Dẫn chúng tôi đi thăm những tuyến đường mới được bê tông hóa sạch, đẹp, ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến cho biết: “Vài năm trở lại đây, sau khi có chủ trương của huyện, tỉnh hỗ trợ xi măng, phong trào hiến đất, góp công làm đường giao thông NTM đã diễn ra sôi nổi ở khắp các thôn xóm thuộc các xã trên địa bàn huyện. Nhân dân vừa hiến đất, góp tiền, ngày công lao động, vừa kêu gọi sự ủng hộ của con em làm ăn xa quê để tạo thêm nguồn kinh phí”.
Điều đáng nói, dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân không vì thế mà trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước. Ngay sau khi xã phát động, các thôn xóm đã tổ chức họp dân đưa ra phương án bàn bạc đóng góp kinh phí, ngày công, kêu gọi hiến đất…
Đồng thời để giảm gánh nặng cho những hộ còn khó khăn, thôn đã huy động đóng góp theo từng đợt. Những hộ chính sách, đặc biệt khó khăn đều có chính sách thoả đáng, được người dân đồng tình cao.
Gia đình bác Nguyễn Đình Chung, Chi hội trưởng Hội Cựu Chiến binh xóm Hoàng Diệu, một trong những hộ dân đi đầu trong việc tự nguyện hiến đất và đóng góp nhiều ngày công để làm đường, chia sẻ: “Gia đình tôi tự nguyện tháo dỡ gần 5m hàng rào kiên cố, 2 công trình phụ, hiến toàn bộ 40 m đất mặt tiền. Mất đất tôi cũng có chút tiếc nuối ban đầu, nhưng đổi lại, cả thôn có được con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ nên ai cũng vui, ca ngợi việc làm của gia đình tôi”.
Anh Nguyễn Văn Phổ, một hộ dân trong thôn cho biết: “Phía trước nhà của tôi có hộ gia đình chị Loan phải phá dỡ cổng nhà, mái che, trị giá công trình gần 200 triệu đồng. Nhà tôi cũng như một số hộ gia đình khác nằm ở phía sau nhưng vì đều được hưởng lợi, nên đã tổ chức quyên góp hỗ trợ cho nhà chị Loan 20 triệu đồng để vơi bớt khó khăn”.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến động viên bà con xây dựng đường liên thôn.
Cũng theo ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tiến, để giảm sức đóng góp cho dân khi xây dựng công trình mương thoát nước ở hai bên đường, xã đứng ra tín chấp với công ty gạch ngói trên địa bàn cho dân ứng gạch về xây trước, thanh toán tiền vào cuối năm hoặc sau khi thu hoạch mùa.
Nhờ cách làm phù hợp, động viên và sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân, năm 2017, xã Kỳ Tiến đã đạt 12/19 tiêu chí NTM. Bên cạnh nguồn lực của địa phương, xã đã vận động nhân dân đóng góp làm được 4km đường bê tông, 4,5 km rãnh thoát nước, hơn 1km kênh mương bê tông; xây dựng mới 5 nhà văn hóa thôn, hơn 10 km hàng rào cây xanh.
Nhân dân hiến hơn 4000 m2 đất để mở rộng các tuyến đường. Đặc biệt số tiền xã huy động để xây dựng giao thông nông thôn mới đạt 19 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 7,8 tỷ đồng, (3,9 tỷ đồng tiền mặt và ngày công, vật tư quy tiền), số còn lại từ ngân sách xã, huyện và tiền huy động từ các chương trình dự án trên địa bàn.
Ở xã Kỳ Phú, phong trào làm đường cũng diễn ra sôi nổi không kém.Ông Trần Đình Hậu - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú chia sẻ: “Tuyến đường trục chính của xã có chiều dài 7,2 km chạy qua 6 thôn trên tổng số 8 thôn toàn xã.
Trong năm 2017, xã đã làm được 4,1 km. Với cơ chế hỗ trợ xi măng, xã chịu kinh phí làm nền và đá cát, nhân dân thôn đóng góp để đổ bê tông với hình thức hộ có điều kiện góp tiền, hộ khó khăn về kinh tế thì đóng góp công sức”. Khi phong trào được khởi xướng, người dân đồng tình hưởng ứng rất cao, bởi con đường được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong đi lại, vận chuyển hàng hóa.
ông Trần Đình Hậu cho biết thêm, từ cách làm trên, tuyến đường trục chính của xã Kỳ Phú được xây dựng nhanh, chất lượng cao, lại tiết kiệm được ngân sách. Cụ thể, với tổng kinh phí do nhân dân xây dựng 1 km khoảng dưới 1,5 tỷ đồng, nhưng nếu theo cách tính của dự toán đầu tư xây dựng thì 1 km sẽ lên tới khoảng 2,3 tỷ đồng.
Để giúp các thôn nắm được các mặt về xây dựng cơ bản trong NTM, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kỳ Anh thường xuyên phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên đề cho từng xã về thiết kế, thi công, giám sát…Qua đây hướng dẫn cho bà con cách chọn vật liệu, kỹ thuật trộn và thi công trực tiếp tại tuyến đường làm mẫu, phương pháp theo dõi quá trình thi công xây dựng đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ, thuật...
Ông Nguyễn Tiến Hùng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh rất tâm đắc khi được hỏi về nguyên nhân thành công của địa phương trong xây dựng giao thông nông thôn.
Ông nói: “Nhờ làm tốt quy chế dân chủ cơ sở nên đã tạo được động lực mạnh mẽ từ nhân dân, xây dựng vượt chỉ tiêu, tiến độ mà vẫn đảm bảo tốt chất lượng. Sau khi tách huyện, hạ tầng ở Kỳ Anh vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng bằng nhiều biện pháp linh hoạt, động viên được sức mạnh của lòng dân nên hiện nay, giao thông nông thôn ở Kỳ Anh đã đạt nhiều thành quả rất đáng trân trọng"
Khi ý Đảng gắn với nguyện vọng của người dân, có cách làm đúng, khơi dậy được mọi năng lực tiềm ẩn trong dân thì mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng làm được. Bài học thành công về xây dựng giao thông nông thôn ở Kỳ Anh nói lên rất rõ điều đó.
Theo Trần Phong/congluan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã