Đó là nhận định của bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội tại hội nghị về tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao và bền vững tổ chức mới đây.
Thành lập trung tâm tinh bò giống
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham quan gian hang trưng bày sản phẩm của HTX và Thương mại Thu Thủy (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: N.T.S
Cùng với việc nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, các đơn vị cần quan tâm đầu tư và phát triển mạnh công nghệ sau thu hoạch; xây dựng liên kết vùng trong sản xuất, đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Theo Sở NNPTNT, hiện nay giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC toàn thành phố mới đạt 25%. Trong đó, với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt tỷ lệ 17,9%, chăn nuôi đạt 33,5% và thủy sản 13%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là rất rộng mở. Trước hết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, trên 150.000ha. Hiện thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 79.000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng CNC, cơ giới hóa vào sản xuất.
Hơn nữa, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, có hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi khá đồng bộ.
Đặc biệt, thành phố đã có rất nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC. Cụ thể như Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố về khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung giai đoạn 2014-2020, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND của HĐND thành phố về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2016-2020…
Các chính sách trên đang phát huy hiệu quả, khi vừa qua Trung tâm Sản xuất tinh bò chất lượng cao đã được thành lập tại xã Phù Đổng (Gia Lâm). Dự án có quy mô 40 – 50 bò đực giống sản xuất tinh với dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất tinh bò đông lạnh cọng rạ tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu; công suất dự kiến 300.000 – 400.000 liều tinh/năm, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng.
Sự ra đời của trung tâm này được kỳ vọng sẽ mở ra bước phát triển mới cho ngành chăn nuôi Hà Nội. Theo đó, không chỉ nghiên cứu, cung cấp con bò giống chất lượng cho người chăn nuôi ở ngoại thành mà tiến tới Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống bò cho các tỉnh, thành phố lân cận.
Liên kết, xây dựng thương hiệu bền vững
Nói về tiềm năng của Hà Nội về phát triển nông nghiệp CNC, ông Trần Thanh Tùng – Thứ trưởng Bộ KHCN cho biết, muốn phát triển KHCN trong nông nghiệp, vai trò của các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Đây cũng là yếu tố Hà Nội cần đặc biệt quan tâm, có cơ chế chính sách hỗ trợ; sớm có nghiên cứu quy hoạch phát triển cho các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh sản xuất ồ ạt, tạo mất cân bằng cung - cầu.
Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, huy động tối đa nguồn vốn, tạo nguồn lực cho phát triển nông nghiệp…
Đến nay, Hà Nội đã xây dựng, quản lý và phát triển trên 20 nhãn hiệu tập thể như Khoai lang Đồng Thái (Ba Vì), bưởi tôm vàng (Đan Phượng), Nhãn chín muộn (Hoài Đức)… Sau khi xây dựng nhãn hiệu tập thể, giá trị sản xuất đã tăng vượt trội, điển hình như nhãn chín muộn Hoài Đức cho giá trị khoảng 700 triệu đồng/ha, hay rau hữu cơ Sóc Sơn cho giá trị trên 1 tỷ đồng/ha…
Bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp. Do đó, trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai việc các mô hình ứng dụng KHCN theo sự phân công của thành phố, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVI.
KHCN phải phục vụ đắc lực triển khai Chương trình 02-CTr/Tu về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần tham gia nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; đặt hàng và triển khai các nhiệm vụ KHCN, tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc, nóng bỏng. Nắm bắt nhu cầu và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý KHCN, tạo điều kiện cho ứng dụng thực tiễn.
Theo Nam Tùng Sơn/Báo Dân Việt.VN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;