Học tập đạo đức HCM

Đồng bào Khmer vươn lên làm giàu

Thứ bảy - 27/01/2018 17:25
Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực bảo đảm cho đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các hình thức sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, từ một xã nghèo nhất ở tỉnh Sóc trăng nhưng chỉ sau 5 năm phát triển, bộ mặt của xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có nhiều thay đổi rõ rệt.


Hệ thống tưới tự động cho cây trồng của nông dân xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã góp phần tăng năng suất cây trồng.


Hệ thống tưới tự động cho cây trồng của nông dân xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã góp phần tăng năng suất cây trồng.

Về Tham Đôn hỏi chuyện thoát nghèo, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Tán vui mừng cho biết: “Hơn 220 hộ dân ở các ấp vừa thoát nghèo nhờ các mô hình sản xuất nông nghiệp trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, bò sữa, heo, gà, vịt đàn, nuôi cá, trồng rau màu và làm nghề đan lát lục bình xuất khẩu. Các mô hình kinh tế này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Tham Đôn từ 9,36% năm 2016, đến nay còn 3,82%”. Tham Đôn có 14 ấp, 3.981 hộ dân với phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer. Do đặc điểm phong tục tập quán, đồng bào Khmer nơi đây sống quần cư theo phum sóc, nhà ở đơn giản, thường làm bằng lá dừa nước. Nước uống lấy từ ao hồ, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Ông Tán cho biết thêm, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, toàn xã có 33,5% số hộ nghèo. Xuất phát điểm của Tham Đôn thấp, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông yếu kém, điện thắp sáng chưa hoàn chỉnh, ngay cả trụ sở UBND xã cũng phải đặt nhờ trên đất của dân.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về vận động các đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, những năm qua, Tham Đôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế như: Các công trình điện, nước sạch, hệ thống thủy lợi, giao thông, trường học, trạm y tế, chợ… Ngoài việc được đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, Tham Đôn còn được ưu tiên thụ hưởng các chương trình 134, 135 của Chính phủ, các dự án xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp đồng bào Khmer vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Từ năm 2012 đến nay, Tham Đôn tổ chức gần 200 buổi tập huấn cho hơn 3.000 lượt người dân học tập, trao đổi kinh nghiệm, nắm vững kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Hội Nông dân xã đứng ra bảo lãnh cho đồng bào Khmer vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn bảy tỷ đồng để đầu tư phát triển hơn 3.700 ha trồng lúa cao sản và các loại rau màu như hẹ, bắp cải, dưa hấu; gần 1.200 ha nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Tham Đôn còn chú trọng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp để giải quyết nông nhàn, góp phần tăng thu nhập cho người dân; hiện giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị sản xuất của xã đạt 170 triệu đồng/ha, tăng gấp hai lần so với 5 năm trước.

Bằng những giải pháp, cách làm năng động, sáng tạo và hiệu quả mà hằng năm số hộ giàu ở Tham Đôn tăng khá nhanh với 1.055 hộ; 1.519 hộ có mức sống trung bình khá, hộ nghèo giảm đáng kể. Tham Đôn là xã có nhiều hộ thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm của huyện, với gần 700 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2017, Tham Đôn xin rút khỏi danh sách xã nghèo từ Chương trình 135. Hiện nay, đường nông thôn được trải nhựa, lót đá từ trung tâm xã nối liền về các ấp. Tất cả 14 ấp có đường giao thông nông thôn đi lại thuận lợi quanh năm; toàn bộ số hộ được sử dụng giếng nước khoan, điện thắp sáng. Nhờ có thu nhập khá cao, phần lớn hộ đồng bào Khmer xây dựng được nhà ở kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã còn quan tâm chăm lo công tác giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội… Toàn xã hiện có 95% số hộ trên địa bàn đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tất cả các ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa. Xã luôn dẫn đầu về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đồng thời cũng là điểm sáng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trở lại thăm Tham Đôn vào những ngày cuối năm, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng và vui mừng khi được biết, trong số hàng trăm hộ đồng bào Khmer vừa mới thoát nghèo thì không ít hộ đã trở thành mô hình giải quyết việc làm tốt cho lao động trong gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống và chăm lo việc học hành cho con em. Gia đình anh Thạch Lâm ở ấp Bưng Chụm trước đây rất nghèo, được vay năm triệu đồng đầu tư trồng ba công hẹ, rau thơm và nuôi heo. Nhờ chịu khó làm ăn và tiết kiệm, đến nay gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện sửa chữa lại căn nhà chuẩn bị đón Tết, sắm được xe gắn máy, xe đạp cho con đi học. Tương tự, gia đình anh Lâm Sa ở ấp Trà Mẹt, năm 2016 được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Vợ chồng anh sử dụng nguồn vốn này đầu tư nuôi mười con heo, kết hợp nấu rượu lấy hèm nuôi heo. Sau gần sáu tháng nuôi, anh bán bầy heo thu lãi tám triệu đồng. Cùng với số vốn tích lũy, anh chị tiếp tục đầu tư nuôi heo thịt, heo nái rồi mở quán bán tạp hóa, trồng lúa cao sản, rau mầu… cuối năm thu lãi gần 40 triệu đồng. Giờ đây, gia đình anh Sa đã thoát nghèo và trở thành một trong những hộ Khmer khá trong ấp.

Nhờ ứng dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nên năng suất lúa tăng lên trông thấy. Điển hình như vụ hè thu vừa qua, nhiều hộ dân ở Tham Đôn sản xuất lúa thơm cao sản đạt từ 7 đến 8 tấn/ha. Đột phá trong sản xuất lúa ở Tham Đôn là liên kết các doanh nghiệp xây dựng mô hình tôm - lúa trên cánh đồng mẫu lớn. Những cán bộ khuyến nông hỗ trợ nông dân kỹ thuật làm đất, chăm sóc, cung ứng vi sinh… đến khi thu hoạch thì mua lại toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hứa Trường Sử cho biết, bên cạnh việc phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng hàng hóa, sản phẩm sạch, gắn liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, Tham Đôn còn chủ động thành lập một số câu lạc bộ giúp nhau thu hoạch lúa, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ chăn nuôi… nhằm tăng thêm thu nhập, nhất là lúc nông nhàn. "Điều này giúp người dân có thêm việc làm để có thu nhập từ nghiều nguồn khác nhau. Đây cũng là phương pháp xóa nghèo hiệu quả nhất, bền vững nhất ở Tham Đôn hiện nay”, ông Hứa Trường Sử chia sẻ.

Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân, cùng sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng, doanh nghiệp, bằng những mô hình kinh tế hiệu quả, đồng bào Khmer Tham Đôn hôm nay đang có cuộc sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao. Cuộc sống mới tạo cho người dân niềm tin, niềm vui mới, vươn lên làm giàu hơn nữa, xây dựng gia đình ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Theo Đỗ Nam/Báo Nhân Dân.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập609
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại776,502
  • Tổng lượt truy cập93,154,166
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây