Cây ngô tuy thuộc họ hòa thảo, cùng họ hàng với cây lúa, nhưng thân không rỗng như lúa. Có lẽ vì vậy mà ngô cần nhiều nước, nhưng không sống được trong ruộng có nước. Lúc còn nhỏ chỉ cần đất thừa ẩm đã có thể gây hại cho sinh trưởng của ngô, thậm chí cây sẽ chết. Ở cây ngô, bộ phận thu hoạch để làm lương thực là bắp ngô đóng ở giữa lưng chừng thân, không phải nằm ở trên đầu ngọn như cây lúa.
Có một đặc điểm quan trọng và khác với cây lúa là ngô hoạt động quang hợp thuộc nhóm thực vật C4. Thực vật nhóm này có sản phẩm quang hợp đầu tiên có 4 gốc các bon, không phải 3 các bon như ở cây lúa. Đặc điểm này vô cùng quan trọng, làm cho ngô có khả năng tạo năng suất sinh vật và năng suất kinh tế cao hơn lúa, trong cùng một khoảng thời gian sinh trưởng.
Năng suất ngô cao hơn lúa là nhờ cường độ quang hợp ở cây ngô lớn hơn cây lúa. Mặt khác để có năng suất sinh vật và năng suất kinh tế cao như vậy, ngô cần được cung cấp một lượng dinh dưỡng cũng cao hơn lúa. Ví dụ, một ruộng ngô cho ta 10 tấn hạt, cây lấy đi khoảng 269 kg N, 111 kg P205 và 269 kg K20, cùng với 56 kg Mg, 34 kg S, 19 kg Cl. Trong lúc đó để đạt 10 tấn lúa có độ ẩm 14%, cây lúa lấy đi khoảng 160 - 180 kg N + 30 - 40 kg P205 và 18 - 210 kg K20/ha.
Nhưng khi khuyến cáo lượng phân bón cho ngô thì không phải chất gì, cây lấy nhiều ta phải bón nhiều, mà còn căn cứ vào khả năng cung cấp từ đất cho cây để bón. Ví dụ, với giống ngô chín trung bình và muộn, trên đất phù sa, ngoài 8 - 10 tấn phân chuồng hoai, cần bón 150 - 180 kgN (326 - 391 kg ure), 70 - 90 kg P205 (430 - 560 kg super lân hay lân nung chảy) và 80 - 100 kg K20 (133 - 167 kg phân kali/ha). Trên đất bạc màu thì lượng kali khuyến cáo bón tăng lên khoảng 50%.
Nguyên tắc bón phân cho ngô là dựa trên nhu cầu cây lấy đi bao nhiêu chất dinh dưỡng, ta cần bù lại số chất dinh dưỡng tương đương để duy trì độ phì nhiêu của đất, làm cho năng suất vụ sau không bị sút giảm so với vụ trước.
Trong các khuyến cáo nói trên, ngoài phần gốc ngô còn lưu lại trong ruộng sẽ tiếp tục trả lại chất hữu cơ và một phần chất khoáng thì bón thêm 8 - 10 tấn phân chuồng cũng sẽ đóng góp thêm chất hữu cơ và khoáng với số lượng tổng số khá lớn.
Vì vậy, lượng phân nguyên chất cả N, P và K khuyến cáo bón thêm sẽ dựa trên lượng sản phẩm ta dự định cần phải đạt để có thể đạt năng suất 6 - 7 tấn ngô hạt trên diện tích rộng. Trên đây là khuyến cáo lượng phân bón từ phân đơn (ure, super lân và kali).
Trong thực tế nhiều nông dân có phân gì bón phân đó, nhiều khi phối hợp phân đơn với phân NPK mà không nắm vững hàm lượng dinh dưỡng có trong từng loại phân, nên số lượng và tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng rất khác nhau, dẫn đến lãng phí phân mà năng suất không cao, có khi đạt năng suất cao nhưng chi phí phân khá lớn, làm giảm hiệu quả kinh tế mà môi trường thêm ô nhiễm.
Để phục vụ SX ngô ở vùng đồng bằng ở miền Bắc, Bình Điền đã SX 2 chủng loại Ngô 1 và Ngô 2, được nông dân sử dụng rất tốt. Ví dụ, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, năm 2006 nông dân sử dụng nền phân bón 400 kg phân chuồng + 20 kg phân lân + 16 kg phân ure và 7 kg phân kali/sào 500 m2. Tính ra tương đương với 204 kg N + 92 kg P205 và 117 kg K20/ha; tổng cộng NPK là 413 kg.
Còn nền phân Đầu Trâu dùng 2 chủng loại Ngô 1 và Ngô 2, cũng bón 400 kg phân chuồng, 22 kg phân ngô 1 và 10 kg phân ngô 2/500 m2. Tính ra tương đương với 146 kg N + 85 kg P205 và 87 kg K20/ha. Tổng NPK là 318 kg/ha, thu được năng suất là 5,67 tấn ngô hạt/ha, cao hơn đối chứng là 640 kg ngô hạt/ha và lời rồng tăng hơn đối chứng là 2.279.600 đồng/ha.
Hiện Bình Điền còn có nhiều loại phân khác như NPK tăng trưởng 19-12-6+TE rất thích hợp cho các giai đoạn sinh trưởng ban đầu của ngô, dùng để bón lót và thúc lúc cây còn non. Khi bón lót, chỉ sử dụng khoảng 150 kg/ha (15 kg/1.000 m2), bón phân theo hàng, sau đó lấp lớp đất mỏng rồi trỉa hạt để hạt ngô không tiếp xúc với phân khi mọc mầm.
Ở các tỉnh miền Bắc dùng Đầu Trâu bón lót để bón trước khi gieo. Bón thúc lần 2 cũng dùng loại phân Đầu Trâu tăng trưởng, cần bón sớm khi ngô cho 4-6 lá, lượng bón khoảng 250 - 300 kg/ha (20 - 30 kg/1.000 m2). Bón vào rảnh rồi vun đất cho gốc, tránh bón quá sát gốc làm xót cây.
Loại NPK chắc hạt 16-6-19+TE thích hợp cho bón thúc lần cuối, tức là lúc ngô đã chuẩn bị xoắn nõn, phân hóa cờ, lượng bón khoảng 250 - 300 kg/ha (25 - 30 kg/1.000 m2). Cách bón cũng như lúc bón thúc lần thứ 2.
Về liều lượng, số lần bón có ghi cụ thể trên bao bì, bà con đọc kỹ trước khi sử dụng. Mức khuyến cáo trên là sử dụng chung cho giống trung bình đến chín muộn và cho vùng đất rộng lớn. Với các ô thửa cụ thể, bà con kết hợp kinh nghiệm của vụ trước, năm trước, để gia giảm cho phù hợp.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;