Học tập đạo đức HCM

Bước chuyển Thuận Thành

Thứ tư - 22/08/2018 19:23
Hiện thực hóa chủ trương, chính sách từ các kỳ đại hội của Đảng, Nghị quyết HĐND các cấp gắn liền đổi mới phương pháp, tác phong công tác, huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) có bước đi vững chắc, phát huy nguồn lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Một góc trang trại ứng dụng công nghệ cao trồng cây ăn quả cho năng suất cao tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Diện mạo mới từ chính sách và nội lực

Xã Hoài Thượng, dải đất ven sông Đuống với những cánh đồng chuyên canh rau, mầu xanh mát mắt ôm trọn làng quê trù phú tạo nên bức tranh đồng quê đặc sắc. Buổi sáng trên con đường ngõ xóm, người nông dân ra đồng, trẻ em đi học, những tốp thợ tới công xưởng của làng, xã… Được biết, xã hiện có 18 công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động cùng hơn 480 xưởng, hộ sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp thu hút hơn một nghìn lao động làm việc cùng 355 hộ tham gia dịch vụ tạp hóa, chế biến nông sản, vận tải. Nhịp điệu lao động, sản xuất của những nhà máy, xưởng mộc, xưởng may nơi đây luôn sôi động. Xã đã cơ bản giải quyết được việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ với thu nhập bình quân từ bốn đến bảy triệu đồng/người/tháng. Cùng khách tham quan một số công trình nông thôn mới, Bí thư Đảng ủy xã Hoài Thượng Lê Thế Thêm chia sẻ, có được diện mạo Hoài Thượng hôm nay là nhờ quá trình coi trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, kiên trì mục tiêu khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới mở xưởng sản xuất, cơ sở dịch vụ gắn liền quá trình xây dựng nông thôn mới.

Những năm gần đây, huyện Thuận Thành ghi dấu ấn với các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ các chủ trương, chính sách mới được triển khai đúng hướng, kịp thời, huyện đã thu hút, khuyến khích được nhiều doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX), hộ nông dân quan tâm đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất ổn định. Thuận Thành đang là nơi cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao của tỉnh Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, một chủ trang trại trồng cây ăn quả có giá trị cao. Đi dưới tán vườn cam sai trĩu cành, ông chia sẻ năm 2015, với chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh và huyện, ông đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo 7 ha đất bãi ven đê sông Đuống thành trang trại. Đến nay, trang trại gia đình ông có hơn mười nghìn gốc cam cho quả và xuất khẩu giống, bình quân cho thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm.

Kinh tế tập thể của huyện có thêm những mô hình mới. Như HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh, thành lập năm 2017 và được tỉnh hỗ trợ 640 triệu đồng xây dựng 43 lồng nuôi cá trên sông Đuống. Đến nay, HTX đã phát triển lên 85 lồng nuôi cá trắm, cá chép giòn, cá diêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi năm, HTX xuất ra thị trường từ 400 đến 500 tấn cá thương phẩm và từ hai đến ba triệu con cá giống cung cấp cho các trang trại trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng.

Những năm gần đây, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện. Với chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trồng trọt của tỉnh và huyện, hàng chục tỷ đồng được hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao. Như hỗ trợ 50% giá giống cây ăn quả chất lượng cao với quy mô trồng từ 0,5ha trở lên; hỗ trợ nghiệm thu chi trả sản xuất lúa, rau màu cho HTX dịch vụ nông nghiệp. Huyện đã chi trả hơn bốn tỷ đồng hỗ trợ các công trình khí sinh học bi-ô-ga; đệm lót sinh học; công tác tiêm phòng các loại vắc-xin cho các mô hình chăn nuôi...

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Hoàng trao đổi, toàn huyện có 352 trang trại, gia trại thu hút hàng chục nghìn lao động nông nghiệp, mỗi năm mang lợi nhuận về cho nông dân hàng chục tỷ đồng. Huyện đang có hơn 45 nghìn lượt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều hộ có thu nhập bình quân hằng năm từ vài trăm triệu đồng trở lên. Hai năm qua, huyện đã và tiếp tục nghiên cứu tổ chức hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ các loại nông sản, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn…

Người dân làm chủ, cơ sở là nền tảng

Kinh nghiệm từ Thuận Thành cho thấy, để chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đi vào cuộc sống, vai trò công tác xây dựng Đảng gắn liền sửa đổi lề lối, tác phong lãnh đạo nhằm phát huy nội lực, vai trò của nhân dân là những nhân tố quan trọng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Thị Liên trao đổi với chúng tôi như vậy. Thực tế ghi nhận việc huy động sự tham gia, đóng góp của quần chúng tham gia xây dựng Đảng ở đảng bộ huyện theo hướng bảo đảm thực chất, đổi mới về cả hình thức và phương pháp. Lấy dấu mốc từ trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay, cấp ủy, chính quyền phối hợp MTTQ các cấp trong toàn huyện đã tổ chức, chủ trì hơn 800 hội nghị quần chúng tham gia ý kiến đóng góp xây dựng Đảng và 1.700 hội nghị tham gia xây dựng chính quyền như: Hội nghị tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện phục vụ đại hội đảng bộ các cấp; lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy đảng thông qua hình thức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình định kỳ; góp ý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đại biểu nhân dân chất vấn trực tiếp thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, nêu kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri, kỳ họp HĐND, UBND các cấp... Đồng thời, ba năm qua, HĐND, MTTQ và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tăng cường các hoạt động giám sát theo quy định. Đến nay, ba loại hình quy chế dân chủ đã được triển khai thực hiện sâu rộng ở tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tất cả 18 xã, thị trấn của huyện. Trong xây dựng nông thôn mới, các xã đã tập trung giám sát thực hiện 19 tiêu chí, các khoản thu, đóng góp của nhân dân. Công trình xây dựng đường sá, kênh mương nội đồng, trạm y tế, chợ nông thôn, nhà văn hóa, trường học... đều có sự giám sát hiệu quả của cơ quan chức năng và nhân dân, bảo đảm chi tiêu không bị thất thoát, lãng phí. Công trình sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Vấn đề được quần chúng, đảng viên trong đảng bộ ghi nhận, phản ánh trong các hội nghị, từ các cuộc đối thoại là quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có những chuyển biến tích cực. Nhất là về ý thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đổi mới theo hướng gần dân, sát dân, cùng dân bàn bạc, giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Việc đổi mới tác phong công tác của cấp ủy, chính quyền hướng mạnh vào mục tiêu bảo đảm người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, quyết định những phần việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Đây cũng là “kim chỉ nam” giúp cấp ủy, chính quyền các cấp hoạch định chương trình, kế hoạch công tác bảo đảm khoa học, sát thực tiễn, huy động cao các nguồn lực tại chỗ.

Tạo động lực phát triển ở Thuận Thành chính là quá trình nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tham gia xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy đang dồn sức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tinh gọn bộ máy, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy nội lực trong nhân dân, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn liền tăng cường an ninh, chính trị trên địa bàn.

Theo Lê Mậu Lâm/Báo Nhân Dân .vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập325
  • Hôm nay38,522
  • Tháng hiện tại772,834
  • Tổng lượt truy cập88,127,904
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây