Dù mới phát triển thời gian gần đây, nhưng thị xã Ngã Bảy hiện là 1 trong 2 địa phương có diện tích trồng cây cam sành lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, trái cam sành Ngã Bảy vẫn chưa được nhiều người biết đến, cho dù đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy, để nâng tầm vị thế cho cam sành, thời gian qua đã có nhiều giải pháp được triển khai, trong đó có việc xây dựng nhãn hiệu cho cam sành Ngã Bảy.
Ông Lê Phước Hậu, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy có 1.000 gốc cam sành trồng xen trong 6.000m2 đất trồng bưởi. Đã 7 năm nay, năm nào cũng vậy, ngoài nguồn thu từ bưởi, ông còn thu hoạch thêm được hơn 10 tấn cam sành. Dù nguồn kinh tế mang lại tương đối khấm khá, nhưng bản thân ông Hậu luôn cảm thấy xót xa khi trái cây do mình trồng đưa ra thị trường thì người tiêu dùng không biết được xuất xứ từ đâu. Ông Lê Phước Hậu cho biết: “Bản thân nhà vườn, tôi rất mong muốn làm thế nào để cây cam sành có được nhãn hiệu, tên tuổi khi bán ra thị trường để người tiêu dùng biết nó do nơi nào trồng và khi đó mới bán được giá cao, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của nhà vườn”.
Còn ông Huỳnh Hoàng Anh, nhà vườn trồng cam ở ấp Bảy Thưa, Tân Thành cũng chia sẻ: “Nghe cam sành Ngã Bảy, tôi nghĩ rằng cam sành Ngã Bảy sẽ khởi sắc hơn, sẽ dễ tiêu thụ cũng như giá cả cũng sẽ cao hơn so với hiện nay”.
Trước đây, hơn 2.500ha cam sành của nhà vườn Ngã Bảy cùng chịu chung cảnh ngộ, dù được thị trường đón nhận nồng nhiệt, nhưng người tiêu dùng vẫn không rõ nguồn gốc trái cam mà mình được thưởng thức. Vì vậy, để quảng bá nhằm nâng cao giá trị cam sành Ngã Bảy, đầu năm 2012, thị xã đã hoàn tất các thủ tục đề nghị công nhận nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy” cho HTX Đông Bình, xã Tân Thành và mới đây, nhãn hiệu “Cam sành Ngã Bảy” đã chính thức được công nhận trong tâm trạng phấn khởi của nhà vườn nơi đây. Ông Dương Thanh Thuận, Chủ nhiệm HTX Đông Bình, cho biết: “Khi có nhãn hiệu cam sành Ngã Bảy, thuận lợi bước đầu không chỉ đối với diện tích cam sành trong HTX, mà cả trên địa bàn Ngã Bảy vươn ra thị trường”. Ông Thuận cho biết thêm, để được công nhận nhãn hiệu là chuyện khó khăn, vì vậy để giữ vững nhãn hiệu cam sành Ngã Bảy thời gian tới HTX tiếp tục vận động xã viên áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm đảm bảo chất lượng an toàn cho sản phẩm.
Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Thời gian tới, về phía Phòng Kinh tế tiếp tục chỉ đạo cũng như giúp HTX quảng bá về nhãn hiệu cam sành Ngã Bảy để thị trường tiêu thụ các nơi biết đến, khi đó chúng tôi tin tưởng đầu ra cam sành Ngã Bảy sẽ khởi sắc hơn”.
“Để phát huy lợi thế nhãn hiệu cam sành, thị xã Ngã Bảy đã từng bước định hình và hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu kết hợp với áp dụng các quy trình VietGAP; GlobalGap vào sản xuất. Trong định hướng phát triển nông nghiệp thì việc xây dựng nhãn hiệu đối với nông sản là rất quan trọng, bởi nó vừa đáp ứng xu thế phát triển của thị trường; mặt khác nhãn hiệu cũng chính là sự cam kết của người sản xuất với người tiêu dùng về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để loại trái cây đặc sản nơi đây vươn ra thị trường và tiến tới xây dựng được thương hiệu.
Theo Báo Hậu Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;