Học tập đạo đức HCM

HTX Nông nghiệp Vĩnh Ninh (Hà Nội): “Thắp lửa” trên những cánh đồng mẫu lớn

Thứ sáu - 14/07/2017 10:48
HTX Nông nghiệp Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang là “đầu tàu” trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), với những cuộc “cách mạng” trong dồn điền đổi thửa, tạo nên những cánh đồng mẫu lớn hàng trăm hecta.

Nhớ lại thời gian khó trong công cuộc dồn điền đổi thửa, ông Nguyễn Phạm Loạn - Giám đốc HTX Vĩnh Ninh, chia sẻ: “Khởi đầu của công tác dồn điền đổi thửa cực kỳ khó khăn, việc thay đổi thói quen sản xuất cũ manh mún của bà con là thách thức lớn, nhiều người chưa hiểu nên phản đối gay gắt. Lúc đó, chúng tôi phải kiên trì tuyên truyền đến từng nhà, từng người, cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của bà con”.
 

“Hợp nhất” những cánh đồng

Để thuyết phục người nông dân, HTX chú trọng phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong việc bốc thăm ruộng. Đến hết năm 2013, 100% số hộ (trên 800 hộ) ở 7 cụm dân cư đã đồng thuận và rút thăm chia ruộng ngoài thực địa với diện tích 144,6ha, trung bình mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa.

Là một thành viên từng phản đối đồn điền đổi thửa, bà Đào Thị Mơ (cụm 12, xã Vĩnh Quỳnh), thổ lộ: “Khi rút thăm nhận ruộng, vì rút phải thửa ruộng xấu, tôi đã phản đối gay gắt. Về sau, khi HTX đưa máy móc vào làm đất, san bằng ruộng, tạo thuận lợi cho sản xuất nên tôi đã bị thuyết phục. Hiện tại, các vụ mùa đều cho năng suất cao, giảm công lao động, chúng tôi rất hài lòng”.

Chị Nguyễn Thị Là (cụm 4, xã Vĩnh Quỳnh), hồ hởi: “Sau công tác dồn điền đổi thửa, từ 5 sào ruộng manh mún, đến nay, gia đình tôi tập trung thành 2 thửa ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho máy cày, máy cấy hoạt động. Việc canh tác từ đó rất đơn giản, nhàn hạ, mà vẫn cho năng suất rất cao”.

Đại diện UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết, thành công của xây dựng NTM đang thay đổi bộ mặt kinh tế, đời sống tại địa phương. Tháng 8/2015, xã Vĩnh Quỳnh đạt chuẩn NTM với số điểm 98/100. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 30 - 35 triệu đồng/người/năm.

Sau khi dồn điền đổi thửa xong, HTX lại tiến hành kiên cố hóa toàn bộ 15km đường giao thông nội đồng của thôn và mở rộng thêm 2 - 3m, tạo thuận lợi cho bà con sản xuất. HTX còn đứng ra đảm nhiệm 4 dịch vụ cho người dân là bảo vệ đồng ruộng, thủy lợi, chuyển giao khoa học kỹ thuật và quản lý chợ.

Được biết, sau thắng lợi của công tác dồn điền đổi thửa, huyện Thanh Trì đã hỗ trợ 50% chi phí để địa phương mua 2 máy với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Xã Vĩnh Quỳnh cũng hỗ trợ bà con 1.500 khay để gieo mạ (trị giá 51 triệu đồng).

Máy cấy của HTX trên đồng đất Vĩnh Ninh

Cơ giới hóa, giảm sức lao động

Bên cạnh công tác dồn điền đổi thửa, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, HTX đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy cấy lúa Kubota SPW-48C vào sản xuất, một cuộc “cách mạng lần thứ 2” tại HTX Vĩnh Ninh.

“Từ năm 2013, việc cơ giới hóa sản xuất đã được HTX đặc biệt quan tâm. Để tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân sản xuất, HTX đã đầu tư mua 3 máy làm đất, 3 máy gặt và 4 máy cấy làm dịch vụ cho bà con trong suốt mùa vụ”, Giám đốc Nguyễn Phạm Loạn, cho biết.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Phạm Loạn, năm 2013, sau khi đã có máy làm đất, HTX đầu tư mua máy cấy 4 hàng, có giá 90 triệu. Mỗi ngày, máy có thể cấy được 2 - 2,5 mẫu, gấp 20 - 25 lần so với cấy tay. Tuy nhiên, loại máy này lại chưa thực sự hiện đại, người điều khiển vẫn phải đi bộ theo sau, tại những địa hình xấu, máy rất khó cấy.

Vì thế, năm 2017, HTX quyết định sắm dàn máy cấy Kubota SPW-48C do Nhật Bản sản xuất. Máy cấy Kubota có thể chở theo 3 người, cấy 6 hàng, mỗi ngày cấy 5 - 7 mẫu ruộng, gấp 50 - 60 lần cấy thủ công. Máy hoạt động được trong điều kiện nước sâu (từ 3 - 5 tấc nước) và nền đất không bằng phẳng.

Máy móc hiện đại, công suất cấy lúa có thể đạt tối đa 1,5ha/ngày, thay thế khoảng 30 lao động/ngày và hiệu quả kinh tế gấp hơn 20 lần. Cấy bằng máy, lượng giống chỉ cần 63kg/ha, so với hơn 200kg lúa giống/ha của phương thức thủ công, chi phí sản xuất giảm 50%”, nhân viên kỹ thuật của HTX cho hay.

Để tiếp sức cho công cuộc cơ giới hóa đồng bộ, huyện, xã đã hỗ trợ cho HTX một bộ dây chuyền sản xuất giá thể, một bộ dây chuyền sản xuất mạ khay. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, HTX Vĩnh Ninh đang quyết tâm xây dựng những cánh đồng chuyên canh, khẳng định thương hiệu và trở thành HTX tiêu biểu toàn quốc.

Văn Nguyễn
http://thoibaokinhdoanh.vn/

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập169
  • Hôm nay60,759
  • Tháng hiện tại891,486
  • Tổng lượt truy cập92,065,215
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây