Niềm vui của anh Hậu lại được nhân lên khi hay tin Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh lựa chọn HTX của anh làm nơi cung ứng vật tư, triển khai Dự án “Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Vạn Yên tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, theo hướng an toàn sinh học”.
Được mùa, được giá vẫn canh cánh nỗi lo
Việc sản xuất cam ở Vạn Yên đang chuyển mạnh theo hướng an toàn sinh học, phát triển bền vững. Ảnh: D.H
Giúp đất tơi xốp, giảm thất thoát dinh dưỡng... 12 hộ áp dụng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Vạn Yên cho hay: Các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên được chiết xuất và nuôi cấy bằng công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hàm lượng vi sinh vật có trong 1 gram sản phẩm lên đến 400 triệu (108cfu/g). Chế phẩm có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có sẵn trong đất giúp cho đất tơi xốp, cố định đạm và giảm thất thoát các chất dinh dưỡng từ đó bộ rễ cây dễ dàng phát triển khoẻ mạnh để hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng và sức kháng bệnh của cây đã cho tín hiệu tốt. Đặc biệt chế phẩm này thân thiện với môi trường, không gây hại sức khỏe con người. |
Xã Vạn Yên có hơn 100 hộ trồng cam, thu hoạch trên 200 tấn/vụ. Vì thế nhiều người vẫn thường gọi Vạn Yên là “Vương quốc cam” của huyện đảo Vân Đồn. Cam Vạn Yên từ lâu đã được người tiêu dùng ưa thích, cam thu hoạch tới đâu bán chạy hết tới đó…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết các hộ sản xuất cam đang canh tác theo cách truyền thống, sử dụng giống cam hiệu quả không cao và sử dụng nhiều phân hóa học nhằm tăng năng suất. Với cách thức sản xuất này, qua các vụ thu hoạch cam cho thấy, sản lượng và chất lượng không những không đạt được như mong muốn, đất đai ngày càng bị thoái hóa, canh tác khó khăn, mà còn ảnh hưởng môi trường sống và sản xuất của các hộ nông dân trong vùng.
Xuất phát từ thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đề xuất xây dựng dự án “Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Vạn Yên tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, theo hướng an toàn sinh học”.
Ông Đào Thanh Lưỡng - Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ninh cho biết: Thực tế người trồng cam ở Vạn Yên vẫn còn thiếu kinh nghiệm khi tiếp cận với các kỹ thuật để sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao. Việc ứng dụng kỹ thuật vi sinh vào trồng cam sẽ góp phần giúp nông dân có điều kiện tiếp nhận kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất sản phẩm sạch, an toàn phục vụ xã hội, nâng cao vị thế của thương hiệu vùng cam Vạn Yên.
Ngoài ra, theo ông Lưỡng, việc đưa giống cam mới Cao Phong vào trồng theo phương pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh vật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người sản xuất, dần thay thế giống cam đã thoái hóa, giảm chất lượng, sản lượng và giá thành thấp. Cùng với đưa giống cam mới vào trồng sẽ mở rộng diện vùng trồng cam tại huyện Vân Đồn.
Đón nhận cơ hội mới
Từ tháng 9, mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất cam Vạn Yên nhanh chóng được triển khai trên 12 hộ, với diện tich 4,5ha. 5.400 gốc giống cam V2 Cao Phong Hòa Bình đã được trồng thử nghiệm. Tương ứng với số cây giống này, Dự án cung cấp vật tư phục vụ sản xuất và các hoạt động phục vụ xây dựng mô hình.
Là một trong những hộ trồng cam nhiều nhất ở Vạn Yên, anh Hoàng Thế Hùng (thôn Cái Bầu) hào hứng khi nói về giống cam và phương pháp sản xuất mới áp dụng: “Chúng tôi từ lâu cũng đã được nghe về chất lượng của giống cam Cao Phong, nhưng còn e dè về vânấn đề thổ nhưỡng, kỹ thuật. Nhưng qua trồng thử nghiệm, nhất là lại được Hội Nông dân lựa chọn làm mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật, nên chúng tôi rất tự tin. Hiện tại cây giống cam Cao Phong đang trong giai đoạn sinh trưởng tốt, dự kiến tầm 3 năm sẽ cho bói quả”.
Ngay trong thời điểm làng cam Vạn Yên làm ăn thịnh vượng nhất, anh Trần Văn Hậu - Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên, đã lo lắng về việc đất ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, cân bằng hệ sinh thái và hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy; tồn dư các chất độc hại ngày càng cao, mầm bệnh tích lũy trong đất và môi trường ngày càng nhiều dẫn đến sự phát sinh một số dịch hại khó dự báo trước.
Chính vì vậy, việc tìm giống cam mới, phương pháp sản xuất mới để cải thiện năng xuất, môi trường đất canh tác đã bị thoái hóa là điều đáng suy nghĩ. “Các hộ nông dân tham gia mô hình được tiếp cận với kỹ thuật và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng cam, biết lựa chọn giống có chất lượng và giá trị kinh tế cao... Từ các hộ tham gia mô hình sẽ phổ biến đến các hộ trồng cam trên địa bàn, ứng dụng vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Qua đó, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thương hiệu sản phẩm cam Vạn Yên, góp phần bảo vệ môi trương nông thôn” – anh Hậu nói.
Được biết, ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ sẽ huy động nguồn vốn đối ứng của hội viên nông dân tham gia xây dựng mô hình. Theo đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ là hơn 580 triệu đồng; nguồn đối ứng của các hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình là gần 18 triệu đồng.
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên được thử nghiệm thành công trên diện tích cam tại xã Vạn Yên sẽ là bước đệm quan trọng để phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh; góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã