Học tập đạo đức HCM

Gấp rút đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng

Thứ năm - 11/07/2013 23:55
Tận dụng tối đa những cơ chế đã có để thu hút nhân lực cho Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Tiến độ phải đẩy nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để đạt mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 60.000 nhân lực hoạt động tại KKT Vũng Áng.

Đẩy nhanh đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng, ngày 11/7. Ảnh: VGP/Từ Lương

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị sơ kết công tác đào tạo nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng, ngày 11/7. Hội nghị nhằm kiểm điểm những nhiệm vụ cơ bản về đào tạo nhân lực đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Tĩnh và các bộ, ngành liên quan triển khai trong 3 năm qua.

Có chỉ tiêu, thiếu người học

Hà Tĩnh đang đứng trước những cơ hội phát triển nhanh do các dự án đầu tư lớn tại tỉnh đem lại. Tuy nhiên, sau khi có đầy đủ các điều kiện quan trọng như vốn, hạ tầng thì đã lộ ra một khoảng trống là thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực để vận hành các dự án này hiệu quả, đúng tiến độ, mà KKT Vũng Áng là ví dụ điển hình.

KKT Vũng Áng hiện đã có 226 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh; trong đó có 77 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký trên 16 tỷ USD và 40.284 tỷ đồng. Có 26 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại KTT này rất đa dạng, dự kiến đến năm 2015 sẽ cần 67.777 lao động. Trong đó, cán bộ quản lý doanh nghiệp 12.104 người, cán bộ kỹ thuật 7.058 người, công nhân kỹ thuật 36.254 người, quản trị-hành chính 6.679 người, thương mại dịch vụ, phục vụ 5.682 người.

 

Tính đến tháng 5/2013, KKT Vũng Áng có trên 12.000 lao động đang thường xuyên làm việc, trong đó có 1.100 lao động nước ngoài. Mặt bằng thu nhập chung của người lao động làm việc ở KKT Vũng Áng là 4,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng cũng có những doanh nghiệp trả cho lao động trên 8 triệu đồng/người/tháng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2009-2013 ngân sách Trung ương đã bố trí 585 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở đào tạo tại Hà Tĩnh. Ngân sách chi cho sự nghiệp đào tạo từ 2010 đến 2012 trên 164 tỷ đồng và tăng hằng năm: Năm 2010 là 42 tỷ đồng, năm 2011 là 52 tỷ đồng, năm 2012 là 70 tỷ đồng.

 

Trong năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định cơ chế tuyển sinh đặc thù đối với 1.200 chỉ tiêu, với đầu mối phối hợp là Đại học Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo ở khu vực miền Trung đã chủ động tiếp cận với các doanh nghiệp, tập đoàn tại KKT Vũng Áng để tổ chức đào tạo, cung ứng nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, bước đầu đã có sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng nhân lực.

Đại học Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền cho học sinh THPT trên địa bàn nắm được nhu cầu đào tạo nhân lực cho KKT Vũng Áng.

Tuy nhiên, KKT Vũng Áng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng nguồn nhân lực do chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo.

Dễ thấy nhất vẫn là tình trạng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do không ít doanh nghiệp chưa đưa ra lộ trình cụ thể để tuyển dụng; tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo cho người lao động chưa rõ ràng; số liệu điều tra chưa sát với nhu cầu nên chưa gắn với kế hoạch đào tạo.

Đồng thời, chưa có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp trong việc huy động kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như cam kết nhận sinh viên tốt nghiệp làm việc tại doanh nghiệp. Chưa có cơ chế đối với doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo giai đoạn.

Tại cuộc họp này, các bộ, ngành đã thảo luận và tìm các giải pháp để có một số cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực cho Khu kinh tế, cơ chế để khuyến khích cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, chính sách thu hút lao động, đặc biệt là thu hút nhân lực tại địa phương và các tỉnh lân cận cho KKT Vũng Áng…

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khảo sát địa điểm chuẩn bị xây dựng nhà ở cho người lao động tại Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, ngày 23/4/2012. Ảnh: VGP/Từ Lương

 

Nhân rộng mô hình, công khai chính sách ưu đãi

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, các bộ, ngành và Hà Tĩnh triển khai, thực hiện cung ứng nhân lực cho Khu kinh tế Vũng Áng qua 3 năm và đạt được những kết quả quan trọng.

Để công tác đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần rà soát lại quỹ hỗ trợ đào tạo nhân lực đã được thành lập trước đó. Với quỹ này sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ 50% chi phí đào tạo cho học sinh, sinh viên, góp phần giúp cho họ có động lực để học tập và gắn bó nhiều hơn với KKT.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong quá trình hình thành và thực hiện tại KKT Vũng Áng đã xuất hiện nhiều mô hình doanh nghiệp phối hợp tích cực trong đào tạo, tiếp nhận nguồn nhân lực như Công ty Formosa với phương châm đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh cần quan tâm nhân rộng mô hình này.

Về phía các bộ, ngành, định kỳ hằng quý phối hợp với doanh nghiệp rà soát nguồn nhân lực để doanh nghiệp có đủ thông tin cập nhật đầy đủ; tổ chức các hoạt động giới thiệu và triển khai các mô hình của trường đại học trong việc phối hợp với doanh nghiệp; triển khai mạnh mẽ các khâu từ định hướng nghề nghiệp đến đào tạo bổ sung.

Đối với UBND Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng giao tập trung đôn đốc, triển khai quyết liệt xây dựng và quy hoạch chung của KKT, trong đó lưu ý về giải pháp ngắn hạn là lên phương án chuẩn hóa nhà dân để đáp ứng một phần nhu cầu thuê trọ của công nhân KKT.

Trong tháng 8/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề giữa các trường đại học, các doanh nghiệp để tìm những giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cần có báo cáo đánh giá việc cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên 4 tỉnh miền Trung về việc tiếp nhận lao động vào KKT Vũng Áng, công bố chính sách ưu đãi, như chính sách hoàn học phí nếu về KKT Vũng Áng; chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của từng doanh nghiệp tại Khu kinh tế.

“Chúng ta phải làm nhanh hơn nữa, cơ chế đã có, trong 3 năm nữa phải triển khai quyết liệt để đáp ứng nhu cầu khoảng 60.000 nhân lực tại Vũng Áng”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Từ Lương
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập444
  • Hôm nay61,423
  • Tháng hiện tại720,750
  • Tổng lượt truy cập93,098,414
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây