Học tập đạo đức HCM

Từ bỏ mức lương “nghìn đô ” về quê nuôi lợn với giấc mơ tỷ phú

Thứ hai - 27/02/2017 03:21

Từ bỏ mức lương “nghìn đô ” về quê nuôi lợn với giấc mơ tỷ phú

Từng làm việc cho dự án nước ngoài với thu nhập cả ngàn USD mỗi tháng, nhưng do đam mê làm trang trại nên chàng thạc sỹ ngành Kỹ thuật công trình giao thông người Hà Tĩnh đã về quê mở trang trại chăn nuôi lợn cho lợi nhuận tiền tỉ mỗi năm.

 

 
Ông chủ trẻ Phan Công Vũ bên đàn lợn thịt siêu nạc 1.800 con của mình. Ảnh: Trần Tuấn

 

Hiện thực giấc mơ làm ông chủ trang trại

Vượt gần chục km từ trung tâm thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi lợn duy nhất ở xã Kỳ Tây huyện Kỳ Anh của thạc sỹ Phan Công Vũ (SN 1986, thường trú tại tổ dân phố Hưng Lợi, phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh), để tìm hiểu mô hình nuôi lợn sạch mà anh đang tâm huyết thực hiện.

Dẫn chúng tôi mục sở thị đàn lợn thịt siêu nạc 1.800 con khỏe khoắn, da hồng hào trong 3 chuồng nuôi khép kín rộng lớn, anh Vũ giọng phấn khởi: “Bình quân mỗi con đã 80kg rồi. Tầm vài tháng nữa là mình xuất chuồng hết, khi đó mỗi con phải nặng 120kg”.

Tôi hỏi, việc tiêu thụ có gặp khó khăn gì không? Vũ cho biết, ngay từ khi nuôi đã ký hợp đồng liên kết với các đơn vị tiêu thụ nên rất yên tâm khoản đầu ra này. Không chỉ nuôi lợn siêu nạc, Vũ còn nuôi khoảng 300 con lợn rừng cung cấp thịt vào dịp lễ, Tết với giá bán rất cao, mỗi con hơn chục triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi hàng trăm con gà, thả 2 ao cá lớn, trồng 2 ha chè, 6 ha keo, hơn 2 ha cây ăn quả trong trang trại diện tích 11 ha này.

Chia sẻ về cơ duyên làm ông chủ trang trại với cơ ngơi hơn chục tỉ đồng này, Vũ kể, năm 2009, anh tốt nghiệp khoa Cầu đường Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM và được nhận vào làm kỹ sư tại một dự án ODA của Nhật Bản ở Vũng Tàu với mức lương hơn 1.000 USD/tháng. Năm 2010, anh góp một ít tiền rồi vay mượn thêm nhờ bố mẹ ở quê mua 11ha đất ở xã Kỳ Tây với giá thời điểm này là hơn 1 tỉ đồng để sau này đầu tư làm trang trại chăn nuôi.

Công tác ở dự án ODA Vũng Tàu được 3 năm thì kết thúc dự án, Vũ chuyển sang làm cho một công ty Hàn Quốc ở TPHCM cũng thu nhập hơn một ngàn đô la mỗi tháng. Khi đã có đất để làm trang trại, ước mơ làm ông chủ trang trại ngày một thôi thúc Vũ phải sớm hiện thực hóa giấc mơ. Đang có chút đắn đo thì năm 2012, mẹ Vũ qua đời, nhà neo người, chỉ có 2 anh em trai nên Vũ quyết định về quê lập nghiệp, từ bỏ công việc cho thu nhập cao ở thành phố năng động nhất nước mà không một đắn đo.

Thế nhưng, về quê tính đầu tư làm trang trại thì còn bộn bề bao nhiêu việc, chưa biết phải bắt đầu từ đâu, bởi lúc bấy giờ 11ha đất rừng mà anh mua còn quá hoang vu, đường vào chưa có, điện cũng chưa. Muốn làm trang trại, phải đầu tư quá lớn, gần như bắt đầu từ con số không. Do còn nhiều khó khăn, vốn liếng chưa có nên Vũ tính đầu tư từng bước theo hướng lấy ngắn nuôi dài để có vốn tái đầu tư dần mở rộng quy mô.

Tháng 8.2014, Vũ nuôi lứa lợn đầu tiên quy mô 600 con. Thời gian này, Vũ đã đi học Cao học và lấy bằng Thạc sỹ ngành Kỹ thuật công trình giao thông tại Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội năm 2015. Thế nhưng, cầm bằng thạc sỹ trong tay, Vũ không đi xin việc mà ở nhà dốc sức đầu tư vào trang trại. Sau lứa lợn đầu tiên thấy lợi nhuận khá, năm 2015, Vũ mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi lên hơn 1.000 con lợn thịt siêu nạc.

Năm 2016 nâng lên 1.800 con, trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 1 tỉ đồng. Hỏi sao có bằng thạc sỹ mà không đi xin việc, Vũ chia sẻ: “Có thể khẳng định, với tấm bằng thạc sỹ ngành công trình giao thông và đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trước đó thì mình có thể kiếm việc khá dễ với thu nhập không tồi, nhưng học để phòng tình huống xấu sau này, chứ bây giờ còn trẻ, còn đầy nhiệt huyết nên mình quyết thực hiện ước mơ làm trang trại đã”.

Từ bỏ mức lương “nghìn đô ” về quê nuôi lợn với giấc mơ tỷ phú ảnh 1
Tấm bằng Thạc sỹ của Phan Công Vũ. Ảnh: Trần Tuấn

Quyết tâm thực hiện thương hiệu lợn sạch

Biến giấc mơ thành hiện thực với những bước đi chắc chắn, thận trọng, tận dụng được các lợi thế về chính sách ưu đãi của nhà nước, năm 2016, Vũ đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát do mình làm Giám đốc với vốn điều lệ 11 tỉ đồng. HTX có 7 thành viên, trong đó, nguồn vốn chủ yếu là của Vũ. Công nhân được Vũ trả lương 6 triệu đồng/người/tháng. Thành công của Vũ đã được UBND xã Kỳ Tây tặng bằng khen là điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng và phát triển mô hình kinh tế, được UBND huyện Kỳ Anh tặng bằng khen ghi nhận đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi lợn liên kết.

Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, Vũ giọng đầy quyết tâm: “Mình sẽ nâng quy mô lợn rừng lên đến khoảng 1.000 con. Vừa nuôi thương phẩm vừa bán con giống. Bởi thực tế, vừa qua rất nhiều người đặt vấn đề mua giống mà mình chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Đối với lợn thịt siêu nạc, mình cũng tự nhân giống và nuôi theo hướng gây dựng thương hiệu thực phẩm sạch bền vững, không sử dụng cám tăng trọng, không dùng kháng sinh. Giống lợn này sẽ không chạy theo quy mô số lượng mà tập trung cho chất lượng sạch. Sau đó sẽ mở các cửa hàng thực phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng mang thương hiệu HTX Hoàng Phát”.

Vũ cũng tự tin khẳng định, lợn sạch của anh có thể giá bán cao hơn so với giá thị trường, nhưng chắc chắn sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Bởi, đời sống người dân ngày càng cao, họ sẽ chấp nhận giá cao để có thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Lạc quan tin tưởng, tuy nhiên, hiện HTX của ông chủ trẻ vẫn còn đối mặt với khó khăn trước mắt là công suất điện quá yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Thời gian tới, anh tính toán phải bỏ ra số tiền lớn để kéo đường dây mới về cải thiện tình trạng thiếu điện này. Thêm nữa, HTX mới thành lập, đang cần thêm rất nhiều vốn để tiếp tục đầu tư theo hướng đa sản phẩm nên tiếp tục sẽ phải cần đến vốn vay ngân hàng...  

Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng với những gì đã làm được, tin chắc rằng thạc sỹ, ông chủ trẻ Phan Công Vũ sẽ thành công với đam mê của mình và khẳng định được bản thân ngay trên mảnh đất quê nhà nghèo khó mà người ta vẫn ca thán là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Theo Trần Tuấn Lao động

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập229
  • Hôm nay25,968
  • Tháng hiện tại204,535
  • Tổng lượt truy cập90,267,928
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây