Theo thống kê, Bình Thủy hiện còn 2.343ha cây ăn trái, với nhiều chủng loại cây trồng như sầu riêng, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, vú sữa, dừa xiêm lùn, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan…, tập trung chủ yếu tại 3 phường Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông. Tuy nhiên, đa phần các vườn cây đã lâu năm, phân bổ rải rác và diện tích khá manh mún, lại thường xuyên bị dịch bệnh gây hại nên năng suất, chất lượng trái bị ảnh hưởng. Đây là thách thức không nhỏ đối với người làm vườn, đồng thời cũng tạo áp lực lên ngành nông nghiệp địa phương trong việc vận động nông dân cải tạo vườn tạp.
Theo ông Lê Hoàng Tua, Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy, bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là nỗi trăn trở của địa phương khi không ít lần chứng kiến cảnh nông dân “trúng mùa, mất giá”. Vì vậy, ngành nông nghiệp quận xác định, chỉ có phát triển vườn cây theo hướng liên kết sản xuất (LKSX) thì mới có thể ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Với quyết tâm đó, năm 2012, Phòng Kinh tế quận cùng Trạm Khuyến nông đã vận động thành lập được một số tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái như Tổ sản xuất vú sữa phường Thới An Đông; Tổ LKSX và kinh doanh xoài phường Long Tuyền; CLB chuyên canh xoài cát Hòa Lộc (phường Long Hòa).
Ông Quách Kim Kê, Tổ trưởng Tổ LKSX và kinh doanh xoài phường Long Tuyền cho biết: “Tổ liên kết được thành lập từ tháng 8/2012 với 7 thành viên, diện tích canh tác khoảng 3,5ha. Mặc dù hoạt động chưa lâu song các thành viên trong tổ rất quan tâm, hỗ trợ nhau về kỹ thuật. Ngoài ra, tổ cũng có kế hoạch tìm đầu ra cho các thành viên thông qua thương lái và hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố”.
Ông Phạm Văn Tường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hòa cho biết: “CLB khuyến nông trồng xoài cát Hòa Lộc của phường có 16 hộ tham gia, diện tích canh tác khoảng 10ha. Để đồng hành cùng hoạt động của CLB, phường đã giới thiệu cho 10 thành viên trong CLB vay vốn từ Phòng giao dịch NHCSXH quận để đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, máy bơm tưới, đồng thời kết hợp với Trạm Khuyến nông quận tập huấn kỹ thuật cho bà con để tăng năng suất cho vườn xoài”.
Được biết, thời gian qua, phường Thới An Đông đã đề xuất với Phòng Kinh tế quận chọn một địa điểm trên tuyến Quốc lộ 91B làm điểm tập kết các sản phẩm cây ăn trái của Tổ sản xuất vú sữa phường Thới An Đông. Đây sẽ là nơi giới thiệu các sản phẩm cây ăn trái chủ lực, có tiếng của địa phương, cũng là nơi vận chuyển, trao đổi mua bán giữa nhà vườn với thương lái.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết: Bình Thủy đang là 1 trong 4 quận, huyện được Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Cần Thơ quy hoạch phát triển vườn cây ăn trái tập trung gắn với du lịch sinh thái. Hàng năm, Trạm Khuyến nông quận đều phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố hỗ trợ các loại giống cây ăn trái chất lượng cao cho nông dân để trồng thay thế vườn tạp; triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu tư hệ thống đê bao theo khu vực, triển khai các chương trình chuyển đổi giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhà vườn. Mục tiêu của quận là phấn đấu duy trì ổn định vườn cây ăn trái, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chú trọng vào các loại cây có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển du lịch sinh thái để từ đó ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Hoàng Định (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã