à Nguyễn Thị Khương (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi sạch sẽ.
Đàn vật nuôi nếu không được chăm sóc cẩn thận khi thời tiết nắng, mưa đột ngột như hiện nay sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Bởi vậy, vợ chồng bà Nguyễn Thị Khương (thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) đang chăm sóc đặc biệt cho đàn gà 3.000 con của gia đình.
Trong lúc ông chở cát nâng nền chuồng lên cao để tránh nước đọng sau mưa thì bà tất bật quét dọn lá cây rụng và rắc vôi bột xung quanh chuồng. Việc làm này nhằm giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế dịch bệnh.
Lo lắng chăm sóc cho đàn gà khi thời tiết giao mùa, bà Trương Thị Công (thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa) cũng đã chủ động che chắn chuồng trại cẩn thận và không quên bỏ thêm vỏ trấu để tạo ấm cho chuồng nuôi với hơn 2.000 con gà.
Được biết, bà Trương Thị Công hiện là Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi gà thả vườn Phú Hòa gồm 22 thành viên với tổng đàn trên 33.000 con.
Nhiều hộ nuôi bỏ thêm vỏ trấu để tạo độ ấm cho chuồng nuôi gà.
Bà Công chia sẻ: “Ngoài tiêu độc khử trùng định kỳ khu vực chăn nuôi bằng các loại hóa chất, chúng tôi còn phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh cũng như quét dọn chuồng nuôi, rửa sạch máng ăn, uống hằng ngày. Đặc biệt, các thành viên tổ hợp tác cũng chủ động cung cấp thức ăn, nước uống sạch, dễ tiêu và bổ sung các loại dinh dưỡng như: điện giải Bcomplex, vitamin, men tiêu hóa nhằm nâng cao sức đề kháng cho gà”.
Bà Trương Thị Công (xã Yên Hòa - Cẩm Xuyên) phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.
Không chỉ đàn gia cầm, hiện nay, người chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Ông Lê Văn Bình – Giám đốc HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ - Nghi Xuân) cho biết: “HTX hiện có 4 chuồng với quy mô 2.000 con lợn/lứa. Thời điểm chuyển mùa, chúng tôi càng tuân thủ nghiêm các biện pháp chăm sóc. Ngoài tiêm phòng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi qua thức ăn, nước uống, HTX còn nhập về lượng lớn hóa chất phục vụ tiêu độc khử trùng trong và ngoài chuồng nuôi với chi phí phòng dịch tăng lên 20%. Bên cạnh đó, phương tiện ra, vào trang trại cung cấp thức ăn hoặc bao tiêu sản phẩm đều được khử trùng theo quy định và 100% công nhân chăm sóc đàn lợn đều “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, HTX Nga Hải (Nghi Xuân) tuân thủ nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Ngoài các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhiều hộ nuôi lợn quy mô nông hộ cũng được chính quyền địa phương tuyên truyền, hỗ trợ các giải pháp đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn (Thạch Hà) thông tin: “Tổng đàn lợn của toàn xã hiện có hơn 3.800 con với trên 230 hộ nuôi. Thạch Văn là địa phương từng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi nên trong thời điểm giao mùa, xã tăng cường chỉ đạo người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Địa phương cũng hỗ trợ hóa chất phục vụ tiêu độc khử trùng trên diện rộng và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tập huấn các biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả phòng dịch".
Xã Thạch Văn (Thạch Hà) đang đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn gia súc.
Theo rà soát, tổng đàn trâu toàn tỉnh hiện đạt khoảng 66.527 con, đàn bò khoảng 164.144 con. Để bảo vệ đàn gia súc, các địa phương hiện đang đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng chủ động bổ sung chất dinh dưỡng, cân đối lượng thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cho trâu, bò...
Người dân chú trọng bổ sung chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó trưởng Phòng Chuyển giao KHKT, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: “Thời tiết thay đổi đột ngột, nắng - mưa xen kẽ như hiện nay khiến độ ẩm trong không khí cao, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút phát triển. Do vậy, đàn vật nuôi thường phát sinh một số bệnh truyền nhiễm.
Để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch; thực hiện đúng quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi. Người dân có thể sử dụng các loại thảo mộc có thành phần kháng sinh như: tỏi, gừng, nghệ… trộn vào thức ăn hoặc nước uống của vật nuôi để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như: hen suyễn, tiêu chảy…
Ngoài ra, bà con cần thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè,…) để tách riêng điều trị. Nếu thấy vật nuôi có triệu chứng nặng, lây lan nhanh, cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời".
Theo Phương Trâm/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;