Anh Chín Táo có tên khai sinh là Lê Văn Chính, ở ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Anh Chín Táo bên sản phẩm lúa giống “9 Táo” - thương hiệu gắn với đời sống phát triển của nông dân… |
Tiếp chúng tôi bên ấm trà chiều, anh nhớ lại: “Tui học hết lớp 9 rồi nghỉ, sau đó đi bộ đội. Xuất ngũ về quê, tui cưới vợ tên là Lê Thị Mười. Hồi ấy, khi đi làm giấy tờ, nhiều người thường đùa hai vợ chồng tui là hai anh em (miền Nam phát âm “chín” và “chính” rất giống nhau -PV). Ra ở riêng, vợ chồng tui được cha mẹ cho 4 công đất (0,4ha). Đầu tiên tui trồng táo, năng suất cũng ngon nhưng chỉ có 4 công đất thì khó làm giàu bằng cây táo. Bởi thế, trong tâm tui ấp ủ, tìm mọi cách để vươn lên...”.
Năm 2003, Chín Táo làm cộng tác viên cho Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, từ đó thấy mê cây lúa nên phá vườn táo chuyển qua làm lúa “trình diễn”. Năm 2006, Chi cục BVTV làm giống lúa chống rầy, đám ruộng trình diễn của Chín Táo được đem ra làm thí nghiệm và cho hiệu quả mỹ mãn. Từ đó, anh bắt đầu nghĩ đến việc làm giống tốt để bán cho bà con.
Ban đầu anh chỉ làm kiểu “cò con” để cùng bà con lối xóm, trong vùng vượt khó…Thế nhưng, tiến lành đồn xa, dần dà nông dân các tỉnh đặt hàng tấp nập… Lúc này, anh nghĩ đến việc phải nâng cấp, tập hợp những nông dân thiện chiến lại cùng làm giống lúa tốt bán cho bà con. Dưới sự giúp đỡ, giám sát của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, anh vừa là người tổ chức mạng lưới, người quản lý chất lượng và cũng là nông dân trực tiếp sản xuất, cung ứng lúa giống cho nông dân khắp các tỉnh thành trong nước.
Với mạng lưới sản xuất giống trên diện tích hơn 300ha liên kết toàn nông dân, sản lượng này được cơ sở kinh doanh giống lúa của anh Chín Táo thu mua hết. “Toàn bộ diện tích lúa trong tổ liên kết năng suất cao hơn bên ngoài khoảng 20%, giá thu mua cũng cao hơn khoảng 20%. Thành ra lợi nhuận từ trồng lúa của các anh em trong tổ ước đạt 40–50%” – anh chia sẻ.
Một thân kiêm cả 3 nhà
Anh bỏ vốn xây kho chứa 500 tấn; đầu tư dây chuyền thiết bị tách gié lúa và tách hạt, công suất 3 tấn/giờ... Hiện cơ sở 9 Táo có hơn 10 nhân công làm việc quanh năm và hơn 200 nhân công làm việc thời vụ. Để kịp giao giống đi khắp nơi, ngoài một chiếc xe tải do anh tự mua, anh còn liên kết với 4 chủ xe khác giao hàng không ngơi nghỉ...
Hàng trăm nông dân khác cũng trở nên sung túc nhờ liên kết với anh. Nếu như nông dân cả nước đang mong đợi liên kết 4 nhà thì một mình anh Chín Táo gần như đã kiêm luôn 3 nhà: Nhà nông, doanh nhân và làm cả phần việc của một kỹ sư nông nghiệp. Cơ sở 9 Táo tiêu thụ tới 7.000 tấn lúa giống/năm, doanh thu 70-80 tỷ đồng.
Website của cơ sở 9 Táo: www.luagiong9tao.com
Điện thoại liên hệ: 074.3897393; 0168 822 7199.
Hiện giống lúa chủ lực của cơ sở 9 Táo là giống TTV 1 – 504 – LN (hay còn gọi là giống lúa IR 504 lá nhỏ) có thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày, được phát hiện trên lúa nguyên chủng IR 50404 có đặc tính là lá nhỏ (khác với giống lúa IR 50404 có nền lá to).
Giống này đẻ nhánh khỏe, chống chịu được khô hạn, nhiễm phèn, mặn; ít nhiễm sâu bệnh và dễ canh tác. Hạt gạo dài, trong, không bạc bụng và cho cơm xốp, hơi khô (khi để nguội), giá bán nhỉnh hơn gạo IR 50404.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, nông dân ở xã Quyền Hội, huyện Càng Long, Trà Vinh cho biết: “Ban đầu tôi cũng mua giống về làm thử trên 4ha đất, sau mấy mùa thì trở thành tổ viên tổ hợp tác làm lúa giống cơ sở 9 Táo. Anh Hùng đã tham gia cung cấp giống được 3 năm nay. Do áp dụng chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật nên vụ nào anh cũng thu hoạch từ 9 – 10 tấn/ha. Cá biệt, có vụ còn đạt năng suất gần 12 tấn/ha.
Ông Trần Hùng Tráng – nông dân sở hữu khoảng 100ha đất bờ xôi ruộng mật ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An cho biết, ông thích giống 504 lá nhỏ bởi cùng gốc với giống IR 50404 nhưng hạt lúa của 504 lá nhỏ dài hơn, thị trường chuộng hơn, giá bán cao hơn. Ngoài ra, giống lúa “đàn em” này vẫn có được những thế mạnh của IR 50404 là năng suất cao, cứng cây nên ít ngã đổ, nhẹ phân, kháng rầy và kháng đạo ôn rất mạnh…
Hữu Danh
Nguồn : danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã