“Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với tâm huyết và quyết tâm của mình, chị đã thành công.
“Từ bỏ biên chế Trường Trung cấp Nông nghiệp Bình Dương về quê khởi nghiệp trên mảnh vườn gần 900 m2 ở xóm 4 xã Xuân Viên (Nghi Xuân), mạnh dạn vay mượn, tôi đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đầu tiên trên đất Hà Tĩnh. Vậy mà đến ngày “hái quả”, cơn bão số 2 năm 2017 đã “xóa sổ” vườn dưa lưới. Chỉ sau một đêm, biết bao tâm huyết, công sức, tiền bạc còn lại hai bàn tay trắng..." - Chị Chung hồi nhớ.
Giải quyết nợ nần, khôi phục lại vườn dưa lưới mà mình luôn đau đáu, ấp ủ, chị đành phải bôn ba đi khắp nơi để chuyển giao KHKT về công nghệ trồng dưa lưới của Israel cho một số tỉnh phía Nam; lăn lộn làm đủ nghề từ “cò đất” cho đến phiên dịch cho người Đài Loan... để kiếm tiền.
Có được ít vốn trong tay, chị lại trở về quê hương tiếp tục đầu tư cho vườn dưa lưới của mình.
Bắt đầu từ tháng 2/2018, chị bắt tay vào xây dựng lại 3 nhà màng khép kín được thiết kế chắc chắn để phòng chống mưa bão cùng với hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel. Trong đó, một nhà màng chị ươm thử nghiệm 600 cây dưa với nhiều loại giống của Nhật Bản; còn 2 nhà màng chị trồng hơn 1.600 giống dưa lưới các loại như: giống AB của Công ty Khang Nguyên (TP.Hồ Chí Minh), giống dưa của Công ty Nuvi - Israel và một ít giống dưa Hà Lan.
Sau hơn 2 tháng miệt mài chăm sóc, đến nay, vườn dưa lưới của chị đã “đơm hoa, kết trái” và dự kiến khoảng 10 ngày tới sẽ cho kỳ thu hoạch.
Chị Chung vui vẻ cho biết: Tỷ lệ đậu quả của vườn dưa chiếm khoảng 85%, mỗi quả nặng bình quân từ 1,5 – 2,3 kg. Sản lượng của vụ này ước tính gần 2 tấn quả, bán với giá 50 – 60 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, vụ dưa này sẽ mang về cho chị hơn 60 triệu đồng.
Việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giúp giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại). Dưa có vị thơm, ngọt thanh thanh nên được nhiều người ưa chuộng.
Dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng hiện tại, vườn dưa của chị đã có nhiều khách hàng ở Hà Nội, TP. Vinh (Nghệ An) tìm đến “đặt hàng”.
Theo chị Chung, vùng đất Nghi Xuân rất thích hợp để trồng dưa lưới công nghệ cao từ tháng 2 cho đến tháng 8 với nhiều loại giống khác nhau. Sau thu hoạch vụ dưa lưới này, chị sẽ tiến hành trồng dâu tây, dưa leo và cà chùa... thích hợp với điều kiện thời tiết và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trồng dưa lưới theo công nghệ Israel của chị Phan Thị Kim Chung đã mang đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình này là hướng đi mới tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, mở ra cơ hội cho bà con nông dân không chỉ trên địa bàn xã mà có thể phát triển trên toàn huyện.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn