Học tập đạo đức HCM

Hiệu quả kinh tế nuôi lồng công nghiệp cá chim (Trachinotus falcautus) ở Khánh Hòa

Thứ năm - 16/11/2017 23:05
(Thủy sản Việt Nam) - Việt Nam có 3.260 km bờ biển, trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ và nhiều eo vịnh là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển. Nuôi biển ở Việt Nam khởi đầu từ việc nuôi giữ cá tự nhiên để bán cho khách du lịch ở Khánh Hòa và Quảng Ninh.

Đến năm 2006, Việt Nam đã nghiên cứu thành công sản xuất giống một số loài cá biển: cá song chấm nâu, cá giò, cá hồng Mỹ, cá vược, cá dìa và cá chim vây vàng. Một số tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa đã phát triển nuôi cá biển quy mô nhỏ. Từ đầu những năm 2000, nuôi lồng biển quy mô công nghiệp đã bắt đầu được một số công ty thử nghiệm ở Khánh Hòa, Phú Yên. Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu sản lượng nuôi biển đạt 200.000 tấn đến năm 2010 theo Quyết định 224/1999/QĐ-TTG. Ngoài ra, Quyết định 1523/QĐ-BNN-TCTS năm 2011 phê duyệt quy hoạch nuôi biển Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng dự khoảng 250.000 tấn giá trị, tương ứng 1,8 tỷ USD đến năm 2020.

Tuy nhiên, nuôi cá biển ở Việt Nam chưa phát triển so với tiềm năng do những hạn chế về công nghệ sản xuất giống, thức ăn, nuôi và thiếu dịch vụ hậu cần nuôi biển công nghiệp. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá lồng biển công nghiệp chưa được nghiên cứu đánh giá.

Vì vậy, nghiên cứu này phân tích và so sánh hiệu quả kinh tế nuôi biển công nghiệp và đánh giá khả năng phát triển nuôi lồng biển công nghiệp ở Khánh Hòa. Mục tiêu cụ thể của nghiên cứu là: (i) Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá lồng biển quy mô công nghiệp đối với cá chim vây ngắn (short-fin pompano); (ii) Đánh giá khả năng áp dụng mô hình nuôi cá lồng biển công nghiệp ở Khánh Hòa.

Thực trạng nuôi biển ở Khánh Hòa

Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, với 385 km đường bờ biển và hơn 200 đảo lớn nhỏ, ba vịnh, hai đầm phá tương đối kín gió là lợi thế tốt để phát triển nuôi biển. Hiện nay, nuôi biển ở Khánh Hòa chủ yếu ở quy mô nhỏ hộ gia đình; tập trung tại các vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh. Trong đó, vịnh Nha Trang đã có quy hoạch cho nuôi lồng quy mô nhỏ; vịnh Cam Ranh chủ yếu phục vụ mục đích quân sự, nên diện tích dành cho nuôi lồng biển ít; vịnh Vân Phong là vùng tập trung nuôi lồng biển quy mô công nghiệp.

Tôm hùm và cá biển là đối tượng nuôi chủ yếu. Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm ở Khánh Hòa với tổng số lồng thả nuôi trong năm 2014 là 28.455 lồng, sản lượng thu được là 884 tấn. Các loài tôm hùm được nuôi gồm có tôm hùm bông/sao (Panulirus ornatus) và tôm hùm xanh/đá (Panulirus homarus) là 2 đối tượng nuôi chính; tùy theo từng vùng nuôi mà tôm hùm bông hay tôm hùm xanh được nuôi nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn có các đối tượng khác nuôi kèm theo là tôm hùm đỏ (Panulirus longipes), tôm hùm tre (Panulirus polyphagus) và tôm hùm sỏi. Cá biển được nuôi thương phẩm tại Khánh Hòa bao gồm cá chẽm, cá mú, cá giò, cá hồng và cá chim trắng.

Các trại sản xuất cá giống ở Khánh Hòa chủ yếu sản xuất giống cá bớp, cá chẽm, cá hồng, cá chim. Cá mú giống được đánh bắt tự nhiên hoặc phải nhập từ Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan. Giống tôm hùm được khai thác tại các vùng biển trong tỉnh như: Thôn Mỹ Giang (Ninh Phước - Ninh Hòa), đầm Nha Phu (Ninh Hòa), đầm Môn (Vạn Thạnh - Vạn Ninh), vịnh Nha Trang và vịnh Cam Ranh. Kỹ thuật nuôi lồng biển của các hộ ở Khánh Hòa chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ và kinh nghiệm truyền thống. Trong đó, số bè nuôi có quy mô lớn (trên 200 lồng) chiếm khoảng 10%; số bè nuôi có quy mô nhỏ 8 - 12 ô lồng chiếm 40%; còn lại 50% số bè nuôi ở quy mô trung bình. Thức ăn nuôi cá chủ yếu là cá tạp tươi (cá mối, cá cơm, cá trích, cá liệt…). Trong mùa mưa, khi nguồn cá tạp hạn chế, các hộ cho ăn bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. Đối với tôm hùm, thức ăn hoàn toàn là tươi sống gồm cá tạp, cua, nhuyễn thể. Trong giai đoạn tôm và cá nuôi lồng còn nhỏ thì thức ăn được băm nhuyễn sau đó tăng độ thô dần dần.

Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình cá lồng công nghiệp, nghiên cứu này sử dụng các phương pháp: (i) Đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất và (ii) Đánh giá hiệu quả đầu tư dựa trên những số liệu về cơ cấu chi phí đầu tư, chi phí đầu vào sản xuất, chi phí hoạt động và doanh thu. Giá trị hiện tại ròng là tổng giá trị hiện tại của dòng thu nhập ròng mà dự án mang lại trong cả vòng đời của dự án. Mục đích của việc tính giá trị hiện tại ròng của dự án là để xem xét việc sử dụng các nguồn lực (vốn) trong thời gian thực hiện dự án có mang lại lợi ích lớn hơn khi so sánh với việc sử dụng nguồn lực cho hoạt động khác hay không. NPV được xác định theo công thức sau:

- n: Số năm hoạt động của dự án

- t: Năm bắt đầu thực hiện dự án được coi là năm gốc

- CIt: Giá trị luồng tiền mặt thu tại năm t

- COt: Giá trị luồng tiền mặt chi tại năm t

- r: tỷ suất chiết khấu

Nếu NPV > 0 thì dự án khả thi. Sau khi đã khấu trừ chi phí cơ hội, dự án vẫn có lợi tức kinh tế. Hay nói cách khác, khoản đầu tư có lời bởi giá trị của dòng tiền mặt sau khi khấu hao đã cao hơn mức đầu tư ban đầu. Nếu NPV < 0 thì đầu tư này có thể làm giảm giá trị dự án và dự án không khả thi. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ có tính công lao động là mức lãi suất mà dự án có thể đạt được đảm bảo cho tổng các khoản thu của dự án cân bằng với các khoản chi ở thời gian mặt bằng hiện tại. Công thức:

Trong đó:

- r1: Tỷ suất chiết khấu thấp hơn tại đó NPV1 > 0 gần sát 0 nhất

- r2: Tỷ suất chiết khấu cao hơn tại đó NPV2 < 0 gần sát 0 nhất

- NPV: Giá trị hiện tại ròng

Nếu giá trị EIRR lớn hơn thì dự án khả thi hơn. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ càng cao thì khả năng thực thi dự án là càng cao. EIRR còn được sử dụng để đo lường, sắp xếp các dự án có triển vọng theo thứ tự, từ đó có thể dễ dàng hơn trong việc cân nhắc nên thực hiện dự án nào. Phân tích độ nhạy dự án đầu tư là phương pháp phân tích mối quan hệ giữa việc biến đổi các yếu tố đầu với các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của dự án.

Hiệu quả mô hình nuôi biển công nghiệp

Thời gian thả nuôi cá chim vây ngắn (Trachinotus falcautus) của mô hình RIA 1 tại Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà bắt đầu năm 2013. Năm 2013, tổng thể diện tích nuôi cá chim vây ngắn là 6.900 m3, mật độ thả 14 con/m3, năng suất vụ đầu tiên đạt 7,9 kg/m3. Giá bán cá năm 2013 là 100 nghìn đồng/kg. Vụ nuôi 2014 - 2015, diện tích nuôi cá chim vây ngắn tăng thêm 5.350 m3; mật độ thả cá giống 14 - 18 con/m3, chỉ số FCR giảm dần 1,69 (năm 2013) xuống còn 1,55 (năm 2017). Năng suất thu hoạch cá trung bình của giai đoạn 2013 - 2017 là 8,01 kg/m3.

Bảng 1: Chỉ tiêu kỹ thuật mô hình cá chim vây ngắn

Doanh thu từ sản lượng (kg) cá chim vây ngắn qua các năm 2013 - 2017. Giá bán cá từ năm 2013 là 100 nghìn đồng/kg đến năm 2017 là 120 nghìn đồng/kg, giá tăng trung bình mỗi năm là 5 nghìn đồng/kg. Doanh thu năm 2017 tăng cao do có khấu hao tài sản cố định khi kết thúc dự án. Chi phí của mô hình nuôi gồm: chi phí tại lồng nuôi trên biển, chi phí tại cở sở trên bờ, chi phí đầu tư trang thiết bị và chi phí bảo dưỡng hàng năm. Chi phí nuôi tại lồng bao gồm tiền giống, chiếm khoảng 16% tổng chi phí; tiền thức ăn chiếm hơn 71% tổng chi phí; tiền lương chiếm khoảng 3%, còn lại các chi phí nhiên liệu, thuốc hóa chất, bảo dưỡng lồng bè, thu hoạch mỗi loại chiếm khoảng 2% tổng chí phí. Trung bình một mô hình nuôi cần 3 - 4 lao động, luân phiên chăm sóc và bảo vệ lồng.

Chi phí vận hành cơ sở trên bờ bao gồm thuê nhà, điện nước, nhiên liệu, và vận chuyển vật tư đầu. Nhân sự tại cơ sở trên bờ gồm 1 quản lý, 1 kế toán, 2 nhân viên kiêm lái tầu và vận chuyển vật tư. Chi phí lương trên bờ cao hơn chi phí lương trên biển, khoảng 400 triệu đồng/năm, gấp đôi chi phí lương trên biển. Chi phí thuê nhà khoảng 3 triệu đồng/tháng; tiền điện nước và nhiên liệu 4 triệu đồng/tháng; chi phí liên lạc và phần chi phí khác 5 triệu đồng/tháng. Chi phí đầu tư trang thiết bị ban đầu của mô hình rất cao 8.453.195 nghìn đồng. Chi phí bảo dưỡng sửa chữa hằng năm được phân bổ đều theo các năm của dự án, khoảng 170 triệu đồng/năm. Chi phí tại lồng nuôi trên biển chiếm khoảng 69% tổng chi phí. Chi phí xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị và bảo dưỡng chiếm khoảng 23% tổng chi phí, chi phí tại cơ sở trên bờ chiếm 8% tổng chi phí.

Năm 2012, lợi nhuận của mô hình cá chim vây ngắn âm -8.453.195 nghìn đồng, do chưa phát sinh doanh thu. Đến năm 2013, lợi nhuận mô hình là 1.013.676 nghìn đồng do đã có sản phẩm bán ra thị trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2012 đã hoàn thành. Lợi nhuận của mô hình cá chim vây ngắn tiếp tục tăng, từ 1.203.005 nghìn đồng năm 2014 lên đến 8.359.236 nghìn đồng vào năm 2017.

Hình 2: Các chỉ tiêu kinh tế mô hình cá chim vây ngắn

Thời gian hoàn vốn được xác định bởi đường lợi nhuận lũy kế khi có giá thị lớn hơn hoặc bằng 0 ở năm nào thì năm đó chính là năm hoàn vốn. Trong giai đoạn 2012 - 2017,  dòng tiền thu hồi của dự án liên tục tăng từ -8.453.195 nghìn đồng năm 2012 lên đến 4.860.468 nghìn đồng vào năm 2017. Tại năm 2017, dòng tiền thu hồi có giá trị tăng do sản lượng cá thu hoạch tăng mạnh.

Để đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình cá chim vây ngắn bằng các chỉ số đánh giá kinh tế (NPV, EIRR), báo cáo đặt ra một số giả định sau: Thời gian dự án 6 năm (2012 - 2017), thời gian khấu hao trang thiết bị 10 năm, chi phí bảo dưỡng trang thiết bị hàng năm bằng 2% tổng tiền đầu tư, tỷ lệ chết không thay đổi qua các năm 23%, lãi suất ngân hàng 11%. Dựa trên các giả định và từ kết quả tính toán của dòng tiền vào (thu) và dòng tiền ra của dự án (chi), lấy lãi suất chiết khấu (hay lãi suất kỳ vọng) để tính NPV là 11% (năm 2012), lãi suất tiết kiệm để so sánh EIRR là 11% (năm 2012).

Thu nhập hiện tại ròng (NPV) của mô hình đạt 3.168.564 nghìn đồng và tỷ suất hoàn vốn nội tại là 21% (> 11%). Điều này, có nghĩa là trong thời gian đánh giá, dự án đem lại hiệu quả kinh tế. Trên thực tế các yếu tố đầu vào, đặc biệt là lãi suất và giá bán sản phẩm luôn luôn thay đổi qua các năm do ảnh hưởng từ thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để đánh giá được các rủi ro xảy ra trong thời gian tới đến mô hình, nghiên cứu phân tích độ nhạy theo các tình huống giả định để đánh giá biến động của các yếu tố trên. Trong trường hợp các yếu tố khác không đổi, lãi suất ngân hàng thay đổi ta sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế của mô hình thay đổi. Ta được kết quả:

Xét lãi suất ngân hàng là 11%/năm thì mô hình có NPV = 3.168.564. Khi giảm lãi suất của dự án xuống 10%/năm thì mô hình có NPV = 3.585.226 nghìn đồng > 0. Với mô hình nuôi cá chim vây ngắn, lãi suất ngân hàng càng giảm thì mô hình càng có lợi. Trong trường hợp xấu nhất là lãi suất có thể tăng 20%/năm thì mô hình vẫn có NPV = 170.910 nghìn đồng > 0. Nên dự án được chấp nhận. Trước những tác động của thị trường, giá bán sản phẩm tăng hoặc giảm. Xét trường hợp các yếu tố khác không đổi, giá bán sản phẩm thay đổi ta sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế của mô hình thay đổi. Ta có kết quả:

Với các yếu tố khác không đổi, khi tăng giá bán lên 120 nghìn đồng/kg thì NPV = 5.788.419 nghìn đồng (> 0) và EIRR = 29% (> 11%), mô hình có hiệu quả kinh tế. Khi giá bán cá là 95 nghìn đồng/kg NPV = - 1.422.977 nghìn đồng, EIRR = 6% (<11%), mô hình không có hiệu quả kinh tế. Trong trường hợp xấu nhất, khi giá bán giảm sâu xuống còn 75 nghìn đồng/kg thì mô hình có NPV = -8.634.373 nghìn đồng (< 0) và EIRR = -26% (< 11%). Mô hình nuôi cá lồng biển trong trường hợp này không có lợi nhuận kinh tế. Nhằm đảm bảo giá bán sản phẩm trong mô hình ổn định, thì người sản xuất nên liên kết để hình thành một chuỗi cung cấp để tránh bị ép giá.

Kết luận

Cá chim vây ngắn có nhiều tiềm năng phát triển nuôi lồng biển quy mô công nghiệp. Đầu tư ban đầu cho mô hình nuôi lồng công nghiệp cao hơn mô hình nuôi lồng truyền thống, nhưng khi vận hành lợi nhuận thu được sẽ cao hơn mô hình nuôi cá chim truyền thống. Các phân tích độ nhạåy cho thấy rủi ro về giá bán và lãi suất ngân hàng không cao với mô hình nuôi lồng công nghiệp cá chim. Tuy nhiên các hộ gia đình còn gặp rất nhiều hạn chế để có thể áp dụng mô hình nuôi cá lồng công nghiệp, chủ yếu là thiếu vốn, không biết rõ hiệu quả kinh tế của mô hình và thói quen nuôi truyền thống thiếu hiểu biết kỹ thuật nuôi lồng công nghiệp là những cản trở chính đối với hộ giá đình trong việc chuyển đổi qua mô hình nuôi lồng công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu xin cảm ơn sự giúp đỡ và hỗ trợ tài chính của Dự án NORAD Pha 3, do Chính phủ Na Uy tài trợ.

Tài liệu tham khảo

Kongkeo, H,, Wayne, C,Murdjani, M, Bunliptanon, P, Chien, T, 2010, Current practices of marine finfish cage culture in China, Indonesia, Thailand and Viet Nam, Marine Finfish Aquaculture Network, Volume XV No, 2, April-June 2010.

Petersen, E, H,, et al, 2011c, Bioeconomics of cobia, Rachycentron canadum, culture in Vietnam, ACE discussion paper 2011/2, Available at www,advancedchoiceeconomics,com,au.

Petersen, E, H,, et al, 2011d, Bioeconomics of Aisan seabass, Lates calcarifer, culture in Vietnam, ACE discussion paper 2011/3, Available at www,advancedchoiceeconomics,com,au.

Petersen, E, H,, et al, 2011, Bioeconomics of lobster, Panulirus ornatus, culture in Vietnam, ACE discussion paper 2011/5, Available at www,advancedchoiceeconomics,com,au.

Tôn Nữ Hải Âu, Bùi Dũng Thể và Võ Ánh Duẫn, 2012,  Hiệu quả chi phi và mức đầu vào tối ưu của một số mô hình nuôi thủy sản vùng hạ triều vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, tập 72B (3):35-40.

Thủ tướng Chính phủ, 1999,Quyết định 224/1999/QĐ-TTg ngày 8/12/1999 phê duyệt Chương trình phát triên nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999 - 2010.

Thủ tướng Chính phủ, 2013, Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Nguyễn Văn Giáp1, Đỗ Đăng Huy1, Phạm đức phương2, Mai Văn Tài2, Tăng Anh Cường3

1. Trung tâm Chính sách Chiến lược Nông nghiệp Miền Nam (SCAP)

2. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA 1)

3. Đại học Lao động Xã hội, Hà Nội

http://thuysanvietnam.com.vn/

 Tags: việt nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay23,812
  • Tháng hiện tại291,435
  • Tổng lượt truy cập92,669,099
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây