Vùng bưởi, cam Kim Động đầy sắc hương những ngày cuối năm
Những ngày cuối tháng 10, đi dọc các tuyến đường bê tông quanh xã Đồng Thanh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn cam Vinh đang độ chín vàng, cam đường canh xanh mướt quả sai trĩu cành, hương cam phả vào trong gió như muốn níu chân người qua lại.
Ông Đào Văn Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Năm 2004, một số nông dân năng động trong xã đã đưa cây cam Vinh, cam đường canh về trồng tại địa phương. Thấy cam hợp thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác, nông dân trong xã bảo nhau cùng trồng cam. Đến nay, toàn xã có khoảng 145ha trồng các loại cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn và sẽ tiếp tục chuyển đổi những chân ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây này để nâng cao thu nhập cho người dân.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cam đang vào độ chín, anh Lương Văn Tươi ở thôn Thanh Sầm nhắc các công nhân cẩn thận, nhẹ nhàng cắt từng quả cam để không bị dập vỏ, hư hỏng.
Gia đình anh Tươi bắt đầu trồng cam từ năm 2008, đến nay, anh có hơn 1,6 mẫu trồng cam Vinh, cam đường canh và 2,5 sào trồng bưởi Diễn. Cam Vinh bắt đầu thu hoạch từ tháng 9 âm lịch, cam đường canh và bưởi Diễn thu hoạch từ tháng 11 âm lịch cho đến Tết. Năm nay, gia đình anh ước thu khoảng 10 tấn cam và trên 3.000 quả bưởi Diễn. Với giá bán cam Vinh từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, cam đường canh từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, bưởi Diễn từ 30.000 - 35.000 đồng/quả, mỗi năm, gia đình anh Tươi thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ trồng cam, bưởi.
Theo anh Tươi: “Cam đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn đều là những loại cây rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải cần cù, chịu khó và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Để bảo đảm chất lượng và an toàn cho các loại quả trong vườn, tôi chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ do gia đình tự ủ”.
Người dân Kim Động áp dụng kỹ thuật để có những trái bưởi chất lượng
Rời vườn cam nhà anh Tươi, chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình anh Vũ Văn Luận, thôn Thanh Sầm. Anh Luận không chỉ là người đầu tiên đưa cây cam về trồng ở Đồng Thanh mà còn là nông dân có diện tích trồng cam lớn nhất xã với 17 mẫu trồng cam, trong đó có 5 mẫu trồng tại địa phương và 12 mẫu cam ở tỉnh Hòa Bình.
Với diện tích đất nông nghiệp của gia đình anh Luận là 1,5 mẫu ruộng trũng, hàng năm cấy lúa cho thu nhập thấp, năm 2004 anh mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam Vinh, cam đường canh. Do chưa nắm vững kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây nên những năm đầu, cam của gia đình anh Luận cho năng suất, chất lượng thấp.
Sau 3 năm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, ruộng cam của anh Luận luôn tươi tốt, sai quả, mỗi sào cho thu nhập từ 25 - 35 triệu đồng/năm. Với trình độ thâm canh và kinh nghiệm nhiều năm chăm sóc cam, năm nay, sản lượng cam Vinh, cam đường canh của gia đình anh Luận ước đạt trên 100 tấn quả, mang lại thu nhập ước tính trên 2 tỉ đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Luận còn giúp đỡ nhiều hộ nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn trong xã về vốn, giống cây trồng, kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật chăm sóc cây.
Đầu năm 2017, anh Luận cùng với 6 nông dân trong xã thành lập Hợp tác xã rau, củ, quả xã Đồng Thanh, đứng ra cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây và thu mua sản phẩm cho người dân.
Tỉnh Hưng Yên đang có chính sách để hỗ trợ phát triển vùng cam, bưởi Kim Động
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng các loại cây có múi, từ năm 2013, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đức Hợp đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cam, bưởi… Đến nay, toàn xã có trên 20ha thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây như: cam Vinh, cam đường canh, bưởi Diễn…
Từ năm 2002, ông Nguyễn Văn Vóc ở thôn Thái Hòa, xã Đức Hợp đưa cây bưởi Diễn về trồng trong vườn với diện tích gần 6 sào. Ông Vóc cho biết: “Năm nay, vườn bưởi Diễn của tôi dự kiến cho thu 2.500 quả, với giá bán 25.000 - 30.000 đồng/quả, ước tính mang lại thu nhập trên 60 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác”.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Kim Động đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cam, bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao tại các xã: Đồng Thanh, Thọ Vinh, Song Mai, Đức Hợp...
Toàn huyện Kim Động hiện có trên 366ha trồng các loại cây cam, bưởi. Theo đánh giá của một số địa phương trên địa bàn huyện, hiện nay diện tích chuyển đổi sang trồng cam, bưởi cho thu nhập bình quân từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 14 - 16 lần so với trồng lúa.
Hiện nay, huyện đang phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh) xây dựng quy trình sản xuất an toàn, VietGAP và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nhãn hiệu sản phẩm cho cây cam, bưởi tại xã Đồng Thanh. Qua đó, xây dựng quy trình sản xuất, kiểm soát lượng phân bón, thuốc trừ sâu và thúc đẩy thói quen sản xuất nông sản sạch và nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;