Ảnh minh họa.
Việt Nam hiện đứng top đầu thế giới về xuất khẩu tiêu, điều, tôm, cá tra; đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo. Dự báo, sắp tới đây nông sản Việt còn có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa ở thị trường các nước do hội nhập kinh tế.
Mặc dù tiềm năng phát triển nông nghiệp khá cao song ngành này đang tồn tại hàng loạt điểm yếu cố hữu từ sản xuất cho đến thu hoạch, chế biến và thị trường.
Về sản xuất, cả nước có tổng cộng 13 triệu hộ nông dân nên sản xuất quy mô nhỏ, không ít doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu. Khâu thu hoạch quá nhiều trung gian, thiếu nhà kho.
Chế biến không đạt yêu cầu của khách hàng, 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, đa phần xuất sản phẩm thô. Thông tin thị trường về giá cả, nhu cầu chưa nhiều. Đây chính là nút thắt của ngành nông sản xuất khẩu.
Nói về sản xuất trong lĩnh vực lúa gạo, ông chủ Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) khẳng định, phần lớn doanh nghiệp chưa có dây chuyền chế biến gạo liên hoàn nên công suất chế biến chỉ dao động từ 16 – 20 tấn/giờ.
Muốn dây chuyền xay xát gạo hiện đại doanh nghiệp phải bỏ khoảng 6 tỷ đồng để đầu tư. Thường thì con số này vượt quá khả năng của doanh nghiệp.
Do không áp dụng dây chuyền sản xuất công nghệ vào chế biến nên hiệu quả kinh doanh thấp, tỷ lệ thất thoát cao.
Ông Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: “Nông sản đang thất thoát lớn sau khi thu hoạch, khoảng 14% đối với gạo và 20 – 25% đối với mặt hàng rau củ quả.
Nếu đi vào cụ thể từng sản phẩm sẽ còn cao hơn nữa”. Tương tự lúa gạo, lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản cũng gặp nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư.
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang thực nghiệm đèn led để nâng hiệu quả đánh bắt cá.
Tuy nhiên, ngư dân địa phương đang thấy bế tắc trong việc trang bị hệ thống đèn led cho hoạt động đánh bắt. Bởi vì đầu tư một hế thống đèn led hiện đại phải bỏ rất nhiều vốn.
Muốn ngành nông nghiệp đóng góp nhiều cho GDP và tăng trưởng cao như mong đợi đòi hỏi ngành này phải ứng dụng khoa học - công nghệ nhiều hơn nữa.
Kết quả nghiên cứu gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khoa học và công nghệ đóng góp 30 – 40% trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua. Dự kiến, tỷ lệ này ngày càng tăng cao nếu thu hút mạnh hoạt động đầu tư trong ngành.
Trước đó chương trình khoa học và công nghệ phát triển nông nghiệp đã được tổ chức ở ĐBSCL. Ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rất cần thiết nhưng không nhất thiết phải là công nghệ cao nhất.
Thực tiễn sản xuất đòi hỏi những công nghệ phù hợp nhất, hiệu quả cao nhất tạo ra sản phẩm chất lượng có tính cạnh tranh tốt.
Bàn về đổi mới khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, GS TS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần có chiến lược ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp bài bản hơn và mạnh hơn nữa hướng đến sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.
Muốn làm như vậy doanh nghiệp cần xây dựng thành công thương hiệu, nông dân phải chuyển đổi thành nông dân kiểu mới. Nông dân kiểu mới sẽ không tự do sản xuất theo ý mình, theo kinh nghiệm, tất cả đều tuân thủ quy trình GAP.
Theo Thành Giang/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã