Sự “đỏng đảnh” của thời tiết làm cho người dân hết sức vất vả để chống lại dịch bệnh, đảm bảo sự sống cho tôm nuôi. Nhờ đó, nhiều diện tích nuôi thâm canh, công nghệ cao trên cát đã đem về hàng tấn tôm cho vụ nuôi đầu tiên trong năm.
31 ao tôm của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành đạt sản lượng gần 150 tấn, thu về hàng chục tỷ đồng.
Anh Hồ Quang Dũng - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) cho biết: “Một vụ nuôi tôm đầy thử thách bởi thời tiết thay đổi bất thường, làm cho nhiệt độ môi trường nước chênh lệch, ảnh hưởng đến sức đề kháng, tôm nuôi rất dễ “dính” bệnh. Từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch, anh em kỹ thuật “mất ăn, mất ngủ” để điều chỉnh các biện pháp chăm sóc, xử lý kịp thời những tình huống xấu xẩy ra, do vậy, tôm nuôi phát triển tốt. Vụ tôm đầu năm nay, HTX vừa tiến hành thu hoạch 31 ao nuôi, sản lượng đạt gần 150 tấn, năng suất 30-35 tấn/ha, thu về hàng chục tỷ đồng”.
Những ngày gần đây, tại vùng nuôi tôm trên cát xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên), người dân cũng bắt đầu thu hoạch rải rác. Anh Trần Hữu Tân (xóm Thiên Hương) cho hay: Vụ tôm này, anh thả gần 2 triệu con tôm giống Việt Úc trên diện tích 1,5 ha với 6 ao nuôi. Năm nay, thời tiết cực đoan, nhiều diện tích bị bệnh nên phải “căng mình” phòng chống. Sau gần 4 tháng thả nuôi, anh thu hoạch 3 ao, sản lượng 16 tấn. Giá tôm hiện tại còn thấp nhưng cũng mang về cho anh gần 3 tỷ đồng tiền lãi.
Đầu vụ nuôi, mưa lạnh kéo dài nên nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh xuống giống muộn hơn so với những năm trước. Nhiều hộ thu hẹp diện tích, không dám đầu tư bởi thời tiết năm nay khá bất thường. Thời điểm này, chỉ một vài diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên cát ở các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… cho thu hoạch gần 400 tấn tôm thương phẩm.
Tuân thủ kỹ thuật, sử dụng giống đảm bảo chất lượng, nhiều chủ đầm tôm “thắng lớn”.
Theo Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Lưu Quang Cần, vụ tôm năm nay, dịch bệnh đốm trắng, gan tụy cấp tính xẩy ra tại nhiều vùng nuôi ở huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà…, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Những diện tích đã và sẽ cho thu hoạch hầu hết là vùng nuôi thâm canh, công nghệ cao trên cát, được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng cùng với các yếu tố kỹ thuật cao, phòng ngừa tốt dịch bệnh.
Phải đến giữa tháng 7 mới vào chính vụ thu hoạch, nhưng hiện nay, thời tiết đang nắng nóng nên người dân cần phải có biện pháp chống nóng cho những diện tích chưa thu hoạch. “Nắng nóng, tôm sẽ giảm ăn, do vậy, chỉ cho ăn bằng 70-80% lượng thức ăn hằng ngày, vào thời điểm sáng sớm, chiều tối, trời mát, đồng thời, duy trì độ sâu của ao trên 1,5m. Mặt khác, cần tăng cường sục khí trong ao để cung cấp đủ hàm lượng ôxy ở mọi tầng nước; dùng chế phẩm sinh học để tạo hệ vi khuẩn có lợi, át chế vi khuẩn có hại, giảm sự phát triển của tảo, ổn định pH và độ kiềm trong nước…” - ông Cần khuyến cáo.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;