Theo thống kê, sâu bệnh (trong đó có rầy nâu) làm giảm trung bình 20% năng suất cây trồng, giảm chất lượng, hình thức nông sản (ảnh: Nguyễn Oanh).
Trên thực tế, bệnh rầy nâu và các loại sâu hại khác nói chung ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng tại Hà Tĩnh. Việc phòng trừ sâu hại trên các cây trồng đang được áp dụng hiện nay chủ yếu là phun thuốc hóa học.
Tuy nhiên, biện pháp này đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tại Hà Tĩnh, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học hằng năm sử dụng cho lúa và rau màu, cây ăn quả ước tính khoảng 220 tấn.
Việc phòng trừ sâu hại trên các cây trồng hiện nay chủ yếu là phun thuốc hóa học
Theo thông tin từ Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh (Sở Y tế), hóa chất BVTV tuy đem lại hiệu quả tức thời, nhanh chóng nhưng lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, thậm chí tăng khả năng mắc bệnh ung thư, đột biến gen nếu sử dụng không đúng phương pháp, không theo khuyến cáo…
Ở nước ta, hằng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất BVTV phải cấp cứu, trong đó có trên 300 trường hợp tử vong.
Nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp theo định hướng tạo ra các sản phẩm an toàn, dần hướng tới xây dựng cộng đồng sản xuất nông nghiệp phi hoá học, tháng 5/2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm nấm ký sinh (Metarhizium anisopliae) để quản lý rầy nâu hại lúa và phòng trừ sâu, rệp hại rau màu, cây ăn quả tại Hà Tĩnh”.
Ngườn dân Tượng Sơn (Thạch Hà) thử nghiệm sử dụng nấm ký sinh trên diện tích 1 ha lúa và gần 1 ha rau màu.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Trần Thị Thúy Anh – Chủ nhiệm dự án cho biết: Sau gần 2 năm triển khai dự án, đến nay, Trung tâm đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm nấm ký sinh; đồng thời đang sản xuất thử nghiệm chế phẩm nấm ký sinh quản lý rầy nâu hại lúa và phòng trừ sâu, rệp hại rau màu, cây ăn quả. Chế phẩm đạt mật độ bào tử ≥ 1,2x108 CFU/g, thời gian bảo quản 6 tháng.
Chế phẩm nấm ký sinh còn gọi là nấm xanh, sống ở nhiệt độ bình thường. Khi phun, nấm bám vào thân con rầy và hút hết dinh dưỡng làm rầy chết sau 5 - 7 ngày. Ngoài rầy nâu, nấm xanh còn tiêu diệt bọ xít, rầy lưng trắng, châu chấu, hay một số côn trùng khác.
Hiệu quả trừ sâu bệnh bước đầu được người dân tham gia mô hình đánh giá cao.
Trong quá trình triển khai, dự án cũng đã xây dựng mô hình thử nghiệm ứng dụng chế phẩm nấm ký sinh (Metarhizium anisopliae) quản lý rầy nâu trên cây lúa, phòng trừ rệp, sâu hại trên cây rau màu tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà); phòng trừ sâu hại trên cây cam tại xã Nam Điền (Thạch Hà) và các loại cây ăn quả tại vườn ươm của Trung tâm.
Ông Dương Kim Dũng (thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn) chia sẻ: Các năm trước, cánh đồng lúa của thôn đều bị ảnh hưởng bởi rầy nâu. Năm nay, được phun khảo nghiệm nấm ký sinh nên lúa phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh. Cùng với lúa, việc sử dụng nấm ký sinh trên 1 ha rau của thôn cũng rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Trang (chủ trang trại tại xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) cho hay: “Sau khi được sử dụng thử sản phẩm nấm ký sinh, tôi thấy việc diệt sâu hại trên cây ăn quả rất hiệu nghiệm. Hiện đang là thời kỳ cao điểm của các loại sâu, rệp phát triển nhưng cây ăn quả trong vườn hiện vẫn an toàn. Với thông tin sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường thì chúng tôi rất mong muốn sản phẩm được bán đại trà với giá hợp lý cho người dân”.
Nấm ký sinh tiêu diệt được khoảng 80% sâu hại trên cây ăn quả tại trang trại ông Nguyễn Minh Trang.
Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Trần Thị Thúy Anh cho hay: Qua thử nghiệm trên các mô hình cho thấy, việc sử dụng nấm ký sinh kiểm soát được hơn 75% rầy nâu, sâu hại cây ăn quả và rau màu. Người dân cũng sẽ tiết kiệm được khoảng 10 - 20% chi phí phòng trừ dịch hại so với dùng thuốc hóa học. Điều quan trọng hơn là đảm bảo sản phẩm nông nghiệp không có dư lượng thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và hệ sinh thái.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đang tiếp tục theo dõi, đánh giá quy trình công nghệ và các mô hình triển khai nhằm có cơ sở khoa học để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;