Mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi vịt đẻ chạy đồng truyền thống bằng cách chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi trang trại với quy mô lớn là mô hình của vợ chồng ông Võ Phát Nì và bà Dương Thị Kiềng ở ấp 4, xã An Phong, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi vịt đẻ an toàn sinh học của vợ chồng ông Võ Phát Nì và bà Dương Thị Kiềng
Vịt là một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh với sự quan tâm hỗ trợ và định hướng phát triển của các ngành, các cấp trong tỉnh đã giúp nhiều nông dân thay đổi phương thức chăn vịt chạy đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro và tỷ lệ hao hụt cao bằng phương thức nuôi rọ (nuôi nhốt).
Hơn 20 năm với nghề nuôi vịt chạy đồng nhưng vợ chồng ông Nì vẫn không khắm khá vì khá tốn chi phí do vịt bị hao hụt, tốn chi phí cao cho nhân công, không kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh, phẩm chất trứng cũng thấp nên bán không được giá và lợi nhuận thu về không nhiều.
Đầu năm 2016, gia đình ông bà được những nông dân cùng trong nghề khuyên nên thay đổi phương thức, đầu tư trang trại nuôi vịt đẻ an toàn sinh học (còn gọi nuôi vịt rọ). Quyết tâm tìm hướng đi mới, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước ông Nì và bà Kiềng đầu tư trang trại trên diện tích hơn 8.000m2 đất ruộng của gia đình. Với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng, bước đầu ông bà xây dựng chuồng trại, nền được lót gạch, xung quanh bao bọc bởi lưới B40, xây dựng sân phơi, bể tắm, hệ thống nước tắm và hệ thống máng ăn cho vịt.
Hiện tại, gia đình sở hữu hơn 11.000 con vịt cò đang cho trứng. Bà Kiềng chia sẻ, nuôi vịt rọ có rất nhiều ưu thế, không tốn nhiều công sức, tỷ lệ hao hụt rất thấp và vịt khỏe, ít bệnh, chất lượng trứng cao hơn so với vịt chạy đồng rất nhiều. Nuôi vịt rọ có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, không tốn nhiều công chăm sóc, quản lý và không lo lắng chuyện tìm thức ăn chạy đồng.
Trang trại vịt của ông bà cho ra mỗi ngày hơn 10.000 trứng vịt sạch
Phương thức nuôi vịt rọ khá đơn giản, vịt được nhốt và phân loại theo độ tuổi để dễ quản lý. Thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp, bình quân mỗi ngày số lượng vịt của trang trại phải cung cấp hơn 70 bao thức ăn (mỗi bao 25kg/bao), nước uống được cung cấp là nước sạch, vệ sinh chuồng trại 2 lần/ngày, công tác tiêm phòng váccin cho vịt được cán bộ thú y tiêm phòng và quản lý tốt lịch tiêm phòng định kỳ. Vịt sau 5 tháng thả nuôi thì bắt đầu cho trứng và vịt sau 7 tháng sẽ cho trứng chất lượng và ổn định.
Theo bà Kiềng thì vịt sinh sản sau từ 1,5 - 2 năm cho trứng sẽ bắt đầu tuyển chọn bán vịt thịt vì lúc này chất lượng trứng bị giảm, thay vào bằng thế hệ vịt mới. Vịt thịt sẽ được bán cho thương lái với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/con (con nặng 1,7 - 1,8kg/con). Song song đó, để tận dụng nguồn thức ăn thừa, phân vịt và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, trang trại còn xây dựng ao nuôi cá với diện tích hơn 1.000m2 thả nuôi các loại cá như cá trê, cá sặc rằn và các loại cá tạp khác vừa tận dụng được nguồn thức ăn của vịt, vừa không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Hiện tại, trang trại vịt của ông bà cho ra mỗi ngày hơn 10.000 trứng vịt sạch để đáp ứng cho thị trường TP.HCM với giá 17.000 đồng/chục (10 trứng) cao hơn vịt chạy đồng từ 1.000 - 1.400 đồng/chục. Thời điểm giá cao trứng vịt tại trang trại có giá từ 23.000 - 25.000 đồng/chục. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi ngày cho gia đình thu lãi hơn 2,7 triệu đồng từ trứng vịt và lợi nhuận hơn 600 triệu đồng mỗi năm.
Với 11.000 con vịt đẻ mỗi ngày gia đình ông Nì bà Kiềng lãi 2,7 triệu đồng