“Các địa phương cần giúp cho người nông dân sản xuất trồng ngô có thu nhập cao hơn các cây trồng khác để nông dân tự nguyện tham gia góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Các đơn vị chức năng, cơ quan ban ngành liên quan phải nỗ lực để nâng cao nhanh hơn năng suất ngô so với các quốc gia trên thế giới thì cây ngô mới có chỗ đứng vững chắc; đặc biệt là những vùng có điều kiện lợi thế về sản xuất ngô thông qua các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý đem lại cơ hội cho người nông dân nâng cao thu nhập.”
Đó là nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát vừa nêu tại Hội nghị phát triển sản xuất ngô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng các tỉnh phía Bắc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng nay (21/6), tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện nay năng suất ngô Việt Nam thấp hơn năng suất trung bình ngô thế giới và Châu Á khoảng 5,5 tạ/ha, cao hơn so với năng suất trung bình khu vực khoảng 2,5 tạ/ha.
Cụ thể, năm 2013 năng suất trung bình ngô toàn quốc đạt 44,5 tạ/ha đứng thứ 59/166 nước trồng ngô trên thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Malaysia (55,4 tạ/ha), Indonesia (48,9 tạ/ha), Thái Lan (44,6 tạ/ha).
Năng suất ngô toàn quốc tăng liên tục với tốc độ khá cao trong 10 năm trở lại đây. Sau 10 năm, năng suất trung bình ngô toàn quốc tăng 10 tạ/ha, tăng từ 34,6 tạ lên 44,5 tạ/ha giai đoạn 2004-2013.
Theo ông Mai Xuân Triệu, Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát triển sản xuất ngô, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô cho thu nhập cao là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.”
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp không ít những khó khăn do nguồn đầu tư cho trồng ngô hiện vẫn cao hơn trồng lúa nên người nông dân khó áp dụng đúng các quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, tình trạng sản xuất vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ đồng thời công nghệ sau thu hoạch, cơ giới hóa còn hạn chế và chưa đồng bộ.
"Nông dân nhiều nơi chưa quen kỹ thuật sản xuất ngô trên đất lúa, thực tế cây ngô vẫn bị xem là cây thay thế cho các cây trồng khác ở mùa vụ và vùng đất khô hạn, khó tưới. Do đó, năng suất cây ngô chưa tương xứng với nguồn đầu tư, hỗ trợ. Việc nghiên cứu và giải pháp sử dụng phụ phẩm từ cây ngô còn thiếu và ít,” Viện trưởng Mai Xuân Diệu nói.
Trước những vấn đề này, Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh yêu cầu, các tỉnh phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung cần phát triển ngô để khai thác tốt yếu tố thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước vì hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu tới 1,5-1,6 triệu tấn ngô hạt.Bộ trưởng đặt rõ mục tiêu, các địa phương cần tập trung đồng bộ các giải pháp từ các yếu tố kỹ thuật, giống, cơ giới hóa… tăng năng suất cao, chất lượng tốt sẽ đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ có lợi nhuận tốt hơn, nhờ đó mà sẽ tạo đà cho sự nhân rộng phát triển mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Các địa phương cũng cần có kế hoạch cụ thể để làm việc với các doanh nghiệp, bố trí đơn vị khuyến nông kết hợp với doanh nghiệp tạo thành mô hình hợp tác công tư hiệu quả.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các đơn vị ban ngành phải lập hội đồng khoa học gấp rút đưa ra gói hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả và triển hội thảo chuyên đề trong vài tuần tới về giải pháp kỹ thuật cụ thể cho người nông dân, hướng dẫn cho người nông dân phát triển sản xuất chuyên nghiệp, quy mô gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả./.