5 ha cam, bưởi tươi tốt trong nắng hạn
Năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Thắng (thôn 6, xã Hương Thủy – Hương Khê) tham gia dự án sản xuất hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trên diện tích 3 ha.
Chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ khá phức tạp, phải tuân thủ nghiêm hướng dẫn của ngành chuyên môn, song, đến thời điểm này chị Thắng rất hài lòng.
Quá trình chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ...
... chị Nguyễn Thị Thắng (xã Hương Thủy – Hương Khê) chỉ sử dụng phân chuồng, phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học theo hướng dẫn của chuyên môn
Chị Thắng tiết lộ: “Gia đình trồng bưởi đã 30 năm. Trước đây, chúng tôi bón phân hóa học tùy tiện, phun thuốc BVTV mà không quan tâm đến liều lượng. Năm nay, chúng tôi chỉ sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học theo hướng dẫn. Điều dễ dàng nhận thấy là trong điều kiện nắng hạn khắc nghiệt, khi nhiều ha cam, bưởi ở Hương Khê héo úa thì 250 gốc bưởi Phúc Trạch của gia đình luôn tươi tốt, lá xanh mướt. 7.000 quả bưởi năm nay có hình thức đẹp, trọng lượng quả lớn hơn năm ngoái. Với sản phẩm chất lượng, an toàn, hứa hẹn sẽ được giá hơn với nguồn thu ước trên 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với mùa trước”.
Trang trại của gia đình anh Trần Đình Lâm (thôn Hưng Bình – xã Lộc Yên - Hương Khê) rộng gần 2 ha, nằm độc lập trên đồi cao. Đây là điều kiện thuận lợi để anh triển khai sản xuất hữu cơ cam Khe Mây.
Anh Lâm chia sẻ: “Năm nay, cam được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ trên nền phân chuồng, phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học, kết hợp tấp tủ rơm rạ, vỏ lạc… giúp tăng cường hệ sinh vật trong đất, giữ độ ẩm cho đất rất tốt. Vì thế mà ở vùng đất đồi khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng cây luôn hút được dinh dưỡng, quả nhanh phát triển. Điều mừng nữa là sản xuất hữu cơ sẽ cho sản phẩm an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật - điều mà thị trường đang rất cần và tất nhiên giá trị sản phẩm ắt sẽ cao hơn. Đó là cơ sở để chúng tôi dần chuyển đổi gần 2 ha cam, bưởi còn lại theo tiêu chuẩn hữu cơ”.
Mô hình cam hữu cơ của gia đình anh Trần Đình Lâm (xã Lộc Yên).
Theo ngành chuyên môn, cam, bưởi ở Hà Tĩnh chủ yếu được trồng ở những vùng đất bạc màu. Do thời gian dài lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV, đất càng chai sạn nên việc bổ sung hữu cơ bằng phân chuồng, phân xanh hay các sản chế phẩm sinh học rất cần thiết.
5 ha cam, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tươi hứa hẹn bội thu
Trên thực tế, 5 ha cam, bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đều sinh trưởng, phát triển tốt hơn trong điều kiện nắng hạn. Điều này đã cho thấy khi tăng cường chất hữu cơ vào đất thì khả năng giữ nước, giữ phân của đất tốt hơn. Việc cung cấp chất dinh dưỡng cho rễ (qua phân bón) hay lá (bằng chế phẩm) bước đầu đã phát huy hiệu quả trong điều kiện sản xuất khắc nghiệt như năm nay.
70 ha lúa phát triển tốt, không sâu bệnh
Vụ hè thu 2020, gia đình bác Trần Minh Lam (thôn Tân Phong, xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh) sản xuất 6 sào lúa RVT theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ruộng của bác Lam cũng như 20 ha lúa sản xuất tập trung của 172 hộ thôn Tân Phong đều được cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên)
Bác Lam cho hay: Thay vì sử dụng các loại phân hóa học (đạm, kali…) như trước, vụ này tôi chỉ dùng phân chuồng và phân bón theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ của Tổng Công ty sông Gianh. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nên một số lỗi trong sản xuất được khắc phục kịp thời. Điều phấn khởi là vụ này lúa không sâu bệnh hại, cây lúa rất đẹp. Chúng tôi đang kỳ vọng với sản phẩm chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ dễ bán mà giá cũng cao hơn so với lúa bình thường.
Ngoài xã Kỳ Giang, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với sản phẩm OCOP vụ hè thu 2020 cũng được triển khai tại các xã: Cẩm Thành (Cẩm Xuyên), Thạch Liên (Thạch Hà) và Yên Hồ (Đức Thọ) với tổng diện tích 70 ha.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Thạch Liên (Thạch Hà)
Ông Nguyễn Văn Trí – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Quy trình sản xuất thâm canh lúa tại các địa phương được thực hiện theo tiêu chuẩn hữu cơ do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3/SC1 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Quá trình sản xuất, nông dân từng bước khoanh vùng khu vực sản xuất hữu cơ, xây dựng vùng đệm tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm, khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra vùng sản xuất lúa thực hiện theo mô hình sản xuất hữu cơ tại xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên).
Cũng theo ông Trí, mô hình được triển khai 3 năm liên tục. Hiện tại, đã cho kết quả rất tốt, từ năng suất cho đến chất lượng, mở ra hướng sản xuất bền vững cho nông nghiệp Hà Tĩnh. Đặc biệt, nông dân tham gia mô hình đã dần quen với phương thức sản xuất lúa hàng hóa không chứa hóa chất kích thích, không phân bón hóa học, không thuốc BVTV, không chất bảo quản. Từ đó, tạo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái; đáp ứng yêu cầu thị trường, hướng tới đạt tiêu chuẩn hữu cơ và chuẩn sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh: Để sản xuất hữu cơ thành công và nhân rộng mô hình cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã, huyện. Theo đó, phải tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức của người dân trên cơ sở lấy đích đến là từng bước cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu của đất canh tác trên tất cả đối tượng cây trồng theo hướng sử dụng các chế phẩm có hàm lượng hữu cơ cao hoặc 100% hữu cơ. Sản xuất hữu cơ là một quy trình dài, không nóng vội, không thể đòi hỏi ngay lập tức cây trồng vừa đạt năng suất cao, vừa có sản phẩm chất lượng tốt mà đất đai lại màu mỡ. Giai đoạn đầu, chúng ta có thể chấp nhận năng suất sản phẩm thấp hơn nhưng đổi lại chất lượng tốt thì dần dần thị trường sẽ chấp nhận giá cả. Ngoài ra, trong sản xuất hữu cơ, cần ưu tiên các vùng chuyên canh có điều kiện (đáp ứng các yếu tố hạ tầng, nguồn nước, vùng đất quy mô tương đối lớn, độ đồng nhất tương đối cao), ý thức sản xuất của người dân tốt để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó, mở đường cho doanh nghiệp, HTX vào kết nối sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Thừa Lộc – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê: Với đất đồi núi, khí hậu khắc nghiệt như Hương Khê, sản xuất hữu cơ là hướng đi bền vững. Việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV gây phá vỡ kết cấu đất, khiến đất ngày càng chai sạn, cây còi cọc dần. Ngược lại, sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học theo thời gian sẽ làm giàu độ phì nhiêu trong đất. Tuy nhiên, tùy vùng đất để có biện pháp xử lý hiệu quả trên cơ sở lựa chọn dòng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học có chỉ số phù hợp, cân đối. Ngoài ra, cần khuyến khích việc tấp tủ gốc để giữ độ ẩm trong đất. Đất đồi cần sử dụng các biện pháp chống xói mòn, trồng thêm cây họ đậu, rau màu để tăng thu nhập. Ông Bạch Đình Sáng – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bưởi hữu cơ thôn 6, xã Hương Thủy (Hương Khê): Đất canh tác muốn màu mỡ phải tăng lượng hữu cơ bằng cách tấp tủ, sử dụng phân chuồng, phân xanh và bổ sung các sản phẩm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Do nhiều nguyên nhân nên nông dân đa phần sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, những sản phẩm này giá cao so với phân bón hóa học. Về lâu dài, nông dân mong muốn có chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư mô hình sản xuất hữu cơ. Theo Thu Phương - Thái Oanh/baohatinh.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;