Học tập đạo đức HCM

Xây dựng các Làng Thanh niên lập nghiệp

Thứ sáu - 11/05/2012 22:31
Từ năm 2006 đến tháng 4-2012, đã có 1.256 hộ gia đình trẻ đến lập nghiệp tại các Làng Thanh niên lập nghiệp do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương phối hợp xây dựng với 3.678 nhân khẩu 926 người dân tộc thiểu số, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.270 lao động và hơn 1.300 lao động thời vụ trên địa bàn. Những kết quả bước đầu nêu trên cho thấy tính đúng đắn và thiết thực của Làng Thanh niên lập nghiệp. Tuy nhiên, còn nhiều việc cần làm để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả.


 Ðịa chỉ đỏ của thanh niên nông thôn
Anh Nguyễn Trọng Cảnh, Trưởng ban quản lý Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Na Ngoi, nằm dưới chân Pu xai Lai leng ở phía Tây Nam, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: Làng được T.Ư Ðoàn đầu tư 29 tỷ đồng, hoạt động vào cuối tháng 3- 2009. Ngày đầu, các hộ gia đình trẻ lên cắm lều, dựng trại vừa xây dựng cơ sở hạ tầng và bắt tay triển khai ngay dự án thí điểm nuôi cá hồi, trồng hoa ly và làm ruộng nước, trồng rau màu... ở các bản Kà Trên, Kà Dưới, Buộc Mú, Xiềng Xí và Tằng Phăn. Chủ tịch xã Na Ngoi Lầu Bá Chồng nói: "Người Mông ta bao đời nay chỉ biết phát đốt rừng, chọc lỗ tra hạt, không biết làm ruộng nước, không biết mặt con cá. Nay nhờ có Làng TNLN hướng dẫn đã biết cách trồng rau, trồng lúa, chăn nuôi lợn gà... theo tiến bộ kỹ thuật nên có của ăn của để, no cơm, ấm áo... Như gia đình  Lầu Nỏ Khư, bản Kà Trên, người đầu tiên học theo Làng TNLN khai hoang 1,5 ha ruộng, trồng đậu, bí, bắp cải, su hào vừa qua bán thu nhiều tiền, vui lắm!

Từ việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tại vùng biên giới đặc biệt khó khăn, đến nay, một số giống cây, con phù hợp thổ nhưỡng ở đây như chè ô long, chè san tuyết, bí đao, khoai sọ cao sản, gà đen... đã bước đầu đem lại hiệu quả. Năm 2011, Làng TNLN Na Ngoi tổ chức các hộ chăn nuôi hai nghìn con gà đen, thu nhập từ các loại rau, đậu, bắp cải, mướp đắng, bí xanh... gần 150 triệu đồng. Riêng lứa hoa ly 16 nghìn gốc ở Na Ngoi đã xuất ra thị trường vào dịp Tết Nguyên Ðán 2012 doanh thu 500 triệu đồng. Ðến nay, Làng đã trồng được 120 ha chè san tuyết, khai hoang trồng 25 ha lúa hai vụ, mỗi năm trồng từ 15 nghìn đến 20 nghìn gốc hoa ly. Nuôi cá hồi, gà đen, lợn Mông... và nhiều loại rau màu trái vụ khác có giá trị kinh tế cao thu nhập bình quân hơn 34 triệu đồng/hộ/năm, gấp 2,5 lần thu nhập bình quân các hộ chung quanh. Nói về Làng TNLN Na Ngoi, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn, Vi Hải Thành cho biết: "Huyện rẻo cao Kỳ Sơn là một trong những huyện nghèo nhất nước. Thời gian gần đây cùng với sự ra đời của Làng TNLN Na Ngoi đã thí điểm thành công một số loại cây, con có giá trị kinh tế cao như: chè san tuyết, cây dong riềng, gừng, khoai sọ, hoa ly, nuôi gà đen, bò, dê, lợn Mông, cá hồi và khai hoang thâm canh ruộng nước... Sự thành công bước đầu của "cây" và "con" xóa nghèo này đã nhen lên ngọn lửa làm giàu của bà con người Mông, Khơ Mú... trên địa bàn Kỳ Sơn".

Làng TNLN biên giới Mô Rai (Kon Tum) được thành lập muộn nhất trong số các Làng TNLN trong cả nước (tháng 10-2008). Qua hơn bốn năm triển khai thực hiện đề án xây dựng Làng TNLN, đến nay, Tổng đội thanh niên Kon Tum đã tiếp nhận được 80 hộ gia đình, gồm có 179 khẩu, có 124 lao động chính và 55 trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, trong đó có 16 hộ gia đình thanh niên người dân tộc thiểu số. Các hộ gia đình lập nghiệp tại làng được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn 193 của Chính phủ, 20 triệu đồng của Tập đoàn cao-su Việt Nam không tính lãi. Mỗi hộ được cấp 1.000 m2 gắn với nhà ở; được giao khoán trồng, chăm sóc và thu hoạch (tùy theo khả năng) để bảo đảm có thu nhập tối thiểu bước đầu từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Triển khai dự án, Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) Kon Tum đã liên doanh liên kết với Công ty cổ phần cao-su Sa Thầy và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum chuyển đổi mục đích sử dụng đất được giao để trồng cao-su. Từ năm 2009 đến 2011, đã trồng được 415 ha cao-su. Toàn bộ số diện tích này đã được giao cho các hộ gia đình thanh niên, mỗi hộ nhận khoán từ 10 đến 15 ha. Thu nhập trước mắt và lâu dài của các hộ là chăm sóc cao-su trên diện tích nhận giao khoán cao-su. Theo kế hoạch, năm 2012 này, Tổng đội đã liên kết với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng mới khoảng hơn 700 ha cao-su. Số diện tích cao-su này cũng sẽ được giao cho các hộ gia đình của Làng Thanh niên chăm sóc.

Ngoài các quyền lợi gắn kết trên, để cho các hộ gia đình có cuộc sống ổn định lâu dài tại khu vực Làng thanh niên, Tổng đội TNXP đã trình và xin Ban thường vụ Tỉnh Ðoàn Kon Tum tổ chức trồng cao-su tiểu điền đồng thời khuyến khích hộ gia đình đội viên thanh niên tận dụng tối đa diện tích đất bờ lô, đất bán ngập (không trồng được cao-su) để trồng hoa màu xen canh phát triển kinh tế gia đình như: đào ao nuôi cá, trồng ngô, bí, sắn... với diện tích từ 2.000 m2 đến 3.000 m2/hộ, đã mang lại hiệu quả. Làng đã thành lập được một chi bộ ba đảng viên hiện đang sinh hoạt cùng với Chi bộ của cơ quan Tỉnh Ðoàn; thành lập một chi đoàn gồm 150 đoàn viên...

Tổng đội TNXP xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn thành lập năm 2003 và được tỉnh Hà Tĩnh giao quản lý 3.631,7 ha rừng, trong đó có gần 2.100 ha rừng sản xuất tại địa bàn hai xã biên giới Sơn Kim 2 và Sơn Tây thuộc huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Anh Nguyễn Tiến Trình, phụ trách kinh tế của Tổng đội TNXP Tây Sơn cho biết: Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, tổng đội đã thu hút được 187 gia đình đội viên với 568 nhân khẩu ở các huyện miền xuôi lên lập nghiệp ở vùng biên phía tây của tỉnh. Từ vùng rừng núi hoang vu, đi lại cực kỳ khó khăn, đến nay, Tổng đội đã tạo dựng được một cơ ngơi khá đàng hoàng về hạ tầng kỹ thuật. Ðiều đáng nói, phần lớn các gia đình đội viên thanh niên khi lên vùng kinh tế này đều hai bàn tay trắng, nhưng nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, nên đã nhanh chóng phát huy thế mạnh về đất rừng. Ðến nay, các hộ đội viên đã khai hoang, trồng mới 130 ha chè, 700 ha cây keo, cùng nhiều mô hình kinh tế trang trại và gia trại. Bước đầu, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động thường xuyên và thời vụ.

Tiếp tục nhân rộng Làng Thanh niên lập nghiệp

Ðể tiếp tục phát huy vai trò của mình trong thực tế cuộc sống, các Làng TNLN cần tập trung giải quyết những khó khăn chung và riêng. Làm việc với chúng tôi về mô hình này, các anh chị của Ban TNXP T.Ư Ðoàn, đơn vị thường trực của Dự án Làng TNLN cho biết: Các làng thường được xây dựng tập trung ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại, vận chuyển hết sức khó khăn. Các hộ gia đình tham gia lập nghiệp chủ yếu là thanh niên nghèo, thiếu việc làm, thiếu kiến thức trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Phần lớn các dự án ở khu vực có địa hình phức tạp, nhiều nơi khó áp dụng biện pháp khai hoang đất sản xuất bằng phương tiện cơ giới, trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ khai hoang đất sản xuất theo quy định còn rất thấp.  Dự án Làng TNLN là dự án đa mục tiêu, tổng hợp sử dụng nhiều ngành vốn, ngân sách đầu tư hằng năm cho các dự án còn hạn chế. Mặt khác, một số dự án được triển khai trong ba - bốn năm, nên chưa thể đánh giá đầy đủ hiệu quả sản xuất đối với cây trồng có chu kỳ dài ngày như cây cao-su, rừng trồng sản xuất.

Một số dự án chưa nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành địa phương nên còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí đất ở, đất sản xuất cho thanh niên lên lập nghiệp. Một số địa phương còn lúng túng trong việc duy trì và phát triển mô hình sau khi Trung ương Ðoàn kết thúc đầu tư, do đó sẽ khó khăn trong việc quản lý và tổ chức hoạt động cho các Làng TNLN.

Tại Kon Tum, sau hơn bốn năm triển khai, Làng thanh niên Mô Rai ở Kon Tum chỉ tương đương với một làng kinh tế mới thành lập. Do làng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới (cách thành phố Kon Tum khoảng hơn 100 km, cách UBND xã khoảng 30 km), điều kiện đi lại còn hết sức khó khăn; chỉ đi lại được vào mùa khô, cách xa khu dân cư bản địa nên mọi sinh hoạt đều khó khăn, đắt đỏ. Bên cạnh đó,  khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng tới sức khỏe các đội viên, bệnh sốt rét hoành hành... cho nên có một số thành viên là thanh niên người dân tộc thiểu số bỏ làng lập nghiệp. Phần đông thanh niên tình nguyện vào làng là thanh niên nghèo, lại không được hỗ trợ vay vốn nên nhiều hộ gặp khó khăn trong việc tăng gia mở rộng sản xuất. Tổng đội TNXP Kon Tum Võ Văn Vinh cho biết: So với mục tiêu đề ra, đến nay làng mới tuyển chọn được một nửa chỉ tiêu số hộ. Nguyên nhân chậm là do tiến độ chuyển đổi đất rừng sang trồng cao-su chậm. Ðồng thời, nguồn vốn vay theo cam kết của ngành cao-su chuyển sang chậm nên thiếu vốn làm nhà. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Làng TNLN Kon Tum là chưa tìm được nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ gia đình vay để phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi, vườn... nên trong thời gian qua các hộ gia đình thanh niên thu nhập chủ yếu là tiền công từ việc nhận khoán trồng, chăm sóc cao-su và trồng xen canh được một số loại cây ngắn ngày. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý dự án chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có kinh nghiệm nhiều trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh.

Cùng nỗi băn khoăn đó, các anh chị tại làng Tây Sơn cho biết: Con đường phát triển của đơn vị còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhất là việc thiếu nguồn vốn. Các địa phương Sơn Tây, Sơn Kim 2 cùng huyện Hương Sơn cần sớm quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường, chợ, trường học...) theo chương trình nông thôn mới gắn với sự phát triển của Tổng đội TNXP Tây Sơn. Với nguồn quỹ đất lớn và mô hình liên doanh liên kết phát triển kinh tế, xã hội khá hợp lý, Tổng đội TNXP Tây Sơn cần có quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn hình thành một xã (mới) trong tương lai gần...

Nguồn: nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập117
  • Hôm nay24,450
  • Tháng hiện tại1,105,333
  • Tổng lượt truy cập92,279,062
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây