Hoa hồng thu nhập hơn 200 lần so với trồng lúa
Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình trồng hoa hồng thế tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết, UBND xã luôn khuyến khích người dân tự chuyển đổi việc trồng lúa, các giống cây không hiệu quả sang những mô hình nông nghiệp hiệu quả hơn như trồng hoa, trồng phật thủ, trồng đào, trồng quất…
Mê Linh có truyền thống trồng hoa từ năm 1990, sau khi về Hà Nội, được định hướng, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển từ trồng hoa cắt cành sang trồng hoa chậu, hoa thế. 5 năm trở lại đây, số hộ chuyển đổi mô hình trồng hoa ngày một đông, đưa cơ cấu số hộ trồng hoa lên 90% cơ cấu nông nghiệp.
Tự hào với mô hình trồng hoa hồng thế, anh Tạ Đức Tài, chủ nhà vườn Tài Lý cho chúng tôi biết, từ hộ dân trồng hoa cắt cành với diện tích nhỏ, được định hướng, hỗ trợ về giống và vốn, gia đình ông đã đổi ruộng, mở rộng diện tích canh tác thành hơn 6 nghìn mét vuông để trồng hồng ngoại.
Vườn hoa của ông Tạ Đức Tài là một trong những mô hình trồng hoa, trồng hồng thế được đầu tư hiệu quả tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Theo chủ vườn Tài Lý, các giống hồng ngoại được nhập về từ nhiều nước, sau đó được nhân giống, ghép cành rồi đổ buôn cho các nhà vườn.
“Cứ 5 tháng thu hoạch một lứa cây, mỗi năm, vườn hồng đem lại cho gia đình thu nhập 300-400 triệu đồng/ năm, so với lợi nhuận hoa cắt cành tăng 50%-60%”, chủ vườn Tài Lý cho biết.
Nói về chuyển đổi mô hình trồng hoa tại xã, ông Tạ Quang Thái cho biết, sau khi sáp nhập về Hà Nội, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của huyện và Thành phố, thu nhập của người dân đã từng bước được nâng cao. Nếu như trước đây, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15-20 triệu đồng/ người/ năm thì hiện nay mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã tăng lên 39 triệu/ người/ năm.
Mô hình sản xuất hoa hồng thế được huyện Mê Linh triển khai tại xã Mê Linh năm 2016, từ mô hình điểm tại đây đến nay đã có 60 hộ sản xuất hoa hồng thế với quy mô trên 12 ha và nhân rộng tại ác xã Liên Mạc, Thanh Lâm, Tiền Phong. Mô hình tạo ra những sản phẩm mang tính nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu hoa, cây cảnh trang trí.
Theo UBND huyện Mê Linh, sản xuất hoa hồng thế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, cao gấp hơn 10 lần so với trồng hoa hồng cắt càng và thu nhập hơn 200 lần so với trồng lúa.
Đem lại giá trị kinh tế cao
Tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, việc chuyển đổi mô hình nông nghiệp tại tập trung và trồng bưởi, phật thủ, đào, quất… Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa cho biết, trước năm 2008, xã Kim Hoa có hơn 20% hộ nghèo. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã xây dựng những mô hình trồng cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao như: cam, bưởi, phật thủ, đào, quất… đồng thời vận động người dân mạnh dạn đầu tư, vươn lên thoát nghèo.
Chị Hoàng Thị Thành, nhà vườn chuyên bưởi ghép và trồng đào tại xã Kim Hoa cho biết, vườn nhà chị có 300 cây bưởi cảnh, còn lại là đào, quất, chanh… Đầu ra của nhà vườn tương đối ổn định, thu nhập trung bình hàng năm trừ chi phí còn lại trên 400 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Kim Hoa chia sẻ, chính việc các hộ dân chuyển đổi mô hình nông nghiệp từ trồng lúa sang các mô hình hiệu quả hơn, đưa các hộ trong xã thoát nghèo.
“Trên địa bàn xã, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,5 lần so với trước năm 2008. Với những hộ đang trồng mô hình cam canh, bưởi diễn, phật thủ, hoa cây cảnh thì thu nhập 500-600 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5%”, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Xuân Trường cho biết.
Hoa hồng thu nhập hơn 200 lần so với trồng lúa ở Mê Linh. Ảnh: Gia Huy |
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Minh cho biết, năm 2008, Mê Linh là huyện duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về Thủ đô, với diện tích hơn 14 nghìn ha và gần 23 vạn dân. Trong 10 năm qua, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ; trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang; xây dựng nhà văn hóa thôn phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư; giao thông thủy lợi nội đồng được cứng hóa phục vụ sản xuất.
Huyện đã triển khai thực hiện việc đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân thông qua các mô hình trồng lúa, rau an toàn, trồng hoa, chăn nuôi…
Đến nay, huyện Mê Linh có nhiều vùng chuyên canh lớn và nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn. Diện tích canh tác rau trên địa bàn huyện khoảng trên 1 nghìn ha, hình thành vùng sản xuất củ cải tại xã Tráng Việt, vùng sản xuất bí xanh tại xã Đại Thịnh, Văn Khê… Các vùng sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất theo quy chuẩn VietGap đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm rau, củ, quả.
Ngoài tổng diện tích gieo trồng và sản lượng rau lớn nhất thành phố, huyện còn có một số vùng chuyên canh trồng hoa với diện tích hơn 1.400ha. Một số hộ gia đình xã Mê Linh đã phát triển diện tích trồng hoa ra các địa phương khác trên cả nước. Dọc các vùng đất bãi từ Tráng Việt đến Tiến Thịnh có tới 400ha trồng tập trung các loại cây ăn quả, năng suất đã đạt mức cao, sản lượng hàng hóa bán ra ngoài huyện lớn. Nhiều hộ sản xuất và buôn bán có quy mô lớn, liên kết với nhiều đầu mối trong và ngoài Hà Nội để tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Minh Hoàng Anh Tuấn cho biết, Mê Linh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa thành vùng tập trung; chuyển đổi mô hình sản xuất trong nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Hòa An/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;