Phát huy vai trò làm chủ của nông dân trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã chỉ đạo lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, tập trung cao cho kinh tế nông nghiệp, tích cực chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Nhờ vậy, một số xã đã thành công nhờ những mô hình chăn nuôi, trồng cây rau màu, cây ăn quả, trong đó có mô hình trồng dưa Hoàng Hậu.
“Hai màu một lúa”
Với lợi thế riêng về thổ nhưỡng, trên những cánh đồng đất thịt nhẹ, đất pha cát, nông dân xã Tân Hưng đã mạnh dạn chuyển hết sang trồng dưa theo phương thức “2 màu 1 lúa”, đưa Tân Hưng trở thành xã có diện tích trồng dưa lớn nhất huyện Vĩnh Bảo.
Ông Lâm Đức Điều- người đầu tiên trồng dưa ở xã Tân Hưng phấn khởi kể: “Năm 2012, gia đình tôi bắt đầu trồng dưa Kim Cô Nương, khi đó nhiều bà con trong xã còn e ngại không dám trồng nhiều vì sợ trồng ra chẳng biết bán cho ai. Ban đầu, tôi trồng thử 3 sào, thấy dưa phát triển tốt, cho quả to và ngọt hơn vùng khác. Với giá bán 20.000 – 23.000 đồng/kg, tôi thu lãi 60 triệu đồng. Thấy hiệu quả nhiều gia đình khác mới mạnh dạn trồng theo”.
Bà Vũ Thị Chính, cũng ở xã Tân Hưng, chia sẻ: “Trồng dưa Kim Cô Hoàng Hậu không khó, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ tầm 70-80 ngày. Cây dưa lại rất phù hợp với đồng đất quê tôi. Tuy nhiên, để có những quả dưa ngon đủ tiêu chuẩn, người trồng phải tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc dưa và cần chú ý phòng một số bệnh thường gặp như bệnh phấn trắng, đốm lá, nứt dây chảy mủ, bệnh chết cây con. Khi dưa ra hoa mỗi gốc chỉ để lại một quả, trước khi thu hoạch 10 ngày cần nhổ rễ cây để gốc cây không hút nước lên làm thối quả. Một sào dưa cho năng suất trên 8 tạ, với giá bán 15.000- 17.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí đầu tư, mỗi sào dưa cho lợi nhuận từ 15- 18 triệu đồng, cao gấp 7 -8 lần trồng lúa”.
Ông Hà Văn Vị - Giám đốc HTX NN xã Tân Hưng cho biết: “Hiện, xã Tân Hưng có trên 400 hộ trồng dưa với diện tích lên đến 85ha, được chia thành 3 vùng sản xuất tập trung. Tất cả được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Bà con hàng ngày phải theo dõi và ghi chép sổ sách đầy đủ. Đặc biệt, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết sức hạn chế, không dùng phân hóa học, chủ yếu là phân hữu cơ ủ mục kết hợp với phân bón tổng hợp và phòng chữa bệnh cho dưa hoàn toàn bằng thuốc trừ sâu sinh học”.
Nhân rộng các vùng sản xuất tập trung
Ông Nguyễn Văn Đàn - Trưởng phòng NN&PTNT Vĩnh Bảo cho biết: Huyện Vĩnh Bảo có 163 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, 7 cánh đồng mẫu lớn, trong đó diện tích các cây trồng có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trên 700 ha, chủ yếu là các cây như ớt, ngô, dưa, khoai tây, lúa giống.
Đặc biệt, một số xã triển khai trồng dưa vàng giống Thái Lan mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình đã có của ăn của để, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, đường ngõ xóm, đường nội đồng được đổ bê tông cứng, xe thương lái đi được đến tận ruộng. Sản phẩm dưa Kim Cô Nương, Kim Cô Hoàng Hậu đã được gắn tem mác truy xuất nguồn gốc nên nhiều đơn vị thương mại nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm, các siêu thị từ Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng về đặt hàng với số lượng lớn.
Theo Thu Thủy/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;