|
Công nghệ blockchain được ứng dụng trong nhiều ngành, trong đó có nông nghiệp. Ảnh minh họa: qtsc.vn |
Đây cũng là một đề tài được giới chuyên gia công nghệ trong nước bàn thảo sôi nổi từ bàn hội nghị cho đến bàn cà phê công nghệ với bạn bè, sinh viên chuyên ngành công nghệ. Họ cho rằng công nghệ Blockchain sẽ giữ vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ông Vũ Mạnh Hoàng, kiến trúc sư về giải pháp phần mềm thuộc công ty IBM Việt Nam, cho biết Blockchain là công nghệ chuỗi khối chạy trên nền dịch vụ công nghệ điện toán đám mây, được áp dụng trên thế giới từ năm 2015 và đang dần phổ biến tại Việt Nam.
Nhiều sự kiện dồn dập
“Blockchain Festival Vietnam” do Huobi – một trong những nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong lĩnh lực Blockchain – tổ chức trong hai ngày 24 và 25-5 tại TPHCM có lẽ là một trong những sự kiện mới nhất có liên quan đến công nghệ gây sốt trên toàn cầu và cũng nóng không kém ở Việt Nam gần đây: Blockchain. Huobi cho biết, sự kiện nhằm kết nối những chuyên gia hàng đầu trong công nghệ Blockchain tại Việt Nam và thế giới.
Trước đó, vào cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đã thành lập chi hội Blockchain. Lý do, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, Blockchain với sức ảnh hưởng của nó sẽ khuấy động các công ty Việt Nam trong tương lai và việc thành lập chi hội Blockchain là điều rất cần thiết vào lúc này nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ Blockchain trong các hoạt động kinh tế. Theo sự dự kiến, chi hội sẽ ra mắt vào dịp Hiệp hội tổ chức cuộc hội thảo “Blockchain: từ công nghệ tới chính sách” ở Hà Nội vào ngày 8-6 tới đây.
Cũng theo ông Hưng, chi hội Blockchain sẽ đảm nhận các công tác tư vấn, đại diện các doanh nghiệp đưa ra các ý kiến phản biện các chính sách và quy định mới của pháp luật có liên quan, nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain vào hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Ngoài ra, chi hội còn chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ sở tổ chức các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nghiên cứu và làm các ứng dụng từ công nghệ Blockchain này đồng thời hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan tới ứng dụng và phát triển Blockchain.
Trước chi hội Blockchain, câu lạc bộ Blockchain trực thuộc Infinity Blockchain Labs – một công ty nghiên cứu và phát triển các dịch vụ công nghệ trung gian và điều tiết (RegTech) áp dụng công nghệ Blockchain và hỗ trợ những dự án Blockchain mới mở – cũng đã được thành lập. Câu lạc bộ này hướng tới việc tạo dựng nền tảng kiến thức và nhân rộng sự ảnh hưởng tích cực của việc ứng dụng Blockchain. Được biết, Infinity Blockchain Labs đã có kế hoạch đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong việc nghiên cứu và phát triển Blockchain. Để thực hiện kế hoạch này, đầu tháng 3 vừa qua Infinity Blockchain Labs và Lina. Review đã tổ chức Tuần lễ Blockchain Việt Nam với hơn 2.500 khách tham dự từ các nước trên thế giới. Sự kiện cung cấp cái nhìn toàn cảnh về Blockchain, từ hiện trạng các chính sách, ứng dụng và tác động của Blockchain vào các ngành công nghiệp.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng đây là công nghệ điển hình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với khả năng có thể thay đổi cơ bản ngành dịch vụ ngân hàng - tài chính trong những năm sắp tới. Đã có một cuộc hội thảo hai ngày về công nghệ Blockchain do ngân hàng này và Ngân hàng Phát triển Á châu cùng tổ chức vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Giới chuyên gia cho rằng nhìn vào tần suất các sự kiện lớn nhỏ về Blockchain trong suốt năm tháng qua cũng đủ thấy được sức nóng của Blockchain đối với giới công nghệ Việt như thế nào.
Việt Nam có tiềm năng về Blockchain
Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển Blockchain trên phạm vi toàn cầu là lời nhận định của ông Kimble Ngo, nhà sáng lập Amp Marketing Blockchain, ở sự kiện tuần lễ Blockchain Việt Nam nói trên. Ông Kimble Ngo – cũng là người dẫn dắt sự kiện này – cho biết, ông đánh giá cao tiềm năng về một hệ sinh thái Blockchain ở Việt Nam.
Với một đội ngũ công nghệ nhanh nhạy với cái mới và sự có mặt rất nhanh chóng của giới đầu tư, ông Ngo cho rằng Việt Nam hội đủ các yếu tố chính để trở thành lá cờ đầu về Blockchain trong khu vực. Hiện tại, khi nói về các trung tâm Blockchain, người ta đã kể về Thung lũng Silicon ở Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc,
Nhật Bản và nay cũng có thể đặt Việt Nam lên ngang hàng.
Blockchain được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Vân Ly |
Cũng tại sự kiện nói trên, ông Mitchell Phạm, người đồng sáng lập công ty cung ứng các giải pháp công nghệ Blockchain Smart Links Swiss và Lina.Rewiew – hệ sinh thái dựa trên nền tảng Blockchain – cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế nhờ có nhiều tài năng về toán và khoa học. Việc tận dụng đúng nguồn nhân lực trẻ và tài năng này sẽ giúp Việt Nam trở thành nhà cung cấp công nghệ Blockchain cho thế giới. Sở dĩ ông Mitchell Phạm đưa ra lời nhận định đầy lạc quan như vậy là vì ngay ở Lina.Rewiew – một nền tảng sử dụng công nghệ Blockchain trong ngành công nghiệp đánh giá và xếp hạng – công ty đã có một lực lượng 40 kỹ sư công nghệ trẻ ở TPHCM tham gia vận hành. “Đây là thời điểm phát triển mạnh mẽ của Blockchain trên toàn thế giới và tại Việt Nam – nơi có nhiều đội ngũ kỹ sư trẻ tài năng sẵn sàng đón nhận Blockchain. Ngoài ra, Việt Nam còn nổi lên là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, trung bình 6-7% mỗi năm cũng như có hơn 40% dân số dưới 24 tuổi”, ông Mitchell Phạm khẳng định.
Còn bà Lynn Hoàng, Giám đốc quản lý các dự án của Infinity Blockchain Labs, cho rằng một trong những lợi thế hàng đầu của Việt Nam khi áp dụng công nghệ Blockchain là giá thành sản xuất rất cạnh tranh do giá nhân công rẻ hơn so với nhiều nước khác. Ngoài ra, số lượng kỹ sư lành nghề của Việt Nam cũng đang tăng lên đáng kể. Có hơn 290 trường đại học ở Việt Nam đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, có khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chính điều này đã đưa Việt Nam đứng vào danh sách mười quốc gia hàng đầu thế giới về đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin.
“Yếu tố chủ chốt để phát triển thành công công nghệ Blockchain là phải xây dựng được cơ cấu chính sách sáng suốt. Vì Blockchain vẫn còn là một dạng công nghệ mới nên nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với tình trạng mơ hồ khi đối mặt với các luật có liên quan như Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các quy định hiện hành. Một cơ cấu chính sách tốt sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hoạt động và bảo vệ khách hàng tối ưu hơn”, bà Lynn Hoàng nói.
Khả năng ứng dụng rộng rãi
Trên thực tế, có không ít người (ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài) vẫn cho rằng Blockchain chỉ có thể ứng dụng trong lĩnh vực tài chính và đồng nhất Blockchain với tiền ảo. Tại cuộc hội thảo Blockchain: từ công nghệ tới chính sách, chi hội Blockchain cho biết muốn truyền tải thông điệp đây là công nghệ có thể ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau như tài chính, nông nghiệp, vận tải… và khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain vào các lĩnh vực kinh tế bởi đây là một công nghệ nền tảng giúp phát triển nền kinh tế số.
Tại sự kiện Vietnam Mobile Day 2018 được tổ chức gần đây, ông Giáp Văn Đại, Giám đốc điều hành của Nami Labs, cho hay công nghệ Blockchain gồm hai đặc tính cơ bản là lưu trữ thông tin (Blockchain 1.0) và hợp đồng thông minh (Blockchain 2.0). Thừa nhận tiền điện tử là sản phẩm thành công nhất ra đời từ công nghệ chuỗi khối Blockchain nhưng ông Đại cho rằng, nhiều người Việt dựa trên những điểm phát triển nổi bật gắn với Blockchain ở hiện tại nên dẫn đến cách nghĩ đánh đồng Blockchain là công nghệ tiền ảo, trong khi công nghệ này còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác, như nông - lâm nghiệp, giáo dục, chính phủ điện tử, dịch vụ tài chính... Ông Đại nêu ví dụ, với các đặc tính minh bạch hay phân tán, Blockchain ứng dụng trong nông nghiệp giúp truy xuất thông tin. Người trồng trọt sẽ biết mớ rau của mình bán tại đâu, giá bao nhiêu, đi qua mấy kênh trước khi đến được tay của người tiêu dùng. Trong khi nhờ Blockchain mà người mua kiểm tra được nguồn gốc rau, được trồng theo phương thức gì... Hay như trong giáo dục, nhà tuyển dụng truy xuất được lịch sử học tập ứng viên với mã ID trên bằng cấp, tránh nạn bằng giả.
Là đơn vị đã ứng dụng Blockchain, ông Nguyễn Hùng Nguyên, Giám đốc công nghệ thông tin của Tổng công ty thanh toán quốc gia Việt Nam Napas, cho biết lĩnh vực thanh toán chính mà Napas đang sử dụng là nơi chịu sự ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng bởi sự phát triển của công nghệ Blockchain. Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, ông Nguyên cho rằng thanh toán gần như sẽ phải là ngành nghề truyền thống đầu tiên ứng dụng công nghệ này. Nếu không, các hình thức thanh toán truyền thống sẽ bị Blockchain đánh bại do không thể cạnh tranh được về tính nhanh chóng và chi phí rẻ. Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc tiếp nhận và ứng dụng Blockchain nhờ không có quá nhiều cơ sở hạ tầng cũ – thứ mà sẽ cản bước ta thử nghiệm cái mới. Và những vấn đề còn tồn đọng chưa thể giải quyết được hiện nay sẽ được giải quyết rốt ráo nếu chúng ta sử dụng công nghệ Blockchain, theo ông Nguyên.
Còn ông Vương Quang Long, Giám đốc TomoChain – một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain – cho biết, Blockchain có tính tự động hóa cao, do vậy có thể giảm chi phí cho máy chủ và vận hành. Tất cả nghiệp vụ được thực hiện thông qua hợp đồng thông minh, giúp giảm thiểu sự sai sót, qua đó giúp giảm thiểu tổng chi phí cho doanh nghiệp. Đây là một trong những xu hướng lớn về phát triển toàn cầu trong tương lai, loại bỏ những đơn vị trung gian trong việc quản lý và vận hành những nền tảng công nghệ. Các chuyên gia cho biết ngay cả các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh truyền thống cũng có thể tích hợp các ứng dụng Blockchain để giải quyết từng phần những vấn đề về khâu vận hành trung gian, quản lý, chăm sóc khách hàng, làm thẻ tích điểm...
Cũng nói về khả năng ứng dụng rộng rãi của công nghệ Blockchain, ông Hoàng từ IBM Việt Nam giải thích thêm, Blockchain là công nghệ nền tảng cho phép các ứng dụng phần mềm chạy trên nó, nhờ đó mà giao dịch dữ liệu được chia đều cho các điểm. Mỗi đơn vị đều đưa dữ liệu lên nhưng mỗi người trong đơn vị chỉ quản lý và cập nhật một phần thông tin, không ai kiểm soát được toàn bộ thông tin dữ liệu. Nói một cách khác là công nghệ Blockchain giải quyết vấn đề một cách rõ ràng, minh bạch bởi dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực trên nền tảng điện toán đám mây và rất dễ tiếp cận. Có điều thú vị là để sử dụng Blockchain, một doanh nghiệp lúc đầu có thể xây dựng mảng nhỏ chỉ 5-7 người sử dụng, sau mở rộng đến hàng trăm hoặc hàng nghìn người sử dụng.
Ông Hoàng còn cho rằng chỉ trong vòng hai năm tới, Blockchain sẽ là một trong mười công nghệ dẫn đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, ngay trong năm nay cũng sẽ có một số doanh nghiệp đi tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ này.