Ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tập quán gieo sạ, cơ giới hóa khâu trồng lúa rất đơn giản, vì chỉ cần sử dụng chiếc máy kéo tay gieo sạ lúa theo hàng. Gọi là "máy", nhưng thiết bị này rất đơn giản, chỉ là một ống hình trụ có đục các lỗ, cho hạt lúa giống vào trong, khi kéo ống trụ lăn thì hạt lúa giống sẽ rải đều trên mặt ruộng.
Cơ giới hóa trồng lúa ở ĐBSCL đã được áp dụng hơn 15 năm. Nhưng ở miền Bắc đến nay vẫn chưa thể thực hiện được khâu này do đồng đất không thích hợp với gieo sạ. Với tập quán canh tác phải qua khâu gieo mạ rồi mới cấy, thiết kế loại máy có thể "nuốt" các bó mạ, rồi tách ra từng giẻ lúa để cấy rất khó.
Máy cấy 8 hàng
Chiếc máy cấy lúa mạ thảm MC-6-250, được Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (NN&CNSTH) chế tạo thành công ban đầu vào năm 2005, sau khi khảo nghiệm và ứng dụng vào sản xuất, theo yêu cầu của nông dân, mẫu máy đã được cải tiến nhiều lần. Chiếc máy cấy MC-8-200 ra đời với các thông số kỹ thuật cơ bản giống như máy cấy MC-6-250, chỉ thay đổi số lượng hàng cấy là 8 hàng, khoảng cách hàng 200mm.
Theo Ts. Lê Sỹ Hùng, Trưởng phòng Nghiên cứu cơ giới hóa canh tác, Viện Cơ điện NN&CNSTH, máy sử dụng động cơ diezen 4 mã lực, truyền chuyển động qua hộp số chính đến bánh xe chủ động và các hệ thống làm việc. Bánh xe chủ động được chế tạo bằng sắt, có các mấu bám để kéo toàn bộ máy cấy trượt trên mặt ruộng nước bằng tấm trượt. Khi di chuyển trên đường, bánh xe chủ động được thay bằng bánh lốp, tấm đỡ được nâng bằng 2 bánh đỡ bên. Các tay cấy hoạt động theo nguyên lý cơ cấu 4 khâu và phương pháp chải đẩy.
Máy cấy lúa 8 hàng hoạt động trên đồng ruộng
Trên mỗi tay cấy có nỉa tách mạ, dùng để cắt miếng mạ ra khỏi thảm mạ, sau đó được cần đẩy dúi xuống ruộng. Khi nỉa tách mạ được tay cấy đưa xuống vị trí thấp nhất, cần đẩy sẽ đưa miếng mạ ra và dúi xuống ruộng, độ sâu của miếng mạ vào trong đất (độ sâu cấy) có thể thay đổi thông qua việc điều chỉnh độ cao của tấm trượt so với hệ thống tay cấy. Sau mỗi vòng quay của tay cấy, bộ phận ra mạ lại dịch chuyển dàn đựng mạ sang ngang để tiếp tục chu kỳ mới.
Máy cấy lúa 8 hàng đã được nông dân ở các tỉnh ĐBSCL hào hứng đón nhận. Đến nay, đã có hàng nghìn máy được đưa vào phục vụ cấy lúa ở các tỉnh miền Nam. Thế nhưng, mãi cho đến năm 2012, máy này mới được nông dân ở miền Bắc chấp nhận, và chỉ trong vòng 1 năm qua rất nhiều địa phương đã đưa vào sử dụng.
Giảm 2/3 chi phí cấy lúa
Ở miền Bắc, việc triển khai quy trình cấy lúa bằng máy gặp nhiều khó khăn, bởi làm mạ thảm trong khay nhựa, nông dân phải đầu tư khá tốn kém, một khay nhựa giá 12.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều nơi ở Đồng bằng Bắc bộ thường gieo mạ sân, đã mở ra hướng đi cho quy trình mới: bùn được trộn với một số nguyên liệu phù hợp, gieo mạ trên sân, sau đó cắt thành miếng cho vừa với máy cấy.
Mạ dùng cho máy cấy đòi hỏi phải sản xuất theo phương pháp mạ thảm trên khay hoặc trên ruộng, có thể cắt theo kích thước của dàn đựng mạ. Muốn cơ giới hóa khâu cấy lúa, chuyển giao quy trình làm mạ cần đi trước. Trong những năm qua, Phòng Nghiên cứu cơ giới hóa canh tác đã phát triển nhiều mô hình điểm sản xuất mạ khay, phục vụ cấy lúa bằng máy ở các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương. Đến nay, những cơ sở này đang ngày càng mở rộng quy mô sản lượng để cung cấp mạ tốt cho nông dân trong vùng.
Ông Lê Sỹ Hùng khẳng định, cấy lúa bằng máy giảm chi phí hơn rất nhiều so với thuê cấy thủ công. Nếu thuê cấy thủ công, mỗi công lao động mất 100.000-150.000 đồng, chỉ cấy được một sào, tính ra chi phí cấy hết khoảng 2,7-3 triệu đồng/ha.
Mỗi chiếc máy cấy sẽ đảm bảo diện tích đạt được 1,5-2 ha/ngày, sử dụng hết 5 lít dầu diezen, 3 nhân công, tính ra tổng chi phí xăng và nhân công hết 700.000 đồng/ha, khấu hao máy 300.000 đồng/ha. Như vậy, sử dụng máy cấy giảm được chi phí so với thuê cấy thủ công 2 triệu đồng/ha. Đây cũng chính là lợi nhuận của người sắm máy để làm dịch vụ cấy lúa thuê. Áp dụng các loại máy cấy lúa mạ thảm có thể giảm lượng hạt giống từ 40 - 50%, tăng năng suất cây trồng lên khoảng 10 - 15%.
Chu Chương
Thời báo Kinh Doanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;