có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương tiêu chí lựa chọn dự án, lĩnh vực đầu tư không chỉ trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, mà còn bao gồm tất cả các các lĩnh vực phù hợp để đầu tư PPP.
Và theo dự thảo sửa đổi Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, thì phần vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP có thể được xác định tùy theo từng trường hợp và nhà đầu tư được hưởng thêm nhiều ưu đãi hơn; không có yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu, các bước thực hiện dự án PPP được quy định linh hoạt. Dự án đầu tư PPP được mở rộng lên 13 lĩnh vực, thay vì 9 lĩnh vực như hiện nay, trong đó có các lĩnh vực mới như: công sở, chợ, nghĩa trang, các công trình văn hóa, thể thao…
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là dự án PPP phải đảm bảo hiệu quả, có khả năng hoàn vốn cao, đủ sức hấp dẫn chủ đầu tư, từ đó, thu hút đầu tư khu vực tư nhân. Điều quan trọng nhất là đảm bảo đấu thầu công bằng, minh bạch hóa quá trình đấu thầu, vì vậy, quy định mới đang soạn thảo cần theo hướng tránh tối đa trường hợp “thông thầu”, hoặc không tổ chức đấu thầu cạnh tranh.
Văn Chính
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã