Học tập đạo đức HCM

Nguyên tắc trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Thứ bảy - 30/06/2012 11:54
Hiện nay, sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được chứng nhận bởi nhiều tiêu chuẩn khác nhau như: VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP, sản phẩm hữu cơ… sản phẩm cuối cùng đều đạt chất lượng cao, hàm lượng các chất độc hại (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật gây hại…) dưới ngưỡng cho phép.

Để vườn cây ăn quả đạt được các tiêu chí an toàn thực phẩm, khi xây dựng vườn trồng mới hoặc chăm sóc vườn cây kinh doanh cần phải tuân thủ một số nguyên tắc chính như sau:

 

1. Đối với vườn cây ăn quả trồng mới

 

- Lựa chọn đất trồng: Trước hết, chọn vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh trưởng phát triển của loại cây ăn quả định trồng. Đất tốt, tầng canh tác dày thì cây sẽ cho nhiều quả, chất lượng tốt nhưng cây ăn quả lại thường được trồng trên vùng đất đồi dốc, đất lẫn sỏi đá… Vì vậy, nguyên tắc cơ bản của việc chọn đất là tầng đất canh tác phải đủ dày để bảo đảm bộ rễ cây phát triển tốt, độ dốc không quá 20o, gần nguồn nước tưới… Ngoài ra, vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng cần phải quan tâm ngay từ năm đầu xây dựng vườn cây ăn quả.

 

- Chọn cây giống: Khi đã xác định được chủng loại cây ăn quả cần trồng, địa chỉ cung cấp cây giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định lâu dài đến hiệu quả sản xuất. Chọn mua cây giống tốt ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín, cơ sở được nhà nước chứng nhận có vườn cây mẹ đạt tiêu chuẩn. Cơ sở cung cấp cây giống không chỉ đảm bảo về chất lượng cây giống (đúng giống, kích cỡ cây giống đạt yêu cầu, tỷ lệ cây sống cao...) mà còn có đầy đủ các thông tin về lý lịch giống, cây giống.

 

- Cây trồng xen canh: Cây trồng xen canh được trồng để tận dụng không gian những năm đầu khi cây trồng chính chưa khép tán. Loại cây trồng xen cần có một số đặc tính phù hợp để không cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng với cây trồng chính như: nhanh cho thu hoạch, chịu bóng, thấp cây, bộ rễ phát triển không quá mạnh. Ngoài ra, nên chọn cây trồng xen có tác dụng hỗ trợ cho cây trồng chính như hạn chế xói mòn đất, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hàm lượng mùn, đạm trong đất… sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

 

- Phân bón: Phân bón sử dụng cho vườn cây ăn quả trồng mới bao gồm phân hữu cơ (phân chuồng) và phân vô cơ. Yêu cầu phân hữu cơ phải được ủ hoai mục trước khi bón lót. Phân vô cơ được dùng để bón lót và bón thúc sau khi trồng. Tuy nhiên, cần lưu ý độ pH đất phù hợp với đa số cây ăn quả là khoảng 6,0-6,5. Vì vậy, đối với đất chua phải bổ sung vôi bột bón lót để cân bằng độ pH đất.

 

- Chuẩn bị hố và trồng cây: Chuẩn bị hố trồng trước khi trồng cây ít nhất 1 tháng. Kích thước hố trồng tùy thuộc vào loại cây ăn quả, tính chất đất và địa hình. Mật độ hố tùy theo từng loại cây, tuy nhiên một số trường hợp có thể trồng dày hơn, thậm chí gấp 2 lần để vườn cây nhanh khép tán, cho năng suất thu hoạch cao những năm đầu. Sau đó, tỉa cây để cố định khoảng cách cây lâu dài. Sau khi trồng cây, việc tủ gốc giữ ẩm và cố định cho cây luôn đứng thẳng, không bị gió làm đổ ngã là công việc quan trọng nhất để đạt tỷ lệ cây sống cao và đồng đều.

 

2. Đối với vườn cây ăn quả đang kinh doanh

 

- Quản lý bề mặt đất của vườn cây ăn quả: Chăm sóc cây và trồng xen cây ngắn ngày sao cho bề mặt đất vườn cây ăn quả ít bị xói mòn, không bị chai cứng, giảm độ phì thấp nhất. Một trong các giải pháp tốt là trồng cây che phủ đất cho vườn cây ăn quả. Hiện nay, có một số loại cây họ đậu rất phù hợp cho che phủ đất như cây lạc dại, đậu lông, muồng hoa vàng… cũng có thể trồng cỏ ba lá, cỏ đuôi trâu vừa tạo mùn cho đất, làm xốp đất vừa tạo cảnh quan vườn quả đẹp.

 

- Quản lý dịch hại: Việc kiểm soát sâu hại cây ăn quả trước hết cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như bắt bằng tay, bẫy bả, dùng thiên địch, sử dụng giống chống chịu, hệ thống canh tác phù hợp… Biện pháp phòng trừ hóa học được áp dụng cho các trường hợp sâu hại nặng. Chỉ dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép sử dụng ở Việt Nam, tốt nhất nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Đối với bệnh hại cây ăn quả, có nhiều nguyên nhân gây ra như do nấm, vi khuẩn, vi rút, tuyến trùng…. Tác động của thời tiết hay mất cân bằng dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng hay bị ngộ độc) cũng có thể làm cho cây có triệu chứng như bị nhiễm bệnh. Vì vậy, người trồng cây ăn quả cần phải biết chính xác nguyên nhân để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vệ sinh vườn cây, chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt sẽ hạn chế rất nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, một số loại bệnh do nấm hại lá hay thối rễ cây khá phổ biến trên cây ăn quả cần sử dụng các loại thuốc hoá học trong danh mục cho phép và phun phòng định kỳ sẽ khống chế được bệnh.

 

- Phân bón và dinh dưỡng đất: Lượng phân bón hàng năm cho vườn cây ăn quả thường được tính toán trên cơ sở năng suất quả thu hoạch năm trước để tính lượng dinh dưỡng cây lấy đi từ đất, từ đó bổ sung dinh dưỡng cho đất. Trong sản xuất cây ăn quả hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần bón phân theo nguyên tắc: bón phân chuồng đã được ủ hoai mục, phân vô cơ không bón quá nhiều hoặc quá muộn khi sắp thu hoạch sẽ có nguy cơ tồn dư nitrat trong sản phẩm, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân bón qua lá…

 

- Thu hoạch và bảo quản: Một số loại quả được bao quả trên cây trong quá trình quả lớn để hạn chế sâu bệnh hại và làm cho mẫu mã quả đẹp hơn. Nguyên tắc cơ bản của công việc thu hoạch quả là: thu hái đúng độ chín của quả phù hợp với tiêu thụ; thu hoạch quả vào buổi sáng khi trời khô ráo; quả sau thu hoạch phải đựng vào thùng chứa và đưa đi sơ chế, tiêu thụ hay bảo quản trong ngày. Thông thường, sản phẩm quả của một cơ sở sản xuất được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đóng nhãn mác có lôgô của tổ chức chứng nhận cấp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm an toàn trên thị trường.

 

- Ghi chép và quản lý sổ sách: Phải ghi sổ sách các công việc triển khai ở vườn quả trong suốt quá trình từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đây là tài liệu để các tổ chức chứng nhận quản lý, kiểm tra và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Đặc biệt, ghi chép đầy đủ các thông tin về mua, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như đã được các tổ chức chứng nhận hướng dẫn. Hồ sơ sổ sách được lưu trữ ít nhất trong 2 năm.

 

TS. Trần Văn Khởi - TTKNQG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay37,611
  • Tháng hiện tại234,139
  • Tổng lượt truy cập92,611,803
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây