Học tập đạo đức HCM

Điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường giao thông

Chủ nhật - 12/10/2014 21:44
Thành công trong việc vận động người dân tự nguyện góp đất nông nghiệp, hiến đất thổ cư (gọi chung là góp- hiến đất) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn (GTNT) để xây dựng nông thôn mới (NTM) được UBND tỉnh Nam Ðịnh tổng kết thành bài học kinh nghiệm, chỉ đạo các địa phương thực hiện.
Giáo dân xứ đạo Hưng Nghĩa (Hải Hưng, Hải Hậu, Nam Định) tự nguyện hiến hơn 700m2 đất thổ cư xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 21. Ảnh: THÁI SƠN
Giáo dân xứ đạo Hưng Nghĩa (Hải Hưng, Hải Hậu, Nam Định) tự nguyện hiến hơn 700m2 đất thổ cư xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 21. Ảnh: THÁI SƠN


Qua đó, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) theo phương thức "Xây dựng NTM" đối với hai dự án cải tạo, nâng cấp hai tuyến quốc lộ 37B và 38B, đem lại kết quả cao. Nam Ðịnh trở thành điểm sáng trong cả nước về phong trào góp - hiến đất làm đường giao thông.

Từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Sau hơn ba năm (2011 - 2014) triển khai Chương trình xây dựng NTM, nông thôn Nam Ðịnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Trong số 96 xã của Nam Ðịnh tham gia xây dựng NTM, đã có 17 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; 100% số xã, thị trấn hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM. Một trong những tiêu chí cơ bản trong xây dựng NTM đó là quy hoạch, phát triển hệ thống GTNT nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân, tạo tiền đề để đưa máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ý thức được tầm quan trọng của tiêu chí này, nhiều người dân Nam Ðịnh đã tự nguyện góp - hiến đất phục vụ chương trình xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Tào ở thôn An Lãng, xã Trực Chính (Trực Ninh), người đã góp hàng trăm m2 đất nông nghiệp, tâm sự: "Ðây là việc nên làm. Tuy là nghĩa vụ của người dân đối với công việc chung của làng, xã nhưng bản thân, gia đình mình cũng được hưởng lợi từ các công trình này". Ðối với người nông dân "tấc đất" là "tấc vàng", nhiều hộ chỉ có mảnh đất, thửa ruộng làm kế mưu sinh, nhưng vẫn sẵn sàng góp - hiến một phần ruộng đất để làm đường và các công trình xây dựng NTM là một nghĩa cử rất đáng trân trọng.

Phong trào góp - hiến đất làm đường còn lan tỏa đến thánh đường của nhiều xứ, họ đạo trong tỉnh. Với cương vị là Linh mục Chánh xứ Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng (Hải Hậu), Linh mục Giu-se Ðỗ Văn Thực thường nhắc nhở giáo dân, việc xây dựng NTM đang được Ðảng và Nhà nước quan tâm, chính là để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Giáo dân trong xứ cần nhiệt thành hưởng ứng. Khi xã có chủ trương cải tạo, nâng cấp con đường ngang nối quốc lộ 21 vào khu dân cư, có hơn 60 hộ giáo dân bị ảnh hưởng về đất và các công trình kiến trúc trên đất. Ðích thân Linh mục Giu-se Ðỗ Văn Thực cùng Ban hành giáo đã tổ chức họp dân tại nhà mục vụ của giáo xứ Hưng Nghĩa để bàn bạc, thống nhất phương án giải quyết hợp lý nhất. Chỉ trong 15 ngày, các hộ dân đã tự tháo dỡ các công trình trong diện giải tỏa, tự nguyện hiến hơn 700 m2 đất thổ cư, bàn giao đủ diện tích mặt bằng cho đơn vị thi công. Bên cạnh đó, gia đình các giáo dân còn ủng hộ gần một tỷ đồng (trong đó giáo xứ Hưng Nghĩa ủng hộ 200 triệu đồng) để xây dựng tuyến đường NTM kiểu mẫu của xã Hải Hưng. Trong những ngày đi vận động giáo dân làm đường, linh mục Giu-se Ðỗ Văn Thực càng thấm thía sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Sức mạnh của lòng dân càng được phát huy cao độ khi mọi công việc đều được thực hiện theo phương châm "Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra và dân hưởng thụ".

Kết quả trong hơn ba năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, nhân dân trong tỉnh đã góp hơn 2.809 ha đất nông nghiệp (tương đương 5.618 tỷ đồng), hiến gần 200ha đất thổ cư (tương đương 1.000 tỷ đồng). Trong đó có 158 hộ góp đất nông nghiệp từ 350 m2 trở lên, 66 hộ hiến đất thổ cư từ 150 m2 trở lên. Các địa phương trong tỉnh còn kết hợp nhiều nguồn vốn, nhất là vốn đóng góp của nhân dân trong Chương trình xây dựng NTM để nâng cấp, cải tạo gần 5.000 km đường GTNT; 5.607 cầu, cống dân sinh; 5.319 km đường nội đồng, trong đó cứng hóa được 1.200 km với tổng kinh phí khoảng 6.130 tỷ đồng; 100% số xã, thị trấn trong tỉnh có đường ô-tô đến trụ sở UBND được láng nhựa hoặc bê-tông; 83% số xã, thị trấn có đường thôn, xóm được nhựa hóa, bê-tông.

Ðể có được kết quả đó, Nam Ðịnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc. Trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu cao nhất của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Từ đó vận động mọi người cùng chung tay góp sức xây dựng NTM với phương châm "Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra và dân hưởng thụ", lấy chi bộ đảng, xóm (thôn) ở cơ sở làm nòng cột; gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Bí thư chi bộ xóm 5, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) Dương Văn Hùng cho biết, nhiệm vụ này được cơ sở triển khai khá bài bản, chi bộ ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, phân công đảng viên phụ trách từng phần công việc và nhóm hộ dân. Ðồng thời thành lập Tiểu ban tuyên truyền do bí thư chi bộ, trưởng xóm phụ trách, mời các vị có uy tín trong xóm, trong các dòng họ cùng tham gia. Trong các buổi họp dân, thành viên của Tiểu ban tuyên truyền phát biểu ý kiến định hướng để nhân dân bàn bạc, thảo luận theo đúng chủ đề. Kết quả cuộc họp được phổ biến lồng ghép với nội dung sinh hoạt của các chi hội Người cao tuổi, Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ... Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nếu có hộ dân nào còn băn khoăn, chưa thực sự thông suốt trong tư tưởng đều được bí thư chi bộ, trưởng xóm cùng thành viên của Tiểu ban tuyên truyền trực tiếp gặp gỡ, chỉ ra "những điều hơn, lẽ phải", động viên họ tham gia cùng tập thể.

Ðến phong trào hiến đất làm quốc lộ

Thành công trong việc vận động người dân tự nguyện góp - hiến đất xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đường GTNT để xây dựng NTM được UBND tỉnh Nam Ðịnh tổng kết thành bài học kinh nghiệm, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo phương thức "Xây dựng NTM" đối với hai dự án cải tạo, nâng cấp hai tuyến quốc lộ 37B, 38B, đem lại kết quả cao. Phát biểu ý kiến tại lễ khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 38B tại Nam Ðịnh, hồi đầu tháng 3-2014, Thứ trưởng Giao thông vận tải Trương Tấn Viên đánh giá cao việc GPMB của tỉnh Nam Ðịnh, nơi có tuyến quốc lộ 38B đi qua, đồng thời nhấn mạnh, đây là Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ đầu tiên trong cả nước được khởi công khi cơ bản có mặt bằng sạch. Mô hình này cần được tổng kết, đúc kết thành bài học kinh nghiệm.

Ðược biết, trước khi khởi công, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở ở những nơi có tuyến đường đi qua đã khẩn trương vào cuộc tập trung tuyên truyền, vận động gần 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng tự nguyện tháo dỡ các vật kiến trúc, giải tỏa hành lang đường bộ và tự nguyện góp- hiến đất bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Các chủ công trình công cộng như điện lực, viễn thông, nước sạch... cũng chủ động phối hợp chủ đầu tư, các địa phương tự lo kinh phí và tổ chức di chuyển kịp thời các công trình bị ảnh hưởng ra ngoài phạm vi chỉ giới GPMB. Ðến nay, hai huyện Vụ Bản, Ý Yên đã bàn giao 98% mặt bằng cho các đơn vị thi công.

Theo Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Phạm Xuân Quyết, đây là việc làm rất khó, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao trong chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cùng sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của cả hệ thống chính trị. Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ chủ trương mang tính đặc thù của tỉnh Nam Ðịnh. Trong quá trình triển khai, cán bộ phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những phát sinh bất lợi; chú ý đến từng đối tượng để ứng xử thấu đáo lý, tình. Ðối với những gia đình chính sách, cô đơn, neo người thì động viên các tổ chức đoàn thể xã hội, các đơn vị thi công hỗ trợ trong việc tháo dỡ và xây dựng lại các công trình kiến trúc. Hoặc những hộ dân có nhiều đất, nhiều tài sản trên đất phải GPMB thì cán bộ chủ động gặp gỡ, động viên để họ yên tâm, vui vẻ cùng thực hiện. Theo đó, huyện Vụ Bản đã giao gần 6.000 m2 đất (trong đó có 2.543 m2 đất thổ cư) của 595 hộ dân dọc hai bên quốc lộ 38B cho các đơn vị thi công, theo phương thức "Xây dựng NTM", không để xảy ra bất kỳ một đơn thư khiếu nại, tố cáo nào.

Kết quả này, còn thể hiện sinh động trong quá trình thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến quốc lộ 37B vừa hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian gần đây. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông (Sở Giao thông vận tải Nam Ðịnh) Nguyễn Văn Nhiễm cho biết, toàn tuyến quốc lộ 37B qua tỉnh Nam Ðịnh dài 63,5km, đến nay đã được cải tạo và nâng cấp về đường. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, có 5.264 hộ dân của 30 xã, thị trấn thuộc sáu huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên và Vụ Bản dọc hai bên đường đã tự nguyện góp - hiến hơn 258 nghìn m2 đất, tự giải tỏa hành lang, vật kiến trúc để giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Qua đó, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, giảm quy trình GPMB tới mức thấp nhất, tạo điều kiện cho các nhà thầu rút ngắn thời gian thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình.

Với 187 hộ dân nằm ở khu vực thị tứ của xã nên khi triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37B tại khu vực này, có tới 60% số hộ dân của xóm 5, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) bị ảnh hưởng, phải GPMB, tháo dỡ các công trình kiến trúc, giải tỏa hành lang giao thông. Với suy nghĩ "mưa dầm, thấm lâu", các đồng chí cán bộ, đảng viên trong chi bộ đến từng nhà vận động, thuyết phục bà con trong xóm chung tay xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực. Chi bộ xóm thành lập tổ tháo dỡ (gồm cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực) để hỗ trợ các gia đình trong diện GPMB khi họ có nhu cầu. Vì vậy, chỉ trong hai ngày, xóm 5, xã Nghĩa Minh cơ bản hoàn thành việc GPMB, bàn giao mặt bằng "sạch" cho đơn vị thi công. Bài học kinh nghiệm được Bí thư chi bộ Dương Văn Hùng đúc kết là, trong lãnh đạo, chỉ đạo không được nóng vội, chủ quan; đồng thời phải thật khách quan, công tâm, công khai; lấy tuyên truyền, vận động làm chính.

Trở lại thị trấn Gôi (Vụ Bản) chúng tôi gặp chị Trần Thị Hiền, một trong những người tự nguyện hiến một phần đất "hương hỏa" của tổ tiên để làm đường. Chị tâm sự, gia đình chị ở trên mảnh đất này từ bao đời nay. Khi chính quyền vận động hiến đất, mọi người trong gia đình đã họp bàn với nhau. Thú thực, lúc đầu cũng có người còn đắn đo, cân nhắc. Nhưng suy đi, tính lại, nếu cứ đòi hỏi bồi thường, đền bù này nọ thì biết đến bao giờ mới có đường mới. Trong khi đó con đường cũ đã hư hỏng nặng, mọi người trong khu vực đều phải sống trong cảnh "nắng bụi, mưa lầy", thương nhất là các cháu học sinh hằng ngày phải mấy bận đi về trên con đường này. Vì thế, mọi người trong gia đình chị đều thống nhất hiến đất để làm đường.

Cứ thế, những con đường, những cây cầu mới "từ lòng dân" như nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân Nam Ðịnh, đóng góp không nhỏ vào sự đổi mới của quê hương, đất nước hôm nay. Việc người dân tự nguyện góp - hiến đất để làm đường GTNT, quốc lộ phục vụ lợi ích cộng đồng, ở Nam Ðịnh cần được phát huy và nhân rộng.

Lan Sơn
Nguồn nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập733
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại742,758
  • Tổng lượt truy cập93,120,422
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây